Sợ bị tiêm phòng, người dân trốn vào rừng

Thứ tư, 29/07/2015 12:18

(Cadn.com.vn) - Ngày 28-7, Sở Y tế tỉnh Quảng Nam phối hợp với UBND xã Phước Lộc (H. Phước Sơn) tổ chức tiêm chủng mở rộng vaccine cho 860 người dân trong xã. Đây là địa phương từng xuất hiện ổ dịch bạch hầu khiến 3 người chết và 10 người nhập viện. Tuy nhiên, việc tiêm chủng gặp nhiều khó khăn do người dân không chịu hợp tác.

Ngay sau khi dịch bạch hầu bùng phát vào đầu tháng 7 tại hai thôn 8A và thôn 8B (xã Phước Lộc), chính quyền địa phương cùng cán bộ y tế đã tích cực khống chế ổ dịch, đồng thời tuyên truyền cho người dân tham gia tiêm chủng vacine phòng ngừa. Bên cạnh đó, Sở Y tế Quảng Nam đã báo cáo Bộ Y tế và xin trợ cấp khẩn 3.000 liều vacine để tiêm chủng cho toàn bộ người dân xã Phước Lộc.

Trong đó, chia ra 3 nhóm để tiêm gồm: Nhóm dưới 1 tuổi tiêm loại vacine 5 trong 1 (Quynvaxem); nhóm 1 đến 6 tuổi tiêm loại vacine DBT9 (bạch hầu, ho gà, uốn ván); nhóm trên 7 tuổi tiêm loại vacine DT (bạch hầu, uốn ván). Việc tiêm chủng sẽ diễn ra trong 3 đợt, mỗi đợt cách nhau một tháng. Nếu người dân chịu hợp tác, dự kiến đến cuối tháng 9, chương trình tiêm chủng mở rộng cho 6 thôn trong xã sẽ hoàn thành.

Tuy nhiên, do người dân ở đây từ trước tới nay mỗi khi có bệnh chỉ đâm trâu, làm lễ cúng chứ không đến bệnh viện nên việc vận động họ tiêm phòng bệnh đang gặp khó khăn. "Cách đây ít tháng, có thanh niên bị gãy tay, xương lòi ra bên ngoài nhưng vẫn không chịu đến trạm y tế xã chữa trị mà mua gà về làm lễ cúng. Khi nghe được tin, cán bộ xã đến thuyết phục mãi, đưa xe đón rồi cho tiền thì mới chịu đi bệnh viện. Nhưng chữa trị chưa đầy một ngày thì đã bỏ về nhà", ông Nguyễn Đức Toàn, Chủ tịch UBND xã Phước Lộc thông tin.

Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam Nguyễn Văn Hai trực tiếp vận động gia đình Hồ Văn Thiên đến tiêm phòng.

Đa số người dân ở đây là đồng bào Giẻ Triêng, đời sống khó khăn lại ít tiếp xúc với bên ngoài nên hủ tục vẫn còn rất nặng nề. Lường trước được việc tiêm chủng sẽ rất khó khăn, cách đây mấy ngày, cán bộ địa phương đã bắt đầu đến từng điểm trong xã nhằm tuyên truyền, vận động người dân để chuẩn bị cho buổi tiêm đầu tiên vào sáng 28-7.

Trước ngày tiêm chủng, đoàn lãnh đạo của Sở Y tế Quảng Nam do đích thân ông Nguyễn Văn Hai, Giám đốc sở đã đến từng hộ vận động người dân đi tiêm phòng, nhưng nhiều người dân vẫn không hợp tác. "Mấy ngày trước có uống thuốc rồi, giờ máu còn chưa chạy đều, sợ tiêm vào sẽ chết…", Hồ Văn Thiên (30 tuổi) đưa ra lý do để không phải tiêm phòng.

Được biết cách đây vài ngày, con gái của Thiên là Hồ Thị Đẩy (2 tuổi) bị nhiễm bệnh bạch hầu. Thấy con bị đau, Thiên vay mượn hơn 20 triệu để mua trâu về cúng. Khi cán bộ y tế đến vận động đưa cháu bé đi viện, Thiên nhất quyết không cho, còn dọa sẽ đâm chết con nếu như cán bộ cứ đòi đưa cháu bé đi. Thiên cho rằng, bị bệnh thì đã cúng rồi, sẽ không chết được nữa. Sau đó cán bộ y tế tìm mọi cách chữa trị tại chỗ và cưỡng chế con của Thiên uống thuốc.

Ông Nguyễn Văn Hai, Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam cho biết, do địa bàn vùng sâu, đường sá hiểm trở nên hầu hết người dân ở đây chưa từng được tiêm vacine. Bên cạnh đó, do đời sống còn lạc hậu, đây là xã duy nhất của huyện chưa có điện nên người dân chưa tiếp cận được khoa học, công nghệ… "Người dân họ sợ tiêm đau, người thì sợ tiêm vào sẽ chết. Trước khi tiêm chủng, vào tối qua, chúng tôi phải phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức họp dân ở tất cả 6 thôn trong xã. Sau khi phổ biến lần cuối, đoàn công tác đã phải thuê máy nổ, dùng dụng cụ chiếu bóng mang theo để chiếu cho bà con những thước phim quay cảnh người đồng bào ở các xã lân cận họ đi tiêm, để hy vọng người dân thấy được sẽ hợp tác", ông Nguyễn Văn Hai cho biết.

Mặc dù đã được vận động đủ cách, nhưng đến lúc triển khai tiêm phòng thì nhiều người bỏ trốn. Trong khi đó những người đi tiêm phòng thì hầu hết ánh mắt ngơ ngác đầy vẻ sợ hãi, các cán bộ y tế lại phải tiếp tục thuyết phục rất lâu thì họ mới chịu tiêm. "Sau khi được giám đốc Sở Y tế đến vận động, mình đi tiêm rồi, cũng không đau lắm, nhưng vợ mình vì sợ bị bắt phải tiêm nên sáng sớm nay đã bỏ trốn vào rẫy rồi. Tối mới về", Hồ Văn Thiên nói.

Theo đoàn công tác của Sở Y tế Quảng Nam, mặc dù chưa đầy 100 nhân khẩu, nhưng việc tiêm chủng ở thôn 8A và 8B dự kiến 3 ngày mới hoàn thành, bởi nhiều người dân đã bỏ vào rừng để trốn khỏi bị tiêm. Trước đó, 6 bệnh nhân bị nhiễm bệnh bạch hầu cũng đã tự ý bỏ bệnh viện về nhà mặc dù chưa khỏi.

Bão Bình