Số ca mắc mới tăng đột biến, các địa phương lên phương án ứng phó

Thứ năm, 10/02/2022 15:49

Sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán Nhâm Dần, nhiều địa phương trên cả nước ghi nhận số ca mắc COVID-19 gia tăng, khiến các chính quyền nhanh chóng lên phương án ứng phó.

Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân.

Chỉ tính riêng trong ngày 8-2, cả nước ghi nhận 21.909 ca mắc COVID-19 tại 63 tỉnh, thành phố; tăng hơn 5.000 ca so với ngày trước đó. Ngày 8-2 là ngày nhiều địa phương ghi nhận số ca mắc mới cao nhất từ trước đến nay như Nghệ An, Hải Dương, Thanh Hóa...

Số ca mắc tại nhiều tỉnh tăng đột biến

Tại tỉnh Hải Dương, tình hình dịch COVID-19 đang có chiều hướng phức tạp khi số ca mắc gia tăng, đặc biệt là sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần.

Trong ngày 8-2, tỉnh Thanh Hóa ghi nhận 998 ca mắc mới. Trong số đó có 226 trường hợp phát hiện trong cộng đồng, 456 ca ghi nhận qua sàng lọc tại cơ sở y tế và 316 người đang được cách ly theo quy định. Đây là số ca mắc cao nhất từ trước đến nay trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Tại Nghệ An, trong những ngày qua tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp với số ca mắc mới tăng rất cao, có ngày tăng đột biến. Trong ngày 8-2, số ca mắc mới của Nghệ An đã lên tới 1.717 ca. Tình hình dịch trên địa bàn tỉnh Quảng Nam cũng đang có nhiều diễn biến phức tạp. Chiều 8-2, Ban Chỉ đạo phòng chống COVID-19 tỉnh Quảng Nam cho biết trong ngày ghi nhận 364 ca, trong đó 339 ca cộng đồng...Tại Quảng Bình, trong 24 giờ qua (từ 6 giờ ngày 7-2-2022 đến 6 giờ ngày 8-2-2022), Quảng Bình ghi nhận thêm 413 ca nhiễm COVID-19, trong đó có tới 336 ca cộng đồng, 77 ca trong khu cách ly. Toàn tỉnh hiện có 1.477 ca đang điều trị tại nhà.

Nhận dịnh về tình hình dịch đang có xu hướng gia tăng tại nhiều đia phương sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) Nguyễn Trọng Khoa cho biết, số ca mắc COVID-19 sau Tết tăng cao do hoạt động đi lại và giao lưu dịp Tết, trong đó tập trung vào nhóm đối tượng người già, người lớn và trẻ chưa tiêm vaccine, trẻ sơ sinh… Bên cạnh đó, tại một số địa phương, người dân còn chủ quan, cho rằng đã tiêm đủ 3 mũi vaccine thì sẽ không bị mắc bệnh, chưa thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch; tình trạng tập trung đông người vẫn xảy ra, nhất là tại các quán cà phê, giải khát, các điểm tham quan du lịch, các nhà hàng, quán ăn.

Số ca mắc tăng cao còn do tại một số địa phương, điển hình là Nghệ An có nhiều doanh nghiệp, trường học, đơn vị trên địa bàn tỉnh tổ chức xét nghiệm đại trà hoặc đưa ra khuyến cáo, yêu cầu cán bộ, công nhân viên, giáo viên, học sinh phải chủ động làm xét nghiệm có kết quả âm tính với SARS-CoV-2 trước khi đến doanh nghiệp làm việc hoặc đến trường học... Ngoài ra, một lượng lớn người dân về quê nghỉ Tết, trước lúc trở lại các tỉnh, thành phố khác làm việc cũng đã chủ động đi xét nghiệm để biết kết quả, dẫn đến số ca ghi nhận tăng cao.

Chủ động phòng, chống dịch trong bối cảnh “mở cửa”

Bộ Y tế cho biết, các hoạt động giao thương, đi lại của người dân trong dịp Tết cơ bản diễn ra thuận lợi. Đây là dấu hiệu tích cực với công tác kiểm soát, phòng, chống dịch trong thời gian tới, tạo điều kiện cho kinh tế, xã hội phục hồi mạnh mẽ.

Tuy nhiên, việc cả nước đang dần “mở cửa” lại các hoạt động, phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ gia tăng số ca nhiễm bệnh sau dịp Tết, lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, kể cả việc lây nhiễm biến chủng Omicron. Vì thế, nếu các địa phương không kiểm soát, số mắc tăng quá mức, sẽ tăng số ca nặng, gây quá tải hệ thống y tế dẫn đến nguy cơ tử vong ngoài ý muốn.

Trước diễn biến phức tạp của dịch, tỉnh Nghệ An đã yêu cầu lãnh đạo các đơn vị triển khai thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh, Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành về việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn.

Cùng với đó, kiểm soát việc tập trung đông người trái quy định và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định phòng, chống dịch tại một số điểm như các quán cà phê, các di tích, điểm du lịch, quán ăn, nhà hàng… trong dịp đầu Xuân... Ngành y tế Nghệ An tích cực phối hợp với các đơn vị, địa phương chủ động lên phương án kịch bản để ứng phó trong tình huống dịch bùng phát mạnh; các địa phương huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc để nhanh chóng khống chế dịch một cách hiệu quả.

Các chuyên gia y tế lưu ý, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, người dân từ các địa phương trở lại các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh… bắt tay vào công việc thường nhật. Vì thế, các địa phương cần đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, vận động người dân từ các tỉnh, thành phố trở về và cư trú trên địa bàn tuân thủ thông điệp 5K, tự theo dõi sức khỏe, nếu có biểu hiện nghi ngờ mắc COVID-19 như sốt, ho, khó thở... hạn chế tiếp xúc và hạn chế đi lại, thông báo ngay cho y tế địa phương để được hướng dẫn, xét nghiệm COVID-19 và xử trí theo quy định…

P.V