Sợ nhất là “nghị quyết không làm”
(Cadn.com.vn) - Lâu nay những việc mà CBCC lợi dụng để đặt lợi ích của cá nhân mình lên trên lợi ích của đất nước, của nhân dân luôn được Đảng, Nhà nước ta quan tâm, chỉ đạo để tuyên chiến, loại trừ, song các mặt tiêu cực đó vẫn còn tồn tại trong một bộ phận CBCC.
Nói đến vấn đề này, không phải chỉ có những CBCC lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tham ô, tham nhũng, hối lộ nhằm mưu cầu lợi ích cá nhân mà có cả những CBCC cứ tưởng mình không hề tơ túi tiền bạc hoặc vật chất của Nhà nước, của nhân dân là tốt lắm rồi(?). Nói điều đó hoàn toàn không sai nhưng chưa đủ, bởi tự phải hiểu rằng khi họ trở thành CBCC thì đương nhiên họ phải được hưởng lương từ tiền nộp thuế của dân để phục vụ lại lợi ích cho nhân dân. Thế nhưng tại kỳ họp thứ 6 của UBTV Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa-Giáo dục thanh thiếu niên, nhi đồng của QH Lê Như Tiến cho biết kết quả một cuộc khảo sát cho thấy chỉ có 30% CBCC sau tuyển dụng làm được việc, 30% CBCC phải cầm tay chỉ việc, hơn 30% còn lại cầm tay chỉ việc vẫn không biết cách làm.
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã kết luận: “Trong bộ máy chúng ta có tới 30% số công chức không có cũng được, bởi họ làm việc theo kiểu sáng cắp ô đi, tối cắp ô về, không mang lại bất cứ thứ hiệu quả công việc nào”. Theo thống kê, cả nước có khoảng 2,8 triệu CBCC, như vậy có khoảng 840 ngàn người không làm được việc gì hết mà vẫn nhận lương! Nếu chỉ tính trung bình mỗi CBCC 2 triệu đồng tiền lương thì mỗi tháng mất 1.680 tỷ đồng, mỗi năm mất 20.160 tỷ đồng, rõ ràng nguồn chi không nhỏ chút nào.
Thực tiễn cho thấy, lâu nay nhiều người thường kêu ca, phàn nàn rằng cơ quan, đơn vị mình vừa thừa lại vừa thiếu CBCC cũng không phải ít, bởi số thừa vì họ có cũng như không, chẳng làm được trò trống gì. Thôi, tạm gác lại nguyên nhân của hệ quả này, song ta thán là thế nhưng thường vào dịp cuối năm bình chọn các danh hiệu thi đua, nhận xét CBCC thì hoàn toàn ngược lại, bởi “bỏ thì thương, vương thì tội”, vì ngoài bản thân họ ra thì ở phía sau họ còn có cuộc sống của vợ con, gia đình nữa mà, cho nên chỉ phê bình, kiểm điểm rút kinh nghiệm và để họ tiếp tục... phấn đấu, cuối cùng hòa cả làng, người làm tốt, làm nhiều cũng như người không làm được việc.
Giải quyết vấn đề này tuy khó nhưng không có nghĩa rằng bí đường, tất cả đều ở trong cơ chế, chính sách mà ra để tiến tới cắt giảm nguồn chi lương vô lý này đồng thời cũng tạo điều kiện thuận lợi cho những CBCC cầm tay chỉ việc vẫn không làm được việc rời vị trí. Tôi rất ấn tượng câu nói hài hước của nguyên Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Bá Thanh: “Nghị quyết không ba, không bốn gì chúng ta cũng đều triển khai hết, tôi sợ nhất là nghị quyết không làm thôi”.
Bên cạnh việc CBCC không làm được việc ra cũng còn không ít CBCC cố tình làm việc cầm chừng, chưa phát huy hết năng lực để phục vụ nhân dân, ăn cắp thời gian, la cà hàng quán trong giờ hành chính... Có người bảo giờ giấc không quan trọng, miễn sao công việc hoàn thành tốt là được. Điều này mới nghe thoáng qua thấy có lý, song ngẫm nghĩ thấy độ chính xác chưa cao, bởi phải nhận thức rằng mỗi khi họ chưa tận dụng hết thời gian làm việc theo quy định mà đã hoàn thành nhiệm vụ được giao rồi thì cần phải làm việc cho hết thời gian để năng suất công việc đạt cao hơn nữa chứ?
Ai cũng thừa nhận, chúng ta không thiếu các chỉ thị, nghị quyết, các văn bản để chỉ đạo toàn diện các lĩnh vực trong đời sống, xã hội, song thực tế hiệu quả mang lại không như mong muốn, nguyên nhân chủ yếu vẫn là không làm hoặc làm không đến nơi, đến chốn. Mà làm không đến nơi, đến chốn thì hệ quả thế nào chắc cũng chẳng cần nói thêm nữa.
Thái Mỹ