Số phận "con tin khắc nghiệt" của các thủy thủ bị cướp biển tấn công (Kỳ 1: Cướp biển đòi 2 tỷ naira, Cty chủ quản "trả giá" 2 triệu naira)

Thứ tư, 24/03/2021 11:28

Vào một buổi sáng, Đại úy Ripusudan Prasad gọi điện cho vợ, bà Anita, như mọi ngày khi vẫn đang thực hiện nhiệm vụ chỉ huy tàu chở dầu MT Duke. Con tàu chỉ còn cách cảng Lomé, Togo khoảng 8 giờ di chuyển, do đó ông Prasad dự định sẽ sớm nghỉ ngơi và bay về nhà ở Kolkata, Ấn Độ.

Tàu MT Duke đang tiến đến cảng ở Lome, Togo thì bị cướp biển tấn công.  Ảnh: CNN

"Cuộc gọi định mệnh"…

Tuy nhiên, chỉ vài chục phút sau, lúc 7 giờ 45, ông nhận được một "cuộc gọi định mệnh", đã thay đổi đáng kể hành trình của ông ấy.

Kỹ sư trưởng của ông báo cáo đã nhìn thấy một tàu cao tốc xuất hiện từ một tàu tiếp liệu và nó đã ở ngay sát bên cạnh con tàu của họ. Vào thời điểm thuyền trưởng Prasad đến cầu tàu, hoặc phòng điều khiển, chiếc tàu nhỏ hơn đang chạy cùng với họ - và khoảng 6-7 người đàn ông trên đó hét lên, yêu cầu MT Duke giảm tốc độ. Khi thuyền trưởng Prasad và kỹ sư chạy đến thành tàu, một căn phòng được gia cố nhằm bảo vệ thủy thủ đoàn trong trường hợp bị tấn công, thì thật không may, những tên cướp biển đã leo lên tàu của họ. Khi những tên cướp biển đập vào cửa thành, thuyền trưởng Prasad đã bị tấn công vào đầu. Một thủy thủ đã mất tích. Ông ấy biết những tên cướp biển có khả năng phá cửa trước khi MT Duke được cứu, vì vậy cuối cùng ông buộc phải đưa ra quyết định: đầu hàng.

…tại nơi nguy hiểm nhất thế giới

Vụ việc xảy ra vào tháng 12-2019 cho thấy, những nguy cơ đối với các thủy thủ ở vịnh Guinea, ngoài khơi Tây Phi. Nơi đây hiện là một trong những nơi bị cướp biển tấn công nhiều nhất và nguy hiểm nhất trên thế giới. Nó giáp với Nigeria, quốc gia sản xuất dầu lớn nhất Châu Phi và là trung tâm giao thương của khu vực với những hàng hóa béo bở.
Tây Phi có tầm quan trọng chiến lược đối với Ấn Độ - và ngược lại. Ấn Độ là đối tác thương mại lớn nhất của Nigeria khi là bên mua phần lớn dầu thô của nước này và cũng là đất nước chiếm phần lớn lượng nhập khẩu của Nigeria. Và Nigeria là đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ ở Châu Phi. Tất cả hoạt động buôn bán đó đòi hỏi việc vận chuyển bằng tàu thuyền quy mô lớn, thường chủ yếu do người Ấn Độ thực hiện. Nhưng vào tháng 12, Liên minh Hàng hải Ấn Độ (MUI) bày tỏ lo ngại lớn đối với sự an toàn của các thủy thủ Ấn Độ ở vịnh Guinea.

Trong một tuyên bố, Tổng thư ký của MUI, ông Amar Singh Thakur bày tỏ lo ngại: "Thật không may, cướp biển đã trở thành một vấn đề chính trị vì chính phủ của một số quốc gia không thể hoặc không sẵn sàng mở rộng quyền kiểm soát đối với các nhóm cướp biển. Bọn chúng có thể mua vũ khí và đạn dược một cách dễ dàng".  Liên minh này cũng nhấn mạnh, vấn đề thậm chí còn trở nên tồi tệ hơn do những khủng hoảng trong đại dịch Covid-19. Tại cuộc gặp với người đồng cấp Nigeria ở New Delhi vào đầu tháng này, Cố vấn an ninh quốc gia của Ấn Độ nêu rõ vấn đề này nhưng không rõ nội dung kết thúc cuộc họp đạt được những gì. 

An ninh cho các thủy thủ trên các con tàu ở ngoài khơi Tây Phi ngày càng trở nên quan trọng đối với Ấn Độ khi nước này tăng cường nhập khẩu dầu thô của Nigeria. Nhưng câu hỏi khó giải quyết là làm thế nào để đối phó với bọn cướp biển - và làm thế nào để bảo vệ tốt nhất các thủy thủ Ấn Độ.

Tập đoàn tội phạm

Cướp biển Somalia thường là mối đe dọa lớn nhất đối với các tàu chở hàng ở vùng biển ngoài khơi Đông Phi. Tuy nhiên, những năm qua, vùng biển ngoài khơi Tây Phi lại nổi lên là nơi bọn cướp biển hoành hành nhiều hơn.

Theo Trung tâm Báo cáo Cướp biển của Cục Hàng hải Quốc tế (IMB), năm ngoái, cướp biển và cướp có vũ trang đã bắt cóc ít nhất 130 thuyền viên trong 22 vụ việc ở vịnh Guinea - chiếm 95% tổng số vụ cướp biển trên toàn cầu). Cyrus Mody, Phó giám đốc Cơ quan về tội phạm thương mại của Phòng Thương mại Quốc tế tại IMB, cho biết, cướp biển luôn hoạt động mạnh mẽ ở vịnh Guinea, nhưng trong một thời gian dài, các công ty vận tải biển không báo cáo các vụ việc vì sợ tăng phí bảo hiểm hoặc bị dính vào các cuộc điều tra dài và phức tạp. Ông nói: “Số vụ việc được báo cáo từ vịnh Guinea chưa bao giờ nêu rõ chính xác bức tranh thực sự hoặc mức độ bạo lực thực sự ở khu vực này.

Những tên cướp biển tấn công MT Duke được trang bị súng trường tấn công tự động và dao rựa. Chúng tấn công thủy thủ đoàn và lục lọi con tàu, kiểm tra các ca-bin và lấy bất cứ thứ gì có giá trị như ví, đồng hồ, điện thoại. Thuyền trưởng Prasad cho biết, ông đã vét sạch két sắt trong ca-bin và đưa cho chúng 6.000 USD. Khi chúng đánh ông, Prasad nói với họ rằng, đó là tất cả. "Ngay cả khi các người giết tôi, tôi cũng không có thêm đồng nào", ông nói với CNN.

Thủy thủ đoàn của MT Duke, gồm 20 người Ấn Độ và 1 người Nigeria, sau đó bị bọn chúng bắt đi. Chúng chở họ đi thêm 3 giờ đồng hồ bằng tàu cao tốc để đến một đầm lầy ở đồng bằng sông Niger. "Nhiều thủy thủ Ấn Độ vẫn mặc đồ ngủ và lội qua đầm lầy sâu tới đầu gối trong 20 phút cho đến khi họ đến một trại trong rừng", thuyền trưởng Prasad nói. Trong vòng một tuần, Brito D'Silva, một thủy thủ được đào tạo khả năng chiến đấu (một thành viên cấp cao trên boong), đã chết vì một căn bệnh không xác định. Tuy nhiên, đó chỉ là bước khởi đầu của những thử thách.

Cướp biển ở vịnh Guinea thực chất là một chi nhánh mở rộng của "tập đoàn tội phạm" khai thác dầu có tổ chức trên đất liền, vốn từ lâu đã trở thành nguồn thu cho các nhóm tội phạm nhỏ, quan chức tham nhũng và các nhóm chiến binh thánh chiến. "Vụ tấn công MT Duke là một điều bất thường vì có rất nhiều người đã bị bắt cóc. Điều này không phải là hoàn toàn chưa từng xảy ra. Nhưng thường chỉ là 3-5 người, và thường chỉ là những người có chức vụ cao nhất trên tàu vì điều bọn chúng quan tâm là tiền chuộc", ông Siebels nói. 

Đối với thủy thủ đoàn MT Duke, bọn cướp biển đòi 2 tỷ naira (khoảng 5 triệu USD). Cty vận chuyển thương lượng chỉ một phần nhỏ trong số đó, 2 triệu naira (khoảng 5.000 USD), thuyền trưởng Prasad, người đã đi cùng bọn cướp biển trong khi chúng thương lượng đòi tiền chuộc qua điện thoại vệ tinh, cho biết. “Cty chúng tôi đang chơi trò chơi mèo vờn chuột. Họ chỉ đang thực hiện chiến thuật trì hoãn, họ không quan tâm đến việc cứu sống chúng tôi", ông nói với CNN.

KHẢ ANH