Sốc với giá gas

Thứ hai, 02/12/2013 11:03

* Tại Đà Nẵng, các đại lý tuân thủ theo giá niêm yết của Cty

(Cadn.com.vn) - Từ hôm qua (1-12), các Cty gas đồng loạt áp dụng giá bán lẻ mới với mức tăng cao nhất từ trước đến nay, 78.000 - 79.000 đồng/bình 12kg, đẩy mức giá bán lẻ đến người tiêu dùng lên mức 485.000-491.000 đồng/bình. Các Cty kinh doanh gas lý giải cho việc tăng giá này là do giá thế giới tăng, còn người tiêu dùng thì thực sự bị sốc và tỏ ra bức xúc.

NGƯỜI TIÊU DÙNG PHÁT HOẢNG

“Sáng bật bếp hết gas, tôi gọi điện cho đại lý đến đổi bình thì thực sự phát hoảng khi nhân viên chở bình gas thông báo giá đã tăng 79.000 đồng/bình 12kg. Thắc mắc thì nhân viên này bảo chị cứ gọi điện cho đại lý mà hỏi, còn tụi em chỉ làm nhiệm vụ của mình. Vậy là thay vì mức phải trả như tháng trước là 412.000 đồng, lần này tui phải trả 491.000 đồng” - chị Phạm Thị Ngọc (trú P. Mỹ An, Q. Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) bức xúc khi trao đổi với phóng viên. Theo chị Ngọc, việc tăng giá gas lần này khá bất ngờ, lại quá cao nên có gì đó “bất ổn”.

Cũng tâm trạng bức xúc, chị Yến - bán cháo dinh dưỡng trước Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng lo lắng: “Bán cháo hằng ngày ở đây, mỗi tháng cũng hết ít nhất 2 bình gas loại 12kg, với mức tăng khủng khiếp như lần này, tính ra tôi phải mất thêm gần 160.000 đồng. Giá bán cháo đã ổn từ trước đến giờ nên không thể tăng thêm được”.

Cũng là người buôn bán, chị Phạm Thị Tình - chủ quán cà-phê trên đường Lê Văn Hiến cho rằng, việc tăng giá gas lần này khiến chị thực sự sốc. Chị nhẩm tính, mỗi tháng phải mất thêm 160.000 đồng, nhưng khách của quán toàn là người quen, hàng xóm, ai nỡ tăng giá cà-phê?

Theo khảo sát nhanh của chúng tôi tại Đà Nẵng, phản ứng trước việc tăng giá gas quá cao, người tiêu dùng đều tỏ ra bất ngờ và sốc, cho rằng mức tăng này là bất hợp lý. Theo chị Hoa, công nhân làm việc tại KCN An Đồn, đồng lương công nhân đã thấp, hết giá điện, giá xăng, giờ lại đến giá gas tăng khiến chi tiêu càng thêm chật vật. Cũng theo tìm hiểu tại các đại lý thì họ vẫn tuân thủ theo giá niêm yết của Cty.

Chủ đại lý gas H.Y trên đường Lê Văn Hiến cho biết, đại lý của anh tuân thủ bán đúng giá niêm yết của Cty, nhưng trong ngày qua, anh liên tục nhận được điện thoại của khách hàng phản ánh, thắc mắc vì sao giá tăng quá cao. Là đại lý, chính anh cũng “choáng” nên chỉ biết thông báo lại với khách việc tăng giá là do Cty chứ đại lý không có quyền.

Tuy là mặt hàng thuộc danh mục bình ổn giá nhưng thực tế giá gas luôn bị các hãng kinh doanh điều chỉnh đầy ngẫu hứng.

BẤT HỢP LÝ?

Thị trường gas trong năm 2013 được đánh giá khá bình yên về giá nếu không có sự tăng đột biến của lần này. Trước đó, trong khoảng 5 tháng đầu năm giá gas bán lẻ liên tiếp giảm. Những tháng sau đó, giá gas trồi sụt đan xen khá đều đặn.

Trong đó mức tăng cao nhất vào tháng 11 là 18.000 đồng/bình, nâng giá gas bán lẻ phổ biến khoảng 410.000 đồng/bình. Lần tăng giá sốc này, theo lý giải của các Cty gas, gas trong nước tăng giá đột biến do giá gas thế giới nhập khẩu trong tháng 12 tăng 267,5 USD/tấn (lên mức 1.162,5 USD/tấn).

Tuy nhiên, câu hỏi được người tiêu dùng đặt ra ở đây là liệu các Cty có lợi dụng “té nước theo mưa”? Nhìn nhận thực tế, giá gas thế giới trong tháng 12 tăng, nhưng lượng gas bán ra ngày 1-12 và những ngày tiếp theo chắc chắn chưa phải là số gas phải nhập theo giá của tháng 12. Rõ ràng là các Cty đã lợi dụng và việc tăng giá của thế giới để bắt chẹt người tiêu dùng. Các chuyên gia cho rằng, các DN kinh doanh gas trong nước vẫn còn tồn kho lượng lớn gas đã nhập khẩu từ những tháng trước.

Cụ thể, tháng 10-2013, lượng nhập khẩu gas vào khoảng 76.000 tấn. Tháng 11-2013, Tổng cục Thống kê cho biết lượng nhập ước khoảng 80.000 tấn. Trong khi đó, với thị phần gas sản xuất trong nước đang chiếm khoảng 57,68%, các DN có thể còn tồn kho lượng lớn gas nhập khẩu. Tính trung bình mỗi tháng tiêu thụ khoảng 52.160 tấn gas nhập khẩu, tháng 10-2013 lượng tồn kho vào khoảng 23.840 tấn và tháng 11-2013 ước khoảng 27.840 tấn.

Về việc này, đáng lẽ Bộ Công Thương phải xem xét lượng gas tồn thực tế hiện nay là bao nhiêu trước khi cho DN tăng giá. Việc DN còn tồn hàng, gas nhập theo giá mới chưa về Việt Nam mà đã tăng giá bán là không sòng phẳng với người tiêu dùng.

Giá gas trong nước hiện nay đang điều chỉnh theo giá thế giới cũng là hình thức không minh bạch. Bởi hiện nay gas sản xuất trong nước đã chiếm thị phần áp đảo. Theo quy luật kinh tế, đáng lẽ gas sản xuất trong nước phải giữ vai trò dẫn dắt thị trường. Thêm nữa, lượng tồn kho gas ở mỗi DN là khác nhau nhưng các DN đồng loạt tăng cùng thời điểm, liệu có sự thông đồng, bắt tay tăng giá?.

Trong khi đó, đại diện Hiệp hội Gas Việt Nam cho biết, giá bán lẻ gas tăng mạnh ngoài nguyên nhân do giá thế giới tăng còn bởi một số DN bán đã “găm” hàng chờ sang tháng 12 mới bán để được hưởng lãi cao.

Dự đoán, trước tình hình giá gas thế giới không ổn định, vào đầu năm sau, giá gas sẽ tiếp tục tăng. Vì vậy, Hiệp hội đang đề xuất Bộ Tài chính xem xét điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu từ 5% xuống 0% để tạo điều kiện cho các Cty kinh doanh gas có cơ sở điều chỉnh giá bán, giảm bớt khó khăn cho người tiêu dùng. Theo Hiệp hội Gas Việt Nam, nếu được giảm thuế nhập khẩu xuống 0% thì sẽ giảm được khoảng... 17.000 đồng/bình 12kg!

Đúng là đại sốc với giá gas tăng sốc!

N.Minh