"Soi" dịch vụ nhạy cảm tại Đà thành
Kinh doanh có điều kiện về ANTT: Đụng đâu sai đó
(Cadn.com.vn) - Nhắc lại Thông tư 11 của Bộ Y tế quy định trong lĩnh vực kinh doanh massage, xoa bóp, bấm huyệt (một trong các loại hình kinh doanh có điều kiện về ANTT) tại buổi tuyên truyền ngày 26-10, ông Nguyễn Phước Nhàn- Đội trưởng Đội kiểm tra liên ngành về Văn hóa xã hội & Phòng chống tệ nạn xã hội TP Đà Nẵng nhấn mạnh: “Cơ sở kinh doanh dịch vụ này phải có bác sĩ phụ trách hành nghề, có chuyên môn về phục hồi chức năng, y học cổ truyền. Mỗi bác sĩ chỉ được đăng ký hành nghề tại một cơ sở và phải có sự đồng ý của lãnh đạo đơn vị nơi bác sĩ đang công tác”.
Việc massage, xoa bóp, bấm huyệt nâng cao sức khỏe, phục hồi chức năng bằng phương pháp vật lý trị liệu đòi hỏi phải có các bác sĩ chuyên khoa. Một thực tế theo ông Nhàn là tiềm ẩn nhiều rủi ro: “Hầu hết nam giới khi vào massage thường là những người đã có “hơi men”, khi đi xông hơi thì có khả năng cảm lạnh. Các trường hợp nguy hiểm đến sức khỏe đột ngột mà không có bác sĩ kịp thời rất dễ dẫn đến tử vong. Do đó, yêu cầu các cơ sở kinh doanh dịch vụ này khi hoạt động luôn phải có mặt bác sĩ”. Tuy nhiên, cũng theo ông Nhàn gần như chẳng mấy cơ sở massage quan tâm đến vấn đề này.
Theo thống kê của ngành chức năng, đến hết tháng 9-2013, Đội kiểm tra liên ngành về văn hóa, xã hội các quận, huyện đã tổng rà soát 274 lượt cơ sở kinh doanh dịch vụ. Qua kiểm tra đã cảnh cáo, nhắc nhở 132 cơ sở, xử phạt 71 cơ sở với tổng số tiền 88,25 triệu đồng, đình chỉ 6 cơ sở; tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho 709 lượt nữ nhân viên làm việc tại 25 cơ sở massage, karaoke và quán Bar trên địa bàn.
Qua kiểm tra phát hiện 18 trường hợp nhiễm virus viêm gan B, một trường hợp nhiễm HIV (người mắc các bệnh trên không được hành nghề massage). Đó là thực trạng đáng báo động về chất lượng các cơ sở massage và kinh doanh dịch vụ nhạy cảm còn tồn tại trên địa bàn thành phố.
Một vấn đề khác đối với loại hình dịch vụ này được đề cập nhiều là trình độ, bằng cấp, chứng chỉ của nhân viên. Trong số các cơ sở vi phạm thống kê ở trên, phần lớn trình độ và chứng chỉ hành nghề chưa tương ứng. Ông Nhàn nói: “Tôi nghi ngờ về chất lượng các loại chứng chỉ có tương đương với trình độ, tay nghề hay không nhưng chưa có dịp để khảo sát, kiểm tra”.
Nơi con nghiện “nương náu”
Theo thống kê của Phòng CSĐTTPVMT- CATP Đà Nẵng, từ năm 2000-2012 tình hình tội phạm ma túy ngày càng tăng, đặc biệt năm 2012 và 2013 tăng đột biến. Từ đầu năm 2013, cơ quan CA đã bắt 93 vụ, 135 đối tượng, thu giữ 2kg ma túy tổng hợp (tăng 130% so với cùng kỳ năm trước), xử lý 1.300 lượt người nghiện, tái nghiện, sử dụng ma túy trái phép (tăng 35%).
Các con nghiện có khuynh hướng thuê nhà trọ, khách sạn để sử dụng ma túy. |
Các vụ án liên quan đến đối tượng tội phạm ma túy trong dịch vụ lưu trú trên địa bàn TP Đà Nẵng như: Ngày 23-1, tại nhà nghỉ Thanh Thảo (Q. Cẩm Lệ); ngày 24-2, tại khách sạn Loveby (Q. Sơn Trà); ngày 28-2 tại khách sạn Venus (Q. Ngũ Hành Sơn); ngày 14-5, tại khách sạn Thiên Phước (Q. Thanh Khê)... Trong đó, một số đối tượng đã chủ động thuê một lúc nhiều phòng trong một khách sạn vừa để ở, vừa để sử dụng ma túy hòng đánh lạc hướng lực lượng CA khi kiểm tra.
Để ngăn ngừa tình trạng các con nghiện “mượn” nhà nghỉ, khách sạn để sử dụng ma túy, Đại úy Huỳnh Trọng Nghĩa- Phó trưởng Phòng CSĐTTPVMT- CATP Đà Nẵng đề nghị các chủ cơ sở kinh doanh lưu trú nên cảnh giác hơn với khách thuê trọ có nhiều nghi vấn: “Đối với các khách trọ khả nghi như: người Đà Nẵng nhưng đến thuê khách sạn và ở nhiều ngày, khách luôn đóng cửa phòng, mở nhạc mạnh hoặc rất yên tĩnh trong thời gian dài, hành trang của khách có các dụng cụ như: bình gas, nhiều bật lửa... thì nên cảnh giác, theo dõi hành tung của đối tượng... qua đó phối hợp với lực lượng chức năng phát hiện và tố giác tội phạm”.
Để góp phần chấn chỉnh, phòng ngừa các hệ lụy phát sinh từ các dịch vụ nhạy cảm trên địa bàn, Chi cục PCTNXHTP đã mở các lớp tuyên truyền về PCTNXH cho các cơ sở kinh doanh liên quan, Ông Lê Minh Hùng- Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội TP Đà Nẵng khẳng định: “Các lớp tuyên truyền này nhằm phổ biến pháp luật và đưa vào một số biện pháp để răn đe xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nhằm hướng đến mục tiêu xây dựng TP Đà Nẵng trở thành thành phố “5 không”. Để mục tiêu này trở thành hiện thực, cần có sự phối hợp tích cực của chủ cơ sở kinh doanh các loại hình dịch vụ nêu trên”.
Bài, ảnh: Hà Giang