Sớm điều chỉnh giá đất để tạo động lực phát triển

Thứ sáu, 05/03/2021 17:06

Trong điều kiện kinh doanh khó khăn do tác động của dịch COVID-19, việc điều chỉnh bảng giá đất phù hợp được xem là chính sách sát sườn để Đà Nẵng hỗ trợ doanh nghiệp (DN) sản xuất kinh doanh, khôi phục kinh tế, đồng thời tạo động lực để thu hút đầu tư. 

Trong bối cảnh hiện nay việc điều chỉnh giảm giá đất sẽ tạo động lực hỗ trợ DN, thu hút đầu tư. 

Từ giữa năm 2020 khi dịch Covid-19 lần 2 bùng phát ở Đà Nẵng, hoạt động sản xuất kinh doanh của DN gặp nhiều khó khăn, Thường trực Hội đồng nhân dân TP Đà Nẵng đã đề nghị UBND TP rà soát, nghiên cứu các chính sách hỗ trợ DN. Trong số đó, có một nội dung quan trọng là xem xét điều chỉnh giá đất phù hợp với thực tế, lưu ý về giá đất thương mại dịch vụ, đất sản xuất kinh doanh và tỷ lệ đơn giá thuê đất trên địa bàn TP. Tuy nhiên, ngày 3-3-2021, làm việc với Thường trực HĐND TP, ông Đinh Quang Cường - Phó Chánh văn phòng UBND TP Đà Nẵng cho biết, Sở Tài nguyên và Môi trường đang lập kế hoạch thuê đơn vị tư vấn điều tra, khảo sát để có cơ sở lập các thủ tục điều chỉnh Bảng giá đất, trình UBND TP xem xét trình Thường trực HĐND TP vào cuối năm 2021. Còn hiện tại, Sở TN&MT mới đang lập thủ tục trình Hội đồng thẩm định Bảng giá đất thẩm định trình UBND TP bổ sung 63 tuyến đường mới đặt tên; đồng thời, đề nghị điều chỉnh một số quy định (hệ số thửa đất đặc biệt, hệ số phân vệt...).

Trưởng Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND TP Trần Chí Cường nói, việc điều chỉnh bảng giá đất cần thực hiện sớm chứ để tới cuối năm 2021 thì quá lâu. Bởi lẽ, chính sách sát sườn nhất mà DN đang mong chờ hiện nay là chính sách về giá đất, trong đó có giá đất sản xuất kinh doanh và thương mại dịch vụ. Năm 2021 TP chọn chủ đề là năm khôi phục và phát triển kinh tế, hiện do tác động của dịch bệnh, DN đã gặp rất nhiều khó khăn, vì thế họ đang mong chờ 1 chính sách của TP có tác động tháo gỡ khó khăn. "Việc điều chỉnh bảng giá đất không phải thông qua kỳ họp của HĐND, chỉ cần báo cáo Thường trực HĐND thống nhất ban hành là được. Vì thế cần làm sớm, xong lúc nào trình Thường trực HĐND lúc đó"- ông Cường nói. 

Chủ tịch HĐND TP Lương Nguyễn Minh Triết cũng cho rằng, các chính sách hỗ trợ DN cần làm sớm chứ giao cho các ngành rà đi soát lại, xin ý kiến miết, tới khi DN "chết" rồi mới hỗ trợ thì không nên. Từ đó, ông Triết yêu cầu UBND TP Đà Nẵng cần nghiên cứu bảng giá đất năm 2021 (có báo cáo nêu rõ tác động của chính sách), trong đó lưu ý về giá đất thương mại dịch vụ và đất sản xuất kinh doanh; tỷ lệ phần trăm đơn giá thuê đất theo hướng tạo điều kiện cho DN và người dân dễ dàng tiếp cận, tăng khả năng cạnh tranh thu hút đầu tư và hỗ trợ thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Ông Triết nói: Phải nghiên cứu điều chỉnh giá đất, tạo sức hút cho nhà đầu tư. Tức là phải tính mặt bằng giá đất so sánh chung với các địa phương khác. Họ đầu tư hạ tầng cho một dự án như vậy thì ở Đà Nẵng tốn bao nhiêu, Khánh Hòa bao nhiêu, Huế bao nhiêu...? Chủ trương chung của Thường trực là điều chỉnh giá đất nhưng phải tạo ra sức hút với nhà đầu tư. Chứ họ bỏ tiền đầu tư ở Quảng Nam ít hơn Đà Nẵng mà lợi nhuận thu về lại nhiều hơn, như vậy rất khó thu hút đầu tư. 

Với bảng giá đất Đà Nẵng đang áp dụng thì giá đất thương mại dịch vụ, đất sản xuất kinh doanh so với tỷ lệ đất ở bằng 80% và 60%. Mặt bằng giá đất này ở mức trung bình so với Khánh Hòa, Huế và chỉ cao hơn Quảng Nam. Và nếu tính toán hợp lý hơn sẽ tạo ra sức hút cho đầu tư. Phó Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng Phùng Phú Phong cho biết, quan điểm của TP là mong muốn có những dự án tạo động lực lan tỏa phát triển kinh tế bền vững, nguồn thu bền vững chứ không phải cần dự án để thu tiền đất. Vì vậy với những dự án động lực, mang tính lan tỏa, TP sẽ tạo cơ chế ưu đãi, trong đó có ưu đãi về tiền thuê đất, để khuyến khích, thu hút nhà đầu tư. Đơn cử như dự án Tổ hợp không gian sáng tạo CMC 12 ngàn tỷ đồng ở Hòa Xuân trên diện tích 17 ha, nếu tính giá đất theo mức hiện hành rất cao, gần 2.000 tỷ đồng. Chi phí đầu tư cho đất đai để đầu tư một dự án về công nghệ, có tính chất động lực như vậy là rất lớn. TP cần những dự án như vậy, vì thế sẽ có cơ chế tính toán giá đất phù hợp theo quy định của pháp luật, đảm bảo tạo động lực thu hút nhà đầu tư. 

Trong bối cảnh sản xuất kinh doanh đang gặp khó khăn do dịch bệnh, việc điều chỉnh giảm giá đất thương mại dịch vụ, sản xuất kinh doanh sẽ tạo động lực lớn để hỗ trợ DN khôi phục hoạt động, tạo lợi thế thu hút đầu tư. Chưa kể, với nhiều lĩnh vực đặc thù, như giao thông công cộng, các bãi đỗ xe... thì áp dụng mức giá đất càng phải thấp hơn mới thu hút được nhà đầu tư. Theo ông Lương Nguyễn Minh Triết, với các dự án như bãi đỗ xe thì cần các vị trí trung tâm, vị trí đất vàng, nhưng mà mức giá thì không thể áp theo giá đất vàng, đất kim cương. Như vậy sẽ chẳng ai đầu tư cho nổi. Vấn đề là mục đích sử dụng đất chứ không phải vị trí đất đó. Với quan điểm như vậy, bảng giá đất phải điều chỉnh không chỉ là loại hình đất, vị trí đất mà phải xem cả mục đích sử dụng đất đó. Có như vậy mới thực sự tạo động lực từ đất đai để thu hút đầu tư.

HẢI QUỲNH