Sớm triển khai thực hiện mô hình bệnh viện vệ tinh
(Cadn.com.vn) - Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng Đặng Việt Dũng tại cuộc họp nghe Sở Y tế thành phố báo cáo “Đề án giảm tải các bệnh viện trực thuộc Sở Y tế thành phố” diễn ra ngày 7-4.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đặng Việt Dũng kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh |
Nhiều bệnh viện phải kê thêm giường
Theo Sở Y tế TP Đà Nẵng, công tác khám chữa bệnh trên địa bàn có những tiến bộ vượt bậc, nhiều thành tựu y tế được áp dụng có hiệu quả, đã cứu sống được rất nhiều bệnh nặng, hiểm nghèo. Một số bệnh viện (BV) chuyên khoa lần lượt ra đời cùng với chỉ tiêu giường bệnh cũng liên tục gia tăng. Từ con số 25,83 giường bệnh/vạn dân vào những năm 1997, 2000, đến nay đã đạt 67,68 giường/vạn dân. Tuy nhiên, so với điều kiện phát triển kinh tế xã hội trong tình hình mới như hiện nay của thành phố, chỉ số giường bệnh/vạn dân vẫn chưa thực sự đáp ứng hết được nhu cầu thực tế của người dân. Nhiều BV trên địa bàn thành phố vẫn còn tình trạng quá tải, đặc biệt là các BV loại 1. Cụ thể, trong năm 2016, BV Đà Nẵng hơn 174%, BV Phụ sản – Nhi gần 138%, BV Ung bướu Đà Nẵng xấp xỉ 117% và các BV quận, huyện hơn 120%.
Để hạn chế tình trạng bệnh nhân nằm ghép, rất nhiều BV đã kê thêm giường. Đặc biệt trong những đợt xuất hiện dịch bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng, nhiều đơn vị phải kê thêm giường bệnh ở hành lang. Số liệu cuối năm 2016 về tổng số giường kê thêm trên số giường chỉ tiêu được giao tại các BV trực thuộc Sở Y tế là 3.145/4.720 giường. Tại BV Đà Nẵng hơn 952/1.250 giường (chiếm tỷ lệ 76,6%), BV Phụ sản – Nhi hơn 720/900 giường (chiếm tỷ lệ 80,33%) và BV Ung bướu là 250/550 giường (chiếm tỷ lệ 45,45%). Tuy nhiên, do điều kiện cơ sở chật hẹp nên việc kê thêm giường bệnh đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động thăm khám, chăm sóc điều dưỡng và sinh hoạt của bệnh nhân.
Theo bà Ngô Thị Kim Yến – Giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng, nguyên nhân dẫn đến sự quá tải các BV trên địa bàn thành phố hiện nay là do nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân tăng hơn, bệnh nhân ngoại tỉnh đến Đà Nẵng khám chữa bệnh ngày càng nhiều. Ngoài ra, mô hình bệnh tật thay đổi với các bệnh không nhiễm trùng như bệnh tim mạch, đái đường, bệnh viêm phổi tắt nghẽn mãn tính... ngày càng tăng. Bên cạnh đó, năng lực y tế tuyến dưới còn hạn chế, việc triển khai chỉ đạo tuyến chưa mạnh, chưa có nhiều BV vệ tinh; trang thiết bị y tế ở một số BV chưa đầy đủ hoặc chưa được thay thế, bổ sung kịp thời nên chưa đáp ứng yêu cầu điều trị. Đặc biệt, cơ sở hạ tầng của một số BV còn chật hẹp, chưa đảm bảo yêu cầu để triển khai các hoạt động chuyên môn, chăm sóc, điều dưỡng bệnh nhân.
“Để giải quyết tình trạng quá tải, ngành Y tế đã có nhiều giải pháp như tăng số bàn khám, tăng chỉ tiêu giường bệnh, tăng số giường bệnh thực kê để hạn chế tối đa việc nằm ghép. Đồng thời, các BV cũng đã cải tiến quy trình khám chữa bệnh, đẩy mạnh công tác đào tạo, nâng cao chất lượng chuyên môn, ứng dụng các dịch vụ kỹ thuật y tế tiên tiến trong chẩn đoán và điều trị... Ngoài ra, UBND TP đã quan tâm đầu tư ngân sách để nâng cấp mở rộng cơ sở và trang bị thiết bị y tế cho nhiều cơ sở khám chữa bệnh. Tuy nhiên, những nỗ lực từ các cơ sở khám chữa bệnh cũng như của toàn ngành Y tế thành phố mới chỉ đáp ứng một phần nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Việc quá tải tại đa số các BV vẫn còn, công sức sử dụng giường bệnh có xu hướng gia tăng...”, bà Yến nói.
Thời gian qua, BV Phụ sản – Nhi Đà Nẵng luôn trong tình trạng quá tải. |
Tiến tới không còn bệnh nhân nằm ghép
Để tiếp tục giải quyết tình trạng quá tải, không có tình trạng nằm ghép ở các BV, Sở Y tế tiến hành lập “Đề án giảm quá tải các BV trực thuộc Sở Y tế thành phố Đà Nẵng”. Theo đó, mục tiêu cụ thể của Đề án là giảm công suất sử dụng giường bệnh của các BV, phấn đấu đến năm 2020 công suất sử dụng giường bệnh của các BV trực thuộc Sở Y tế đạt tỷ lệ từ 95% đến 100%. Ngoài ra, các BV sẽ thực hiện giải pháp cải tiến quy trình và thủ tục trong khám chữa bệnh, rút ngắn thời gian chờ; tăng chỉ tiêu giường bệnh cho các Trung tâm Y tế quận, huyện và tiến tới không còn tình trạng bệnh nhân nằm ghép ở tất cả các BV trực thuộc Sở Y tế. Đồng thời, thành phố tập trung đầu tư, nâng cấp, mở rộng các BV, đảm bảo điều kiện về hạ tầng cơ sở cho việc triển khai nhiệm vụ; tăng cường đầu tư trang bị y tế tiên tiến, hiện đại, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện các dịch vụ y tế chuyên sâu tại các BV.
Đặc biệt, ngành Y tế sẽ đẩy mạnh cơ chế liên doanh liên kết cho đầu tư phát triển BV. Trong giai đoạn 2017-2019, thành phố đầu tư xây mới Trung tâm phẫu thuật thần kinh và tạo hình của BV Đà Nẵng với quy mô 300 giường, tổng mức đầu tư 322 tỷ đồng. Đối với BV Phụ sản – Nhi Đà Nẵng sẽ đầu tư nâng cấp, mở rộng theo cơ chế liên doanh, liên kết với qui mô 750 giường (giai đoạn 2017-2019), tổng mức đầu tư dự kiến 1.500 tỷ đồng; đồng thời triển khai dự án đầu tư trang thiết bị y tế theo hình thức đối tác công tư (BT) với tổng mức đầu tư là 144 tỷ đồng (giai đoạn 2017-2018). Đẩy mạnh việc triển khai BV Ung bướu Đà Nẵng làm BV vệ tinh của BV Ung bướu TPHCM trong năm 2017 và tiếp tục xúc tiến các BV vệ tinh khác. Tiến hành xây dựng mô hình BV vệ tinh trong phạm vi nội bộ thành phố, trong đó BV quận, huyện làm cơ sở vệ tinh của các BV loại 1 của thành phố. Trong giai đoạn 2017-2020, ưu tiên thành lập mô hình BV vệ tinh cho các Trung tâm Y tế Q. Ngũ Hành Sơn, Q. Liên Chiểu và H. Hòa Vang làm BV vệ tinh cho 3 BV loại 1 thuộc Sở Y tế.
Song song đó, các BV loại 1 sẽ đẩy mạnh công tác chỉ đạo tuyến và thực hiện luân phiên, luân chuyển cán bộ chuyên môn từ tuyến trên về hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới để nâng cao chất lượng BV tuyến dưới. Xây dựng mô hình phòng khám bác sỹ gia đình lồng ghép với các cơ sở y tế sẵn có để tăng cường năng lực quản lý, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn diện, liên tục cho người dân và gia đình họ. Nâng cấp cơ sở hạ tầng và bổ sung thiết bị y tế cho các trạm y tế nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ khám, sơ cấp cứu ban đầu cho nhân dân các địa phương. Tiếp tục khuyến khích phát triển các BV ngoài công lập cả số lượng lẫn quy mô BV.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Đặng Việt Dũng cho rằng ngành Y tế và đại diện lãnh đạo các sở, ngành, địa phương đã chỉ rõ được thực trạng quá tải tại các BV thuộc Sở Y tế hiện nay. Muốn giảm tải BV thì ngành Y tế thành phố cần phải triển khai thực hiện các giải pháp một cách phù hợp. Riêng các mục tiêu thì cần phải đề cập một cách cụ thể, chi tiết để có thể thực hiện thành công.
“Ngành Y tế thành phố cần sớm triển khai thực hiện mô hình BV vệ tinh trong phạm vi nội bộ thành phố; đồng thời đưa ra những giải pháp về vấn đề xã hội hóa, liên doanh liên kết trong đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, kỹ thuật khám chữa bệnh. Mục tiêu cuối cùng của chúng ta là phải làm sao giảm tải BV, không để tình trạng nằm ghép, nằm đôi xuất hiện. Để từ đó chúng ta có thể đảm bảo tốt nhất việc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân thành phố và các tỉnh khu vực lân cận”, ông Dũng nhấn mạnh.
Lê Hùng