Sơn Trà cần một bản quy hoạch điều chỉnh có tích hợp, đa ngành

Thứ năm, 15/06/2017 10:56

(Cadn.com.vn) - Đó là quan điểm của TS.KTS Trương Văn Quảng, Ủy viên BCH, kiêm Phó Tổng thư ký Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam đề cập đến quy hoạch bảo tồn và phát triển bán đảo Sơn Trà trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công an TP Đà Nẵng.

TS.KTS Trương Văn Quảng.

P.V: Thưa ông, hiện nay dư luận rất quan tâm đến bản quy hoạch do Viện nghiên cứu Phát triển Du lịch lập đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Với tư cách một chuyên gia quy hoạch, xin ông cho biết một vài nhận xét của mình xung quanh bản quy hoạch nêu trên?

TS.KTS Trương Văn Quảng: Bán đảo Sơn Trà là tổng hòa của hệ sinh thái rừng tự nhiên gắn liền biển có giá trị đặc biệt ở Việt Nam. Cùng với đèo Hải Vân và vịnh Đà Nẵng, bán đảo Sơn Trà như bình phong bao bọc, che chắn cho TP Đà Nẵng... Sơn Trà thực sự là một “báu vật” của thiên nhiên ban tặng cho TP Đà Nẵng.

Về bản Quy hoạch tổng thể  phát triển khu du lịch Quốc gia Sơn Trà (gọi tắt là quy hoạch du lịch) vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại QĐ số 2163/QĐ-TTg, này 03/11/2016 đang được dư luận quan tâm cũng cần phải được nghiêm túc lắng nghe, nghiên cứu kỹ, vì mục đích phát triển bền vững chung của TP Đà Nẵng và của bán đảo Sơn Trà...

Theo đó về quan điểm phải gắn phát triển với bảo tồn và ngược lại, để đảm bảo phát triển bền vững. Về hiện trạng, cần thu thập đầy đủ các số liệu về điều kiện tự nhiên, diện tích rừng, khu bảo tồn, thực trạng phát triển các dự án, sử dụng đất, hạ tầng kỹ thuật... và các lĩnh vực khác có liên quan. Hoàn chỉnh một bức tranh tổng thể, chính xác thực trạng phát triển Sơn Trà cho đến hiện nay.

Tôi nhận thấy, bản quy hoạch du lịch cũng có điểm tích cực khi đã giảm quy mô số lượng buồng phòng lưu trú từ hơn 5.000 phòng, xuống còn 1.600 là một con số đáng kể đối với hệ sinh thái Sơn Trà. Tuy nhiên, vẫn cần phải làm rõ cơ sở tính toán con số này. Đặc biệt, nó phải được tính toán dựa trên ngưỡng chịu tải của môi trường.

P.V: Việc giảm số lượng buồng phòng thì chỉ  là một yếu tố tích cực. Vậy theo ông cần thiết phải quan tâm đến quy mô các dự án trên Sơn Trà? 

TS.KTS Trương Văn Quảng: Đúng vậy, việc giảm số lượng buồng phòng lưu trú là yếu tố tích cực, nhưng quan trọng hơn là nội dung quy hoạch du lịch phải thể hiện các chỉ tiêu về diện tích xây dựng, mật độ, tầng cao, tỷ lệ các công trình bê-tông, việc phân bổ số buồng phòng cho từng phân khu trong tổng thể khu du lịch. Điểm đáng chú ý, mặc dù, bản quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt đã đưa ra diện tích đất phát triển các dự án du lịch là 553 ha, trong đó tổng diện tích cho phép xây các công trình chỉ chiếm 12,8 ha (chiếm 2,3% phần diện tích cho phép, còn lại là phủ xanh). Nếu so với tổng thể diện tích Sơn Trà 4.439 ha thì diện tích xây dựng chỉ chiếm một phần quá nhỏ! Cũng so với phần diện tích mà TP Đà Nẵng đã phê duyệt chủ trương đầu tư cho 25 dự án, (trong đó có 18 dự án đầu tư phát triển du lịch có lưu trú cho nhà đầu tư) theo quy hoạch là 1.222 ha thì đã giảm hơn một nửa.

Khu nghỉ dưỡng đẳng cấp thế giới InterContinental Danang được các KTS đánh giá hài hòa giữa khai thác và bảo tồn.

P.V: Như vậy, ngoài những yếu tố tích cực như trên thì ông thấy những điểm nào chưa hợp lý, cần xem xét điều chỉnh thêm?

TS.KTS Trương Văn Quảng: Tôi thấy bản quy hoạch chưa đề cập đến phần diện tích mặt nước biển ven bờ trong khai thác du lịch. Ta có thể quy đổi để có thể giảm quy mô đất khu du lịch quốc gia (theo Luật Du  lịch) xuống dưới 1.056 ha như Quyết định đã phê duyệt.

Về tổ chức không gian, theo tôi cần làm rõ sơ đồ phân vùng chức năng (hoặc phân vùng phát triển)... Trong đó, xác định các khu vực được phép khai thác phát triển Du lịch sinh thái, hạ tầng, khu bảo tồn, khu hạn chế phát triển, khu vực cấm xây dựng... Các nội dung này chưa thật rõ ràng trong bản quy hoạch du lịch vừa được phê duyệt... Nên dễ gây hiểu khác đi.

Theo tôi,  Sơn Trà có thể phân thành hai khu vực chính trong hoạt động du lịch. Phía Bắc dành cho các hoạt động du lịch sinh thái chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế như khu nghỉ dưỡng InterContinental Danang Sun Peninsula Resort. Khu này xây theo dạng điểm, phân tán, mật độ thấp, bám ven biển... Khu phía Nam (Đông Nam, Tây Nam) dành cho các hoạt động du lịch sinh thái, du lịch tham quan... có tính phổ cập hơn. Các công trình kiến trúc ở đây được xây dựng có thể từ bình độ 200m trở xuống... Tạo ra những điểm nhìn đẹp hướng về thành phố và ngược lại, từ thành phố có thể ngắm được Sơn Trà lung linh trong đêm... Điều đó cũng góp phần tạo cảnh quan cho vịnh Đà Nẵng khi vịnh này cùng với cảng Tiên Sa trở thành nơi neo đậu, đón tàu du lịch, du thuyền quốc tế... Đây là một hình ảnh đặc sắc trong tương lai.

P.V: Ông có đề xuất thêm về quy hoạch nhằm hài hòa mối quan hệ giữa phát triển và bảo tồn đối với Sơn Trà?

TS.KTS Trương Văn Quảng: Với tiềm năng và lợi thế Đà Nẵng đã đầu tư xây dựng để dần khẳng định là một đô thị du lịch có thương hiệu tầm quốc gia, khu vực và quốc tế. Vậy, liệu có cần thiết phải coi Sơn Trà là một khu du lịch quốc gia nữa hay không?

Sơn Trà là một bộ phận cấu thành trong cấu trúc tổng thể của Đà Nẵng. Với tư cách là một phân khu có chức năng đặc thù của Đà Nẵng, Sơn Trà có thể áp dụng Luật Quy hoạch đô thị để lập quy hoạch xây dựng trên cơ sở tích hợp các yếu tố về phát triển du lịch, bảo vệ hệ sinh thái, an ninh quốc phòng... góp phần tạo hình ảnh đặc sắc cho đô thị Đà Nẵng - một thành phố đáng sống nhất của Việt Nam.

Để đảm bảo một quy hoạch hài hòa giữa phát triển và bảo tồn cho Sơn Trà, tôi nghĩ đây là cơ hội tốt để chúng ta cân nhắc thêm quy hoạch du lịch Sơn Trà vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trên cơ sở một bản quy hoạch điều chỉnh có tính tích hợp, đa ngành (Bộ VH-TT&DL, Bộ NN&PTNT, Bộ TN và MT, Xây dựng, Giao thông Vận tải, Quốc phòng, và TP Đà Nẵng cùng  một số Hội nghề nghiệp, bảo vệ môi trường) và có sự tham gia của cộng đồng. Tôi cũng đồng thuận với đề nghị là Chính phủ nên cần thành lập một Tổ chuyên gia độc lập để xem xét, nghiên cứu, đánh giá một cách khách quan, tham mưu cho Thủ tướng về quy hoạch đối với Sơn Trà...

P.V: Xin cảm ơn ông!

Xuân Đương – Lê Hoa
(thực hiện)

Tiếp tục làm rõ hơn quy hoạch bán đảo Sơn Trà

Sáng 14-6, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã tiếp tục giải đáp phần tranh luận với đại biểu Quốc hội về vấn đề Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà. Trước câu hỏi của đại biểu Quốc hội về việc có phải Chính phủ để Đà Nẵng tự quyết trong quy hoạch Sơn Trà, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, chắc chắn không có chuyện này. Nếu Chính phủ để cho Đà Nẵng tự quyết đã không có câu chuyện làm quy hoạch hay không... Đây là Chính phủ tiếp thu ý kiến và muốn rằng, dù từ trước đến nay Đà Nẵng đã phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vẫn cần Đà Nẵng chủ động quyết định. Ngoài ra, theo quy định của Luật, quy hoạch, phê duyệt hay bổ sung đều phải có quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Trong trường hợp bỏ Sơn Trà ra khỏi danh mục 47 khu du lịch quốc gia cũng phải có quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, nói Đà Nẵng cần chủ động là vì vấn đề Sơn Trà cần thống nhất trong Đảng bộ thành phố Đà Nẵng, đặc biệt là sự đồng thuận của nhân dân Đà Nẵng. Cả nước đều yêu mến, vì Sơn Trà và chắc chắn nhân dân Đà Nẵng cũng vậy. Nhân dân Đà Nẵng sẽ đóng góp trí tuệ của mình để cùng với chính quyền địa phương và Chính phủ bảo vệ Sơn Trà tốt hơn.

Bên cạnh đó, do trước đây chưa có quy hoạch du lịch, Đà Nẵng đã chủ động theo thẩm quyền cấp phép các dự án. Khi Đà Nẵng phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để thống nhất quy mô đầu tư là 1.600 phòng, UBND thành phố Đà Nẵng đã chuẩn bị và làm việc với các nhà đầu tư. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tin tưởng, khi chính quyền Đà Nẵng vào cuộc sẽ có giải pháp tạo sự đồng thuận của nhân dân Đà Nẵng và nhân dân cả nước. “Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết định vấn đề này trên tinh thần phát triển bền vững. Những yếu tố nào về bền vững chưa chắc chắn bây giờ sẽ để lại”, Phó Thủ tướng khẳng định.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, cử tri hoan nghênh việc Phó Thủ tướng đi thị sát ở bán đảo Sơn Trà và câu trả lời của Phó Thủ tướng đã giúp các đại biểu Quốc hội yên tâm. Nhiều cử tri trên cả nước cũng sẽ yên tâm khi Đà Nẵng cùng với sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ có giải pháp tối ưu để khai thác các sản phẩm du lịch.

Về vấn đề bán đảo Sơn Trà, tại phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị trên cơ sở cân nhắc nhiều mặt, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo sớm có giải pháp xử lý phù hợp với quy định của pháp luật và quy hoạch phát triển chung của cả nước, để cử tri, nhân dân Đà Nẵng và cả nước yên tâm.

Thu Thủy