Sơn Trà khai thác thủy sản theo hướng bền vững
(Cadn.com.vn) - Q. Sơn Trà, TP Đà Nẵng là địa phương có thế mạnh về khai thác kinh tế biển, trong đó công tác phát triển ngành hải sản được lãnh đạo địa phương thường xuyên quan tâm, chỉ đạo. Số tàu có mã lực lớn ngày càng tăng, hoạt động khai thác của ngư dân ngày càng đem lại hiệu quả cao và ổn định.
Tổ khai thác hải sản số 4 P. Nại Hiên Đông, trước đây vốn là vạn nghề Đông Thọ, chuyên đánh bắt bằng nghề câu xuất khẩu, dụng cụ đánh bắt thô sơ, phương tiện có công suất không quá 22CV, nên chỉ đánh bắt ven bờ, ngắn ngày không hiệu quả. Cuối năm 2005, sau khi tổ được thành lập, các thành viên trong tổ đã tập trung đầu tư vào nghề lưới vây nổi và nghề lưới chuồn nổi nên năng suất, hiệu quả ngày càng nâng lên.
Hiện nay tổng công suất tàu của tổ là 3.648 CV, tăng 2.600 CV so với trước đây, trong đó có 11 tàu công suất 90CV, trang bị thiết bị đánh bắt ngư trường khơi và phương tiện thông tin liên lạc tầm xa, đội ngũ thuyền trưởng có kinh nghiệm, biết nắm bắt ngư trường theo mùa vụ nên sản lượng khai thác ngày càng cao. Đến nay, tổng sản lượng khai thác của tổ bình quân đạt 3.600 tấn cá nội địa và 800 tấn cá xuất khẩu, giải quyết việc làm cho 170 lao động có thu nhập ổn định.
Còn theo ông Lê Văn Xin, tổ trưởng Tổ khai thác hải sản số 6 P. An Hải Bắc, chủ phương tiện ĐNa 90026, nghề chụp mực thì trước đây tàu của ông đi biển 8 tháng/năm thì nay kéo dài thời gian trên biển 12 tháng/năm để tăng thu nhập cho các thuyền viên, mang lại lợi nhuận cao cho gia đình.
Ông luôn quan tâm đến đời sống lao động trong dịp lễ, tết, nếu gặp lúc làm biển không đạt thì ông cho lao động ứng tiền để lo cuộc sống gia đình, có khó khăn, ma chay thì thăm hỏi, động viên, đó cũng là cách để những lao động gắn bó hơn với nghề, với chủ phương tiện. Tháng 5-2014 xảy ra sự kiện Trung Quốc đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển và thềm lục địa Việt Nam, tàu của ông Xin là một trong những tàu đi chuyến đầu tiên ra biển để đấu tranh yêu cầu phía Trung Quốc chấm dứt việc làm phi pháp.
Theo số liệu của Phòng Kinh tế Q. Sơn Trà, năm 2014 toàn quận có 7 tổ khai thác xa bờ thành lập mới, củng cố hoạt động của 25 tổ; nâng số tổ trên toàn quận là 62 tổ với tổng số 365 phương tiện, trong đó có 29 tổ khai thác xa bờ, 33 tổ vùng lộng và gần bờ. Tuy nhiên, số tàu tham gia tổ khai thác còn thấp (365/1.129 chiếc), tỉ lệ 32%, phần lớn các tàu chưa tham gia tổ khai thác là tàu mới đầu tư, nâng cấp, chủ phương tiện thường xuyên đi khai thác, không cùng nghề.
Địa phương có phương tiện tham gia tổ khai thác đông nhất là P. An Hải Tây với tỉ lệ 90%, ít nhất là Mân Thái 26%. Hoạt động của các tổ khai thác xa bờ đã phát huy được tinh thần đoàn kết, hỗ trợ nhau trong hoạt động sản xuất như: hình thành nguồn quỹ tích lũy cho tổ viên mượn để làm vốn sửa chữa phương tiện, mua máy móc, sắm ngư lưới cụ hoặc thăm hỏi, hỗ trợ, động viên lao động, hỗ trợ nhiên liệu để lai dắt phương tiện trong tổ khi gặp nạn trên biển...
Năm 2014, nguồn khuyến ngư quận đã hỗ trợ 1 mô hình cải tạo hầm bảo quản sản phẩm cho tàu cá ĐNa 90414 TS của ông Phạm Thanh (tổ 76 P. An Hải Bắc); hỗ trợ 6 chủ tàu cá có công suất dưới 20CV khai thác ven bờ chuyển đổi nghề, phối hợp trung tâm khuyến ngư nông lâm hỗ trợ phát triển nghề lưới rê hỗn hợp cho 2 tàu ĐNa 90147 của bà Lê Thị Loại (tổ 94 An Hải Bắc) và ĐNa 90493TS của ông Nguyễn Văn Bảy (tổ 50 Nại Hiên Đông); 1 mô hình hỗ trợ nghề câu cá ngừ đại dương cho tàu ĐNa 90478 TS của ông Huỳnh Quốc Việt (tổ 92, P. An Hải Bắc).
Việc hỗ trợ thực hiện các mô hình đã tạo điều kiện cho ngư dân bám biển dài ngày, khai thác hiệu quả hơn, hỗ trợ ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong khai thác, bảo quản sản phẩm nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm khai thác.
Các ngành chức năng Q. Sơn Trà ký quy chế đảm bảo ANTT tại âu thuyền và cảng cá Thọ Quang. |
* Năm 2014, giá trị sản xuất hải sản của Q. Sơn Trà đạt 763.369 triệu đồng, đạt 100,44% kế hoạch, tăng 2,85% so với cùng kỳ 2013. Toàn quận có 1.129 tàu, thuyền, tổng công suất là 90.482 CV, trong đó có 201 tàu trên 90CV, 47,48% tàu dưới 20CV, 266 thúng máy. Cơ cấu tàu thuyền chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng số lượng tàu thuyền khai thác xa bờ, giảm tàu vùng bờ và vùng lộng. Đội tàu đánh bắt xa bờ liên tục tăng, năm 2014, tàu 90CV trở lên tăng 48 chiếc (từ 153 lên 201 chiếc), tổng công suất tăng 28.557CV, sự chuyển dịch tích cực có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển khai thác thủy sản bền vững theo hướng vươn khơi và kết hợp phát triển kinh tế với bảo vệ chủ quyền biển đảo. |
Năm 2015, Q. Sơn Trà phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch khai thác hải sản đạt giá trị 840.000 triệu đồng, tăng 10% so với năm 2014; nâng cao năng lực khai thác hải sản, hiệu quả sản xuất, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu tàu thuyền, nghề khai thác theo hướng vươn khơi, phát triển tổ khai thác hải sản xa bờ, nghiệp đoàn nghề cá, chi hội nghề cá; phối hợp quản lý tốt dịch vụ hậu cần nghề cá tại Âu thuyền và cảng cá Thọ Quang đáp ứng nhu cầu cung ứng dịch vụ hậu cần của ngư dân trong và ngoài thành phố; kết hợp chặt chẽ nhiệm vụ phát triển kinh tế và bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Các ngành chức năng quận và Đồn Biên phòng Sơn Trà tích cực tuyên truyền vận động ngư dân có ý thức bảo vệ nguồn lợi thủy sản, giảm dần số lượng tàu cá có công suất dưới 20CV, giảm áp lực khai thác nguồn lợi thủy sản ven bờ; tăng cường việc xử lý việc thả chà và neo đậu thuyền thúng của ngư dân dọc bãi biển. UBND quận phối hợp với các cơ quan, đơn vị tuyên truyền về biển đảo và các quy định có liên quan đến hoạt động quản lý, khai thác thủy sản cho bà con ngư dân; động viên ngư dân kiên định bám sát ngư trường, quyết tâm vươn khơi bám biển; kết hợp phát triển kinh tế với bảo vệ và khẳng định chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
K.T