Sống "mòn" với nghề truyền thống

Thứ sáu, 19/06/2015 11:43

(Cadn.com.vn) - Ngoài cồng chiêng và tượng nhà mồ, Đắc Lắc còn được biết đến với những làng nghề dệt thổ cẩm, gốm sứ của đồng bào bản địa. Việc bảo tồn và phát huy những giá trị đó luôn được các ban ngành quan tâm nhưng thực sự để nó "sống khỏe" không phải dễ dàng.

Thổ cẩm là loại hàng vải dệt thủ công giàu họa tiết và các họa tiết này nổi lên trên mặt vải tựa như thêu. Ở nước ta, thổ cẩm để chỉ loại vải tự dệt và theo hoa văn truyền thống của đồng bào các dân tộc anh em. Với mục đích để nghề thủ công truyền thống này phát triển, không ít hợp tác xã (HTX) dệt thổ cẩm tại TP Buôn Ma Thuột đã kết hợp với du lịch. Từ năm 2009 đến năm 2010, HTX dệt thổ cẩm buôn Alê A (P. Ea Tam), Đăm Ye (P. Tân An) và Tơng Bông (xã Ea Kao) đã liên kết với một số đơn vị du lịch trên địa bàn để đưa du khách đến với làng nghề. Nguồn vốn vay ưu đãi từ UBND TP Buôn Ma Thuột giúp nhiều hợp tác xã mở rộng quy mô, huy động thêm nhân lực, khung cửi vào công việc.

Nghề dệt thổ cẩm đang sống "mòn" cùng năm tháng.

Bà H'Chiu Niê (buôn Alê A) nói rằng từ ngày có khách du lịch đến đây tham quan và trực tiếp mua những sản phẩm thổ cẩm truyền thống, nghề dệt vải có nhiều tiến triển tốt. Nhưng du khách chỉ tìm mua những mặt hàng lưu niệm là chủ yếu, sau đó thưa dần. Hàng làm ra tồn kho phải đi bán dạo hoặc ký gửi những điểm bán quà lưu niệm ở trung tâm thành phố. Chị H' Dhem (HTX thổ cẩm Đam Ye) nhớ lại cái thời "hoàng kim" của nghề dệt thổ cẩm rồi than thở về việc ngày càng ít công việc, người trẻ thì không còn háo hức nữa, lớp già thì cất khung cửi, chỉ khi nào lễ hội, tết nhứt mới nghe tiếng.

HTX dệt thổ cẩm Buôn Ma Thuột được thành lập từ năm 2006, gồm 20 xã viên, được đầu tư hệ thống nhà xưởng và một nhà dài truyền thống Ê  Đê để khách thập phương có thể thăm thú. Nhưng cũng chả nhằm nhò gì, vì lâu lắm mới có một tốp khách đến nơi này. Chị Nguyễn Thị Thảo, phụ trách HTX cho biết: "Thành lập HTX thì bước đầu ai cũng vui mừng nhưng ra hoạt động mới biết cái khó của nó. Hàng thổ cẩm làm ra không ai mua, trong khi đó nhân công ngày càng cao. Thị hiếu của khách hàng ngày một thay đổi. Nếu trước đây chúng tôi dệt các khổ vải lớn (90x100cm) thì bây giờ tập trung vào các sản phẩm nhỏ lẻ như nệm lót vật dụng, khăn trải bàn... Hàng bán không được phải rao bán trên mạng và tìm mối mua hàng ở TPHCM".

Khó có thể tìm được lớp trẻ kế nghiệp với lòng yêu nghề truyền thống.

Một khó khăn nữa cũng được chị Thảo nhắc đến, đó là việc người chuyên dệt thổ cẩm là đồng bào người thiểu số nên họ chưa nhận thức sâu xa lắm về chất lượng công việc cũng như thời gian hoàn thành. Đôi khi một mảnh thổ cẩm nhỏ nhưng kéo dài một tuần lễ vì họ còn phải đi làm nương rẫy hay cạo mủ cao su cho kịp thời vụ. Đối tác mua hàng không nhận được đúng thời gian giao hẹn, thế là họ bỏ đi, không quay lại nữa. Hàng làm ra lại phải đi tìm kiếm một mối lái mới. Xây dựng HTX, có khu tập thể cho xã viên nhưng cái khó khăn nhất là người trực tiếp dệt thổ cẩm lại không vào để làm việc. Như HTX dệt thổ cẩm Buôn Ma Thuột có đến 50 nghệ nhân chuyên dệt nhưng phải đến tận nhà để đặt hàng. Một tấm thổ cẩm có kích thước 100x90cm kéo dài đến một tuần, trong khi đó giá thành phẩm khoảng 700 nghìn đồng, nhưng trong đó vật liệu và công cán đã ngốn mất 600 nghìn đồng.

Một điều hết sức quan ngại đối với các làng nghề ở Đắc Lắc là việc truyền nghề cho thế hệ trẻ. Chỉ có  những người già cả còn gắn bó chứ thanh niên thì kiếm việc khác có thu nhập cao và ổn định hơn. Không chỉ nghề dệt thổ cẩm đang đứng ngồi không yên và có nguy cơ chết già vì không được tiếp sức bởi lớp kế cận. Gốm sứ truyền thống cũng nằm trong vòng xoay khắc nghiệt của thị trường. Làng gốm Dơng Băk (xã Yang Tao, H. Lắk) từ khi Bảo tàng Đắc Lắc không còn đơn đặt hàng, ngọn lửa coi như đã tắt rụi. 3 năm trước TS Lương Thanh Sơn, Giám đốc bảo tàng tỉnh xin được một khoản kinh phí từ Quỹ phát triển văn hóa Việt Nam để về Yang Tao mở lớp đào tạo làm nghề gốm sứ cho lớp trẻ thì miền đất này xem như đã sống lại. Được một thời gian, công sức và tâm huyết của ông Sơn phải dừng lại vì hết kinh phí, nghề gốm truyền thống của người M'nông Rlăm sống bao đời bên hồ Lắk dần tàn lụi.

Gắn kết du lịch với làng nghề truyền thống là một hướng đi đúng đắn của các cấp chính quyền. Nhưng không phải lập ra HTX, làng nghề để rồi buông tay để họ tự bơi giữa dòng và không biết bấu víu vào đâu.

Tứ Đức