“Sóng ngầm” từ hoạt động vay mượn tiền để đáo hạn ngân hàng

Thứ năm, 05/09/2024 08:20

Vừa qua, cơ quan chức năng của tỉnh Thừa Thiên - Huế liên tiếp bắt giữ hoặc đưa ra xét xử các đối tượng là các cựu nhân viên ngân hàng có hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn vay đáo hạn ngân hàng. Tuy đây là một phương thức, thủ đoạn lừa đảo cũ nhưng các đối tượng lừa đảo đã “đánh trúng” vào tâm lý hám lợi của nhiều người nên vẫn có nạn nhân sập bẫy.

Nguyễn Thị Lê Na (ảnh trên) và Đinh Trọng Huấn lãnh án tù vì lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn đáo hạn ngân hàng.
Nguyễn Thị Lê Na (ảnh trên) và Đinh Trọng Huấn lãnh án tù vì lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn đáo hạn ngân hàng.

Mới đây, vào trung tuần tháng 8-2024, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế đã bắt giữ đối tượng Lê Trung Đức (1994, trú TP Huế, Thừa Thiên - Huế) để điều tra về hành vi: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” với số tiền gần 1,2 tỷ đồng. Theo điều tra ban đầu của cơ quan Công an, do cần tiền đầu tư ngoại hối trên sàn giao dịch EXNESS kiếm lời, Lê Trung Đức (nguyên là nhân viên tín dụng một ngân hàng có địa chỉ ở đường Nguyễn Trãi, TP Huế) nảy sinh ý định mượn tiền của bạn bè, người thân để mua vàng và tiền điện tử Bitcoin trên sàn EXNESS. Bằng thủ đoạn giả vờ mượn tiền để đáo hạn các khoản vay ngân hàng, Đức đã mượn của bạn bè tổng số tiền gần 1,2 tỷ đồng rồi chiếm đoạt.

Gần đây nhất, ngày 27-8-2024, TAND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã xét xử vụ án: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Lê Na (1981, trú TP Huế) 10 năm tù giam. Ngoài ra, bị cáo còn phải trả lại toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt của các bị hại. Nguyễn Thị Lê Na nguyên là cán bộ tín dụng của một chi nhánh ngân hàng ở TP Huế cũng đã dùng thủ đoạn vay tiền với lãi suất cao để đáo hạn ngân hàng rồi qua đó chiếm đoạt tiền của người bị hại.

Theo hồ sơ vụ án, do thường xuyên giao dịch, quản lý nợ của anh Võ Nguyễn H. Ph. (trú TP Huế) nên Nguyễn Thị Lê Na lợi dụng mối quan hệ này để đưa ra thông tin gian dối là vay tiền nhằm mục đích đáo hạn ngân hàng và cam kết trả lãi đúng thời hạn. Để tạo lòng tin, Na đưa ra mức lãi hấp dẫn trong thời hạn vay 10 ngày, với lãi suất 2.000 đồng/1 triệu đồng/ngày. Đồng thời, Na đã viết “Giấy nhận mượn tiền” để làm tin. Tin tưởng Na nên anh Ph. đã đưa tiền cho Na vay 2 lần, với tổng số tiền 2,9 tỷ đồng (lần đầu 1,1 tỷ đồng và lần sau 1,8 tỷ đồng).

Cũng với chiêu thức vay đáo hạn ngân hàng với lãi suất cao này, Na chiếm đoạt của chị Hồ Thị Hồng P. (trú TP Huế), một khách hàng thường xuyên của Na 2 lần với số tiền 5 tỷ đồng (lần đầu 3,5 tỷ đồng, lần thứ hai 1,5 tỷ đồng); đồng thời, chiếm đoạt của chị Lê Thị Tuyết N. (trú phường An Đông, TP Huế) 2 lần với số tiền 1,5 tỷ đồng. Cơ quan điều tra xác định, từ tháng 10-2022 đến 2-2023, Nguyễn Thị Lê Na đã dùng thủ đoạn gian dối để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của nhiều người với số tiền 9,4 tỷ đồng, lấy tiền trả nợ và sử dụng vào mục đích cá nhân.

Tương tự, Đinh Trọng Huấn (1987, trú TP Huế, nguyên cán bộ ngân hàng) đưa ra các thông tin gian dối đang cần tiền trong thời gian ngắn để đáo hạn cho khách hàng ởngân hàng nơi Huấn làm việc. Để tạo lòng tin, Huấn đưa ra mức lãi suất cao 2.000 đồng/1 triệuđồng/ngày và thường vay trong khoảng thời gian ngắn từ vài ngày đến 30 ngày. Cả tin lời nói của Huấn, nhiều bị hại là đồng nghiệp hoặc khách hàng đã cho Huấn vay, mượn tiền và bị Huấn chiếm đoạt. Cụ thể, từ cuối tháng 6-2021 đến 10-2022, Đinh Trọng Huấn đã chiếm đoạt tiền của 6 bị hại tổng cộng số tiền là 21,9 tỷ đồng. Ngày 28-8-2024, TAND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã xét xử sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo Đinh Trọng Huấn 15 năm tù giam về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Qua một số vụ lừa đảo với phương thức thủ đoạn nêu trên cho thấy “sóng ngầm” từ hoạt động vay mượn tiền để đáo hạn ngân hàng đang tiềm ẩn nhiều rủi ro. Cạm bẫy cho vay tiền đáo hạn ngân hàng với lãi suất cao, dù được cảnh báo nhưng nhiều người vẫn “sập bẫy”, đến khi nhận ra thì mọi việc đã quá muộn. Không chỉ mất tiền bạc, mà còn phải mất nhiều thời gian và công sức đi lại kiện tụng để đòi lại tài sản. Trước những lời đề nghị hấp dẫn, mỗi người dân phải chủ động nâng cao ý thức cảnh giác, tỉnh táo để tránh sập bẫy.

Theo cơ quan chức năng, loại tội phạm này không nhiều so với các loại tội phạm khác, song hệ lụy gây ra lại nặng nề, bởi số tiền trong từng vụ án thường rất lớn, thời gian vụ việc kéo dài. Hành vi phổ biến của loại tội phạm này là đánh trúng vào tâm lý hám lợi, tin tưởng của nhiều người từ việc được trả lãi suất cao, hoặc thông qua hợp đồng kinh doanh hoặc dựa trên mối quan hệ quen biết để chiếm đoạt tài sản. Nhằm giúp cho người dân tránh rơi vào bẫy “cho vay tiền để đáo hạn ngân hàng”, các cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền để mọi người thấy mức độ nguy hiểm của việc đứng ra cho vay đáo hạn ngân hàng. Đồng thời, có biện pháp xử lý thật nghiêm đối với những đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo để chiếm đoạt tài sản...

T.T.H