Sông nước Trà Linh...
(Cadn.com.vn) - Một ngày mới trên dòng sông Mẹ Thu Bồn qua bến Trà Linh, xã Hiệp Hòa, H. Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam. Phong cảnh núi non, sông nước hùng vĩ, nên thơ. Những chuyến đò ngang nối nhịp hai bờ, và cũng từ bến Trà Linh này, vài chuyến đò xuôi ngược ghé lại trước khi rời đi, làm cho bến sông vốn lặng lẽ ở miền thượng nguồn Thu Bồn xôn xao ít nhiều... Lưu vực rộng lớn nhưng tên sông Thu Bồn được "định danh" từ khu vực thác Lim tại xã Hiệp Hòa - Hiệp Đức, chảy qua các huyện Nông Sơn, Quế Sơn, Đại Lộc, Duy Xuyên, Điện Bàn và cuối cùng là ra Cửa Đại - Hội An. Ngọn nguồn Thu Bồn tại Thác Lim là nơi hợp lưu giữa sông Trường và sông Tranh. Bến đò Trà Linh là một trong những điểm cuối hành trình đò dọc từ miền xuôi lên miền ngược, nơi dòng sông Thu Bồn quặn mình qua Hòn Kẽm-Đá Dừng trước khi xuôi ra biển. Lâm thổ sản miền thượng theo đò dọc từ bến Trà Linh về miền xuôi, còn những sản vật, mắm muối, dụng cụ sản xuất từ biển và các vùng đồng bằng lại theo ghe thuyền ngược nguồn để trao đổi, bán mua. Ca dao xứ Quảng có câu: "Ai về nhắn với nậu nguồn/ Mít non gửi xuống, cá chuồn gửi lên".
Tượng đài chiến thắng "Trực thăng vận" bên sông Thu. |
Cảnh sắc Trà Linh núi non hùng vĩ và thơ mộng nhưng cũng hiểm yếu như nơi thâm sơn cùng cốc. Chính địa thế núi non, sông nước hiểm trở mà bến đò Trà Linh nói riêng, sông nước Hiệp Hòa nói chung đã gắn chặt với những bước thăng trầm của lịch sử. Cùng với những chuyến đò xuôi ngược Thu Bồn, bến Trà Linh là nơi đặt chân của những khách thương hồ. Tương truyền, vào đầu thế kỷ trước, ông tú Hoàng Trung quê ở tận Phú Yên, vì tội "quốc sự" mà phải bôn tẩu về Quảng Nam. Ông đã nhiều lần qua lại bến Trà Linh. Cũng từ dòng sông Thu Bồn nuôi nấng, chở che mà ông đã để lại những vần thơ đẹp trên cuộc hành trình của mình: "Lúc lắc đò qua Tý, Sé, Kẽm/ Gập ghềnh chân bước Râm, Ri, Liêu...". Người làm thơ có tâm hồn phóng khoáng nhưng cũng đầy chất tráng sĩ hề trước thời cuộc.
"Ngó lên Hòn Kẽm - Đá Dừng/ Thương cha, nhớ mẹ quá chừng bậu ơi". Một nhà thơ đã ví von rất hình ảnh rằng Hòn Kẽm - Đá Dừng như nút dây buộc trên mái tóc của thiếu nữ xuân thì. Bên trên nút dây buộc tóc, dòng sông là bầu nước mênh mang dày mượt, đến khi vượt qua "nút thắt" Hòn Kẽm - Đá Dừng dòng sông lại xõa dài mềm mại đưa con nước Thu Bồn về cuối hạ lưu. Trà Linh trời trong mây trắng. Trà Linh bạt ngàn đồi núi. Trà Linh lũ réo ầm ào vào mùa mưa, xanh trong hiền hòa vào mùa khô. Đến Trà Linh, sẽ được nghe những câu chuyện liên quan đến cảnh sắc thiên nhiên, những chiến tích oai hùng thời đánh giặc giữ nước của bao thế hệ nơi dòng sông Mẹ Thu Bồn quặn mình qua Hòn Kẽm - Đá Dừng trước khi xuôi về biển lớn. Sông nước Trà Linh bao đời là vậy, có bi có hùng, gắn liền với non sông đất nước, vận mệnh lịch sử cùng những chuyện đời chuyện người bất tận... Câu chuyện ông tú Hoàng Trung bôn tẩu về ẩn náu ở Trà Linh ít người biết, nhưng câu chuyện về Ba Hang (hang Hòn Kẽm) bên hữu ngạn Thu Bồn dưới bến Trà Linh được báo chí thông tin, nhiều người biết. Tại Ba Hang, mẹ Lê Thị Nghê đã rứt ruột hy sinh đứa con nhỏ 3 tháng tuổi của mình để cứu hàng trăm người dân và cán bộ núp ở trong hang trong trận càn ác liệt của giặc vào ngày 6-3-1969.
Sông nước Trà Linh, xã Hiệp Hòa, H. Hiệp Đức. |
Một trong những câu chuyện làm nức lòng Khu 5 nói chung, quân và dân xã Quế Tân (nay là xã Hiệp Hòa - Hiệp Đức) trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước nói riêng, là trận đầu đập tan chiến thuật "Trực thăng vận" của địch bên bến nước Thu Bồn tại thôn Trà Linh và Đồng Làng vào ngày 22-10-1962. Trận đánh "Trực thăng vận" tại Trà Linh và Đồng Làng diễn ra trong bối cảnh đế quốc Mỹ ráo riết triển khai kế hoạch Staley-Taylor, với tham vọng bình định miền Nam trong vòng 18 tháng, trong chiến lược "Chiến tranh đặc biệt". Những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ XX, phong trào "Đồng khởi" của quân và dân miền Nam đã giành thắng lợi dồn dập, đẩy chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm đến khủng hoảng nghiêm trọng. Thời điểm ấy, các thôn Trà Linh, Đồng Làng và Bình Kiều là vùng giải phóng của xã Quế Tân, H. Quế Sơn. Dựa vào địa thế hiểm yếu của núi non, sông nước Hòn Kẽm - Trà Linh, quân và dân ta liên tục bẻ gãy nhiều trận càn quét ác liệt của địch vào vùng giải phóng. Tiêu biểu là trận đánh đập tan 2 đại đội biệt kích Nùng (bọn lính khét tiếng gian ác tại Trại biệt kích Nông Sơn) tại Đồng Làng vào ngày 20-6-1962. Du kích xã Quế Lâm phối hợp với bộ đội huyện phục kích tấn công bất ngờ vào đội hình đi càn quét của địch, làm bọn chúng hoảng loạn giẫm đạp lên nhau chạy để thoát thân. Trong trận này, ta tiêu diệt một đại đội địch, thu 2 súng trung liên, 4 súng trường, 1 súng ngắn, máy bộ đàm và nhiều quân trang, quân dụng.
Uất ức vì bị thua đau, ngày 22-10-1962, địch dùng chiến thuật "Trực thăng vận" đưa 16 máy bay chia làm 3 tốp quần lộn bắn phá vùng Nhơn Trạch - Trà Linh, rồi đổ quân càn quét lấn chiếm. Lúc bấy giờ, cơ quan Huyện ủy Quế Sơn và Trung đội vũ trang huyện đang đóng tại nhà mẹ Truyện. Giặc thả bom và bắn rocket làm nhiều nhà cháy, khói lửa nghi ngút cả một vùng. Hai tốp trực thăng bay trước của địch đổ quân xuống khu vực Trà Linh và Đồng Làng. Đến tốp thứ 3 vừa hạ cánh tại đồng Cây Da thuộc thôn Trà Linh thì bị hỏa lực của ta khống chế, bắn hạ. Trận đánh này, bộ đội huyện và du kích địa phương đã bắn rơi tại chỗ 3 máy bay trực thăng, làm bị thương 2 chiếc và tiêu diệt 47 tên lính ngụy... Trận đầu chiến thắng chiến thuật "Trực thăng vận" ở Trà Linh - Đồng Làng vang dội đã được UBND tỉnh Quảng Nam xếp hạng di tích cấp tỉnh ngày 15-2-2005. Đây là niềm vinh dự rất lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Hiệp Hòa, H. Hiệp Đức anh hùng. Năm 2012, Tượng đài chiến thắng "Trực thăng vận" được dựng lên bên bến Trà Linh soi bóng nước trên dòng sông Mẹ Thu Bồn. Tượng đài lấy cảm hứng từ trận đánh vào ngày 22-10-1962, với hình ảnh chiếc trực thăng Mỹ bị bắn hạ cắm đầu xuống đất. Tượng đài chiến thắng "Trực thăng vận" được xây dựng là mong ước lâu nay của chính quyền và người dân Hiệp Hòa. Đây không chỉ ghi dấu chiến tích lịch sử của quân và dân ta trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, mà còn là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cho các thế hệ trên quê hương.
Nước kề chân núi, núi liền trời mây, cảnh sắc và tình người Trà Linh - Hiệp Hòa, H. Hiệp Đức khiến bao người đi thì nhớ ở thì thương. Dù còn nhiều khó khăn, nhưng Đảng bộ, chính quyền và người dân xã Hiệp Hòa chung sức đồng lòng, phát huy truyền thống lịch sử văn hóa và cách mạng, quyết tâm xây dựng quê hương phát triển đi lên. Một mùa xuân mới đang về trên sông nước, núi rừng, trời xanh mây trắng Trà Linh...
Tùy bút: Thạch Hà