Sống thấp thỏm chờ khu công nghiệp
Đã nhiều năm nay, các thôn Trung Nghĩa, Hòa Trung, thôn 1 xã Hòa Ninh, H. Hòa Vang (TP Đà Nẵng) nằm trong quy hoạch dự án Khu Công nghiệp (KCN) Hòa Ninh. Việc dự án kéo dài qua nhiều năm chưa triển khai ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân, khiến họ không thể yên tâm phát triển sản xuất, đầu tư nâng cấp cơ sở hệ thống hạ tầng điện, đường, trường, trạm...
Nhiều dự án phát triển sản xuất, du lịch sinh thái nhà vườn được mở ra, nhưng vì nằm trong vùng quy hoạch dự án KCN Hòa Ninh nên người dân không yên tâm, chí thú đầu tư phát triển sản xuất. |
Ông Lê Đức Thương - Chủ tịch UBND xã Hòa Ninh cho biết, thực ra dự án KCN Hòa Ninh đã được TP Đà Nẵng đưa vào quy hoạch từ rất lâu hơn 10 năm qua, nhưng mãi đến năm 2016, UBND TP mới có Quyết định số 6289 về việc phê duyệt điều chỉnh sơ đồ ranh giới sử dụng đất dự án KCN Hòa Ninh trên diện tích hơn 550ha... Đến ngày 13-6-2017, UBND TP lại có Quyết định số 3174 phê duyệt điều chỉnh lại sơ đồ ranh giới sử dụng đất KCN Hòa Ninh, rút xuống còn hơn 400 ha. Quyết định là vậy, nhưng đến nay đã qua gần 4 năm, dự án vẫn chưa triển khai, dự án nằm trên địa bàn của 3 thôn, thôn Trung Nghĩa có 176 hộ dân, thôn Hòa Trung có 205 hộ dân, thôn 1 có 124 hộ dân...
Từ nhiều năm nay, người dân nằm trong quy hoạch KCN trên không thể làm thủ tục tách thửa, chuyển mục đích sử dụng đất, không được xây dựng mới nhà cửa... Đây là những khó khăn đầu tiên của người dân trong vùng quy hoạch dự án. Nhiều hộ dân con cái lớn lên, dựng vợ gả chồng nhưng cha mẹ không thể tách đất đai cho con cái xây dựng nhà cửa ra ở riêng, sống chen chúc trong ngôi nhà cũ cũng không thể nâng cấp, mở rộng... Ông Thương cho biết, trong những năm qua, Hòa Ninh đã triển khai chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và là xã đạt chuẩn Nông thôn mới. Nhưng tại các thôn nằm trong quy hoạch dự án nói trên, cơ sở hạ tầng cũng chỉ được phép sửa chữa, chứ không thể nâng cấp, làm mới như hệ thống đường giao thông liên xã, liên thôn, các điểm trường mẫu giáo, nhà sinh hoạt cộng đồng...
Chính vì không thể đầu tư xây dựng mới nên các công trình này không đồng bộ, năm nào cũng phải sửa chữa, vì đều là công trình đã quá lâu năm nên có sửa năm nay, thì năm sau đã xuống cấp rồi... Như ở thôn Trung Nghĩa, năm nào cứ đến mùa nắng là người dân thiếu nước sinh hoạt, mặc dù công ty cấp nước đã đầu tư hệ thống đường ống dẫn nước về thôn, đến từng nhà người dân. Nhưng hệ thống cấp nước sinh hoạt này theo người dân phản ánh là còn rất tạm bợ, không đảm bảo quy trình kỹ thuật, nên không thể cung cấp nước đủ nhu cầu sinh hoạt của người dân. Nguyên nhân cũng là do thôn Trung Nghĩa đang nằm trong quy hoạch dự án, nên không thể đầu tư đồng bộ hệ thống cấp nước theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật.
Đặc biệt, vấn đề mà người dân quan tâm nhất trong những năm qua là các mô hình phát triển kinh tế, do nằm trong quy hoạch dự án, nên người dân không yên tâm đầu tư, sản xuất. Cũng trong chương trình xây dựng nông thôn mới, Hòa Ninh đã đăng ký nhãn hiệu sản phẩm bưởi da xanh là mặt hàng thương hiệu theo Chương trình mỗi địa phương một sản phẩm của Thủ tướng Chính phủ phát động (OCOP). Toàn xã Hòa Ninh đã phát triển được hơn 80 ha bưởi da xanh, riêng tại 3 thôn Trung Nghĩa, Hòa Trung, thôn 1 chiếm trên 40ha.
Sản phẩm bưởi da xanh ở Hòa Ninh được người dân ví như “cây đẻ ra vàng”, mang lại hiệu quả kinh tế rất cao, cải thiện đời sống người dân. Tuy nhiên, nằm trong vùng quy hoạch dự án, người dân không yên tâm sản xuất, vì không biết đến lúc nào, thành quả lao động của mình lại sẽ bị “giải tỏa”... Cùng với bưởi da xanh, nhiều mô hình phát triển kinh tế cũng được người dân phát triển mạnh như chăn nuôi heo rừng, gà thả đồi, du lịch vườn sinh thái... Nhưng dự án quy hoạch kéo dài qua nhiều năm không triển khai khiến nhiều người dân rơi vào tâm trạng bất an, không chí thú, tập trung vào công việc phát triển sản xuất...
Ông Lê Đức Thương cho biết, đầu năm 2021, UBND H. Hòa Vang mới có quyết định về việc phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu tái định cư phục vụ giải tỏa KCN Hòa Ninh, như vậy chắc chắn là KCN Hòa Ninh sẽ triển khai. Tuy nhiên, đây là mới chỉ là công tác chuẩn bị đầu tiên, còn biết bao công tác khác như kiểm định, áp giá, giải tỏa, đền bù, di dời, tái định cư... theo quy trình của một dự án. Người dân tại các thôn nằm trong quy hoạch dự án KCN Hòa Ninh mong muốn rằng, chính quyền và ngành chức năng cần khẩn trương có kế hoạch, phương án cho người dân biết thời gian nào dự án sẽ triển khai, để người dân yên tâm trong cuộc sống sinh hoạt và có kế hoạch ổn định sản xuất.
Hồng Thanh