Sống trong sợ hãi

Thứ năm, 20/06/2013 13:59

(Cadn.com.vn) - Dư luận Bangladesh vẫn chưa hết bàng hoàng sau vụ sập tòa nhà Cty may Rana Plaza khiến 1.129 người chết hôm tháng 4. Vụ việc gióng lên hồi chuông cảnh báo ở một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới này khi hầu hết các nhà máy may mặc ở Bangladesh được xây dựng mà không có kỹ sư tư vấn.

Sau vụ việc, chính phủ và các nhà sản xuất hàng may mặc yêu cầu Đại học Kỹ thuật và Công nghệ Bangladesh đánh giá các tòa nhà. 15 đội điều tra, mỗi đội gồm 2 kỹ sư - một chuyên gia về cấu trúc và một chuyên gia về cơ sở - được thành lập, tiến hành kiểm tra. Kết quả kiểm tra mới được công bố cho thấy, trong số 200 nhà máy nguy hiểm được khảo sát, 10% trong số đó là quá nguy hiểm và bị buộc phải đóng cửa ngay lập tức. Một số khác bị niêm phong và tiến hành loại bỏ các thiết bị nặng hiện có trong tòa nhà. Trong khi đó, các thí nghiệm sử dụng các thiết bị tinh vi sẽ hoàn thành trong những tháng tới.

Kiểm tra toàn diện các tòa nhà

Sau vụ việc này, chính phủ Bangladesh tăng cường thanh tra ngành công nghiệp may mặc, động thái cho thấy tình trạng an toàn lao động đến mức báo động.

Rana Plaza là “hồi chuông cảnh báo tất cả mọi người”, Shahidullah Azim, Phó Chủ tịch Hiệp hội may mặc và xuất khẩu Bangladesh cho biết. Nhiều nhà máy ở nước này đang nằm trong các tòa nhà thương mại hoặc khu dân cư không được thiết kế có khả năng chịu được hoạt động công nghiệp nặng. Thậm chí, tại một số tòa nhà, chủ sở hữu còn xây dựng thêm một số tầng trên đỉnh bất chấp các trụ chống đã quá yếu. Nhưng Rana Plaza không phải là nhà máy đầu tiên bị sập tại nước này. Năm 2005, nhà máy sản xuất áo len Spectrum đổ sập khi người lao động đang làm việc, khiến 64 người thiệt mạng. Kết quả điều tra cho thấy, tòa nhà được xây dựng bất hợp pháp.

Trong vụ Rana Plaza, rung động máy móc là một trong những nguyên nhân gây sập đổ. Nhiều tòa nhà chỉ được phê duyệt xây 6 tầng nhưng cơi nới thêm đến 10 tầng. Trụ chống đỡ được thiết kế có 5 thanh thép nhưng bên trong chỉ có 2. Các cột khác quá nhỏ không thể chịu được sức nặng. Các kỹ sư cũng yêu cầu phá hủy các tầng trên được xây bất hợp pháp của một tòa nhà 7 tầng và đóng cửa một số tòa nhà khác bị nứt. Trong khi đó, theo Bộ trưởng dệt may Bangladesh, một hoạt động thanh tra do chính phủ tiến hành cho thấy, có đến 300 nhà máy là không an toàn.

Những thảm họa gần đây là sản phẩm của sự bùng nổ hàng may mặc sản xuất từ một ngành công nghiệp nhỏ thành một người khổng lồ sử dụng đến 4 triệu lao động.

 

 Công nhân may mặc Bangladesh đi làm vào buổi sáng ở Dhaka. Ảnh: AP

Xử lý mạnh tay

Kết quả kiểm tra lần đầu tiên cung cấp cái nhìn sâu sắc về điều kiện làm việc không an toàn của các công nhân may mặc Bangladesh, những người sản xuất quần áo cho hầu hết các thương hiệu phương Tây. Và đây cũng là tin xấu cho ngành công nghiệp có kim ngạch 20 tỷ USD đang đấu tranh để lấy lại niềm tin từ các nhà bán lẻ và người tiêu dùng phương Tây.

Các quan chức ngành công nghiệp và chính phủ cho biết họ nghiêm túc xem xét các kết quả kiểm tra và xử lý mạnh tay các tòa nhà không đủ an toàn. Hiệp hội Dệt may cũng đưa ra các quy định buộc các nhà máy phải nộp bảng cấu trúc và báo cáo kiểm tra đất. “Tôi nghĩ 200 -300 nhà máy sẽ bị đóng cửa, nhưng đó là điều cần thiết”, ông Azim nói. Không xa hiện trường ngổn ngang sau vụ sập Rana Plaza, 2 tầng trên cùng của một nhà máy đang bị tháo dỡ theo yêu cầu của chính phủ. Sau thảm họa, Bangladesh chịu áp lực từ các thương hiệu phương Tây yêu cầu cải thiện điều kiện lao động an toàn. Tuy nhiên, ông Azim cũng kêu gọi các Cty phải chi nhiều tiền cho việc nâng cấp cơ sở hạ tầng. Nhà bán lẻ Thụy Điển H&M, PVH- Cty mẹ của Calvin Klein và Inditex - sở hữu thương hiệu Zara- là một trong những Cty ký thỏa thuận hỗ trợ tài chính giúp cải thiện điều kiện lao động tại các nhà máy Bangladesh.

Mubasshar Hussain, Chủ tịch Viện Kiến trúc Bangladesh, cho biết 50% các nhà máy có vấn đề, nhưng tất cả đều có thể được giải quyết trong vòng một năm tới.

An Bình

 (Theo AP)