Sốt xuất huyết diễn biến phức tạp ở Tây Nguyên

Thứ sáu, 05/08/2016 09:09

(Cadn.com.vn) - Theo cập nhật từ Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, đến nay, tại 4 tỉnh Tây Nguyên là Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc và Đắc Nông đã ghi nhận gần 10.000 bệnh nhân sốt xuất huyết (SXH). Đến ngày 3-8 đã có 4 trường hợp tử vong vì dịch bệnh này. Trong đó, Gia Lai là tỉnh có số người mắc cao nhất với gần 4.000 ca.

Chi 2 tỷ đồng phòng, chống sốt xuất huyết tại Tây Nguyên

Ngày 4-8, Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên sử dụng 2 tỷ đồng trong dự toán chi ngân sách để phòng, chống dịch SXH tại 4 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc, Đắc Nông (mỗi tỉnh khoảng 500 triệu đồng).

Bộ Y tế cũng đề nghị Cục Y tế dự phòng chỉ đạo Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên căn cứ tình hình dịch bệnh cụ thể ở từng địa phương và yêu cầu về chuyên môn kỹ thuật để triển khai công tác phòng, chống dịch SXH tại 4 tỉnh nêu trên. Bộ Y tế cũng yêu cầu Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên và 4 Sở Y tế nêu trên khẩn trương triển khai thực hiện, báo cáo kết quả về Bộ để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

P.V

* Gia Lai là địa phương có số bệnh nhân SXH cao nhất của khu vực Tây Nguyên khi trung bình mỗi ngày có hơn 100 ca mắc bệnh và 17/17 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh này có dịch. Tại Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai, bệnh nhân SXH nằm la liệt từ các phòng cho đến hành lang của khoa. Không chỉ thế, những khoa lân cận như: Đông y, Phục hồi chức năng đều được bệnh viện trưng dụng sử dụng giường để điều trị cho bệnh nhân SXH.

 Trước tình hình dịch SXH bùng phát mạnh và diễn biến phức tạp trên, chiều 4-8, UBND tỉnh Gia Lai đã họp khẩn với tất cả các địa phương và sở, ngành liên quan nhằm tăng cường công tác chỉ đạo phòng chống dịch. Theo thống kê của Sở Y tế tỉnh Gia Lai, tính đến hết ngày 3-8, toàn tỉnh đã có hơn 4.000 ca mắc SXH, chiếm 14% số ca bệnh trong cả nước, trong đó đã có 1 ca tử vong. Bệnh diễn ra trên diện rộng tại 154/222 xã, phường, thị trấn của tất cả 17 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Trong đó, thành phố Pleiku là địa bàn có số người mắc bệnh cao nhất tỉnh với hơn 1.150 ca. Tại cuộc họp khẩn ngày 4-8, tỉnh Gia Lai đã tiến hành rà soát lại công tác phòng, chống SXH trên địa bàn, sự vào cuộc của các cơ quan chức năng trong thời gian qua.

Ngoài yếu tố tác động của thời tiết thì vấn đề được quan tâm là dù người dân nhận thức được về bệnh SXH nhưng vẫn chủ quan, thờ ơ trong công tác phòng chống bệnh, vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, bọ gậy khiến bệnh lây lan nhanh. Đặc biệt là ở các nơi đông dân cư, thậm chí khi cán bộ y tế đến hộ gia đình truyền thông thì một số hộ gia đình còn không hợp tác và có những hành vi thiếu tế nhị. Bên cạnh đó, việc thiếu kinh phí để chủ động phòng chống bệnh ngay từ đầu cũng dẫn đến ca bệnh tăng cao.

Sở Y tế tỉnh Gia Lai nhận định, từ nay đến cuối năm, đặc biệt là tháng 8 đến 10, SXH trên địa bàn sẽ còn diễn biến phức tạp. Nguyên nhân là do đang bước vào cao điểm mùa mưa và năm nay trên địa bàn xuất hiện thêm tuýp virus gây bệnh mới là Dengue II với triệu chứng bệnh nặng và nguy cơ tử vong cao. Các năm trước, trên địa bàn chỉ có tuýp virus gây bệnh Dengue I với triệu chứng lâm sàng và diễn biến nhẹ.

Tại cuộc họp, UBND tỉnh Gia Lai công bố đã xuất 1,3 tỷ đồng ngân sách địa phương để phục vụ công tác phòng chống bệnh SXH. Tuy nhiên, nguồn kinh phí này chỉ đáp ứng được công tác phòng chống bệnh trong thời gian ngắn. Điều đó càng gây khó khăn thêm cho công tác phòng, chống dịch bệnh này.

Bệnh nhân SXH nằm la liệt ngoài hành lang Bệnh viện Đa khoa Gia Lai. Ảnh: M.Tân 

* Bệnh nhân SXH tăng liên tục trong những ngày qua đã khiến Bệnh viện tỉnh Đắc Lắc lao đao vì tình trạng quá tải. Có tới 3 bệnh nhân phải nằm chung một giường bệnh. Thậm chí, nhiều bệnh nhân phải tự sắm giường xếp nằm ngoài hành lang bệnh viện để điều trị SXH.

Theo báo cáo ngày 2-8 của Trung tâm y tế Dự phòng tỉnh Đắc Lắc, toàn tỉnh có tới 2.857 ca nhiễm SXH. Trong đó, có 1 ca tử vong do sốc SXH. Thống kê của Bệnh viện tỉnh Đắc Lắc cho biết, tính từ đầu năm đến ngày 31-7, có tới 1.825 ca mắc SXH nhập viện tại bệnh viện. Trong đó, tại khoa Truyền nhiễm là 1.302 ca, khoa Nhi Tổng hợp là 523 ca. Con số này tiếp tục tăng vào hai ngày 1 và 2-8.

Ghi nhận của chúng tôi cho thấy, do số lượng bệnh nhân ngày càng tăng cao nên tại khoa Nhi Tổng hợp có tới 3 bệnh nhân nằm chung một giường. Hành lang, lối đi tại khoa cũng đều chật cứng bệnh nhân nằm điều trị. Bác sĩ Trần Thị Thúy Minh, Trưởng khoa Nhi Tổng hợp cho biết: “Riêng ngày 31-7, khoa đã tiếp nhận 50 bệnh nhân SXH nhập viện điều trị. Tất cả các bệnh nhân đều nhập viện trong tình trạng sốt cao liên tục, đau đầu, đau bụng, mệt lả. Để tránh xảy ra biến chứng, người dân sau khi phát hiện sốt liên tục thì phải đến trung tâm y tế gần nhất để được thăm khám, phân loại và điều trị kịp thời”.

Bác sĩ Nguyễn Hải, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện tỉnh Đắc Lắc thông tin: “Từ đầu tháng 7 đến nay, khoa Truyền nhiễm liên tục trong tình trạng quá tải bệnh nhân SXH. Số giường biên chế tại khoa chỉ có 35 giường, trong khi mỗi ngày số lượng bệnh nhân nhập viện điều trị từ 100 trở lên. Do không có giường nên bệnh nhân phải tự mua giường xếp rồi đặt ở hành lang, trong phòng bệnh để nằm điều trị. Nhiều trường hợp 2 bệnh nhân nằm một giường”.

Chưa dừng lại ở đó, vào ngày 1-8, tại khoa Truyền nhiễm có 145 ca SXH nằm điều trị. “Đây là con số cao nhất trong vài ngày trở lại đây. Cho đến sáng 3-8, con số này giảm xuống còn 123 ca”, bác sĩ Hải cho hay.

Theo thông tin từ bác sĩ Hải, để giải quyết tình trạng quá tải bệnh nhân SXH nói trên, Bệnh viện tỉnh Đắc Lắc đã huy động những phòng để đồ đạc, dụng cụ chuyển sang làm phòng bệnh. Đồng thời, di chuyển vật dụng ra ngoài để có thêm phòng cho bệnh nhân điều trị. Cùng với đó, bệnh viện điều động các bác sĩ, điều dưỡng từ các khoa khác về khoa Truyền nhiễm để đáp ứng kịp thời việc thăm khám, điều trị cho bệnh nhân.

Phòng bệnh tại Khoa Truyền nhiễm bệnh viện tỉnh Đắc Lắc quá tải. Ảnh: Nguyên Trịnh

* Thông tin từ Sở Y tế Kon Tum, số ca nhiễm SXH tại tỉnh này xấp xỉ 1.500 ca, bình quân mỗi ngày 40 ca nhập viện. Đã có 2 bệnh nhân tử vong vì SXH. Hiện tại, các ổ dịch vẫn đang hoành hành tại các huyện Đăk Hà, Đăk Tô, Đăk Glei, TP Kon Tum...

Bà Nguyễn Thị Vân - phó giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Kon Tum cho biết: “Sau khi có bệnh nhân tử vong do SXH, lãnh đạo trung tâm y tế đã tới thăm hỏi và thông báo cho UBND tỉnh thành lập đoàn kiểm tra các địa bàn thuộc huyện Đăk Tô, Đăk Hà, TP Kon Tum và Sa Thầy. Đồng thời, đơn vị cũng đã mời Viện vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên chỉ đạo chuyên môn phòng SXH Dengue về làm việc và hỗ trợ. Hiện nay, đơn vị đang tuyên truyền, phổ biến các tác hại của dịch sốt xuất huyết cho người dân để phòng ngừa.

M.Tân – N.Trịnh – A Nguyệt