Sri Lanka – “Kho giác mạc” của thế giới
(Cadn.com.vn) - Để khôi phục thị giác cho mắt bị tổn thương, các bác sĩ phải cấy ghép giác mạc - một mảnh mô mỏng và trong suốt nằm phía trước con ngươi mắt - lấy từ tử thi người hiến tặng. Trong khi thế giới đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt giác mạc, Sri Lanka là quốc gia duy nhất người dân đổ xô đi hiến tặng giác mạc mà không đòi hỏi bất kỳ quyền lợi nào sau đó. Khoảng 1/5 dân số nước này đã tình nguyện hiến giác mạc.
Paramon Malingam, chủ một cửa hàng nhỏ ở miền trung Sri Lanka, là một trong số những bệnh nhân may mắn vừa được hiến tặng giác mạc. Mắt phải của anh đang dán băng ca, trong khi con mắt còn lại rơi lệ vì vui mừng. “Tôi cứ nghĩ mình sẽ phải sống phần đời còn lại với chỉ một con mắt”, Paramon nói.
Giác mạc hiến tặng lấy từ tử thi của một người chỉ mới chết được vài tiếng đồng hồ và phải được cấy ghép cho bệnh nhân trong khoảng thời gian 4 tuần, tùy thuộc vào phương pháp bảo quản.
Một bệnh nhân được hiến tặng giác mạc từ Sri Lanka. Ảnh: BBC |
Đổ xô đi hiến giác mạc
Malingam phải đợi 4 ngày để được cấy ghép giác mạc, và hiện đang dần hồi phục tại một bệnh viện mắt ở thủ đô Colombo, Sri Lanka. Chỉ cách đó có vài phòng, nữ sinh viên Viswani Pasadi đang ký cam kết hiến tặng đôi mắt mình cho Ngân hàng Mắt quốc gia sau khi chết.
Cũng giống như phần lớn người Sinhala - nhóm dân tộc chiếm tới 75% dân số Sri Lanka - Pasadi theo đạo Phật. Cô tin vào vòng luân hồi, và cho rằng việc hiến tặng của mình là một hành động để tích đức. “Nếu tôi hiến tặng mắt mình ở kiếp này thì tôi sẽ có đôi mắt tốt hơn ở kiếp sau”, Pasadi cho hay. Preethi Kahawatte, một nhân viên làm sổ sách kế toán, cũng chia sẻ đồng quan điểm khi cho hay “Những việc tốt đẹp ta làm trong kiếp này sẽ đến với ta ở kiếp sau”. Theo Tổ chức Hiến Mắt, một tổ chức phi lợi nhuận được bác sĩ trẻ Hudson Silva thành lập năm 1961, cứ 5 người Sri Lanka lại có 1 người cam kết hiến tặng giác mạc. Con số đáng ngưỡng mộ này chưa bao gồm những người ký cam kết với Ngân hàng Mắt quốc gia, tổ chức bắt đầu hoạt động cách đây 5 năm, như Pasadi.
Và việc nhiều người dân Sri Lanka đổ xô đi hiến tặng giác mạc cho người khác, đồng nghĩa, quốc gia này đã thừa số lượng giác mạc mà họ cần, và có thể chuyển số giác mạc hiến tặng đến các quốc gia khác đang cần. Tính đến năm 2014, Hội Hiến Mắt chuyển 2.551 giác mạc hiến tặng ra nước ngoài, trong đó 1.000 tới Trung Quốc, 850 đến Pakistan, 250 đến Thái Lan và 50 đến Nhật Bản.
Công đầu của bác sĩ Silva
Được biết, giác mạc là một trong những phần dễ cấy ghép nhất trên cơ thể người khi không đòi hỏi sự phù hợp giữa người hiến tặng và người nhận vì mô giác mạc không có máu, và lấy oxy trực tiếp từ không khí. Cũng có thể lấy giác mạc từ một người già không quá 80 tuổi để ghép cho người trẻ tuổi. |
Việc Sri Lanka nổi lên như một quốc gia cung cấp giác mạc hiến tặng lớn nhất thế giới chủ yếu là nhờ nỗ lực rất lớn của bác sĩ Silva. Năm 1958, khi còn là sinh viên, trong bài báo đồng tác giả với mẹ và vợ ông, Silva đã kêu gọi người dân Sri Lanka hiến tặng giác mạc để cứu những người bị bệnh về mắt. Những mảnh giác mạc hiến tặng đầu tiên được ông lưu giữ ngay trong chính tủ lạnh nhà mình. Đến năm 1960, khi mẹ ông qua đời, Silva tiếp tục chiếm được cảm tình của người dân Sri Lanka khi hiến tặng giác mạc của bà cho một người nông dân nghèo.
Ngoài ra, các tu sĩ Phật giáo cũng đóng vai trò quan trọng trong việc khuyến khích người dân đi hiến tặng giác mạc, và tuyên truyền hành động hiến tặng này sẽ giúp họ đầu thai vào cuộc sống tốt đẹp hơn. Tuy nhiên các quốc gia theo đạo Hồi cấm việc gây tổn hại cho cơ thể người cả trước và sau khi họ chết. Vì vậy, Ai Cập và Pakistan là 2 nước nhận được giác mạc hiến tặng nhiều nhất từ Sri Lanka. Malaysia, Nigeria, Sudan cũng nằm trong danh sách hơn 50 quốc gia nhận giác mạc từ Sri Lanka.
Tuệ Khanh
(Theo BBC)