Sự cố bục cửa van số 2 đập Thủy điện Sông Bung 2 (Quảng Nam): Tan hoang làng Pà ooi
(Cadn.com.vn) - Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng, sáng 15-9, đoàn công tác của BQL Dự án Thủy điện Sông Bung 2 (TĐSB 2) do ông Huỳnh Dũng - Phó Giám đốc dẫn đầu đã đến hiện trường ngôi làng Pà ooi (xã biên giới La Êê, H. Nam Giang, Quảng Nam) để kiểm tra mức độ thiệt hại, động viên và hỗ trợ ban đầu cho những hộ dân bị thiệt hại. Chứng kiến cảnh tan hoang của ngôi làng ai cũng khiếp đảm vì mức độ tàn khốc của sự cố vỡ cửa van trên. Cùng ngày, Ban tìm kiếm cứu nạn cũng đã tiến hành chặn dòng chảy khu vực xe đào - nơi được xem là có công nhân của TĐSB 2 bị mắc kẹt trong đó. Tuy nhiên, khi thợ lặn xuống tìm kiếm thì không phát hiện được thi thể nạn nhân nào.
Tìm kiếm nạn nhân mất tích. |
Pà ooi nằm cách hạ lưu đập TĐSB 2 khoảng 5km, khi sự cố xảy ra, khoảng 15 phút sau, toàn bộ ngôi làng chìm trong biển nước. “Lúc đó tôi đang ở trên xã thì nhận được thông tin của mấy anh em biên phòng bên đó điện báo thủy điện xảy ra sự cố. Để xác minh lại thông tin, tôi điện cho ông Hòa - Trưởng BQL dự án thủy điện. Thế nhưng lúc này ông Hòa nói thủy điện vẫn bình thường. Sau đó đồng chí A Lăng Mai - Chủ tịch UBND huyện điện lên nói khẩn trương sơ tán người dân thì tôi mới điện cho các trưởng thôn. Lực lượng các thôn huy động người vận chuyển một số vật dụng của các hộ dân. Tuy nhiên, nước lên quá nhanh, do phải đảm bảo an toàn về người nên người dân sau đó chạy lên đồi cao. Khoảng 10 phút sau thì nước đã tràn vào nhà dân. Một số hộ dân thôn Pà ooi sống ven tuyến đường liên xã không kịp sơ tán nên bị nước cuốn trôi toàn bộ vật dụng” - ông Đặng Đình Xuân - Phó Bí thư xã La Êê kể lại.
Đại diện BQL dự án TĐSB 2 cùng chính quyền địa phương thăm hỏi, tặng quà gia đình chị Huệ. |
Sáng 15-9, anh em A Lăng Dang (1987) và A Lăng Danh (1994, trú thôn Pà ooi) ra lại 2 ngôi nhà bị “xóa sổ” của mình để tìm kiếm, vớt vát một số gỗ còn sót lại trên nền ngôi nhà cũ. “Hôm đó mình đi làm trên rẫy, chỉ có vợ là Hiên Thị Cai và 2 con nhỏ ở nhà. Vợ mình đang nấu cơm thì nghe tiếng la hét “lũ quét, lũ quét” của mấy đứa trẻ đang bắt cá ở ao cạnh nhà. Lúc đó vợ mình chỉ kịp bế và dẫn 2 đứa nhỏ chạy khỏi nhà lên đồi cao chứ không lấy được tài sản gì. Toàn bộ ngôi nhà, tài sản, vật dụng mới làm cách đây 3 năm; 4 con lợn, 1 con bò, 8 con vịt… bị nước cuốn trôi” - anh Dang ngậm ngùi. Còn anh A Lăng Danh nhà kế bên anh trai mình cũng lâm cảnh tương tự. Toàn bộ máy xay lúa, các đồ nghề làm mộc, tài sản trong nhà ước tính hơn 500 triệu đồng bị trôi theo dòng nước dữ.
Chị A Viết Huệ bên vật dụng còn sót lại sau cơn lũ. |
Ngồi thất thần bên căn nhà mới dựng chưa ở được 1 năm, chị A Viết Huệ (1976) cùng chồng là A Lăng Đhép (1983) cho biết mấy ngày nay không ăn, không ngủ được. “Hôm đó mình đi làm trên rẫy, còn chồng làm ở xã chưa về (anh Đhép là Phó Chủ tịch UBND xã La Êê), đứa con 6 tuổi ở nhà một mình thì nước lũ ập xuống. Mình trên rẫy thấy nước cuồn cuộn chảy nhưng điện cho anh Đhép không được. Lúc anh Đhép hay tin chạy về chỉ kịp bế đứa con chạy, còn toàn bộ tài sản, tiền, vàng, sổ tiết kiệm của vợ chồng trị giá hơn 1 tỷ đồng trong nhà bị nước cuốn trôi” - chị Huệ cho biết. Anh Đhép cho biết thêm: “Cơn lũ dữ dội như trong phim chứ ngoài đời tôi chưa từng chứng kiến như vậy, quá khủng khiếp. Lúc đó tôi đang làm việc trên xã thì nghe Chủ tịch xã nói đập thủy điện bị vỡ nên lên xe máy chạy về nhà. Trên đường về tôi gọi mọi người nhanh chóng sơ tán. Tuy nhiên khi chạy về nhà thì nước đã tràn vào. Tôi chỉ kịp đạp cửa nhà bồng đứa con lao thẳng lên núi. Nhìn xuống tôi thấy những gốc cây to trôi theo dòng nước ầm ầm đâm vào nhà. Trong phút chốc, nước dâng lên đến chục mét”.
Cây cổ thụ trôi xuống còn mắc lại trên nền nhà anh A Lăng Dang. |
Nhà vợ chồng chị Huệ không bị trôi hoàn toàn như nhà anh em Dang - Danh, nhưng toàn bộ tài sản bị nước cuốn, ngôi nhà bị nước chảy vào mạnh gây xói lở, xiêu vẹo. Những cây, gốc cổ thụ to hơn người ôm nằm ngổn ngang khắp nhà mới thấy được sự hung dữ của dòng nước. Tài sản bị cuốn trôi hết, hiện tại 3 hộ dân này lâm cảnh trắng tay phải đi ở nhờ người quen. Chị Huệ nói chuyện với chúng tôi mà nước mắt lưng tròng.
Trước thiệt hại do sự cố trên gây ra, ông Huỳnh Dũng - Phó Giám đốc BQL dự án TĐSB 2 đã đến thăm hỏi, tặng quà cho các hộ dân bị thiệt hại. “Thực hiện chỉ đạo của cấp trên, trước mắt chúng tôi đến hỗ trợ một ít quà cho người dân bị hại nhằm động viên, chia sẻ. Trên cơ sở khảo sát mức độ, số hộ bị thiệt hại, chúng tôi mới có phương án hỗ trợ cụ thể cho từng hộ dân” - ông Dũng nói. Theo UBND xã La Êê, qua thống kê sơ bộ có khoảng 50 hộ dân sống dọc bờ sông bị ảnh hưởng thiệt hại bởi sự cố trên. Ngoài 3 hộ dân trên, có hàng chục gia súc, gia cầm cùng hoa màu và tài sản bị cuốn trôi…
Anh A Lăng Đhép bên ngôi nhà xiêu vẹo sau trận “đại hồng thủy”. |
Tiếp tục công tác tìm kiếm các nạn nhân mất tích, sáng 15-9, lực lượng chức năng đã chặn dòng chảy và đưa thợ lặn xuống khu vực xe đào để tìm thi thể một trong 2 công nhân của TĐSB 2 mất tích. Tuy nhiên, sau thời gian tìm kiếm vẫn không phát hiện được thi thể. Chiều cùng ngày, tại UBND xã Chà Vàl, chủ đầu tư TĐSB 2 cùng các ngành chức năng và chính quyền địa phương các xã vùng hạ du TĐSB 2 đã họp bàn phân công trách nhiệm các đơn vị tìm kiếm các nạn nhân mất tích. Bên cạnh đó cũng rà soát lại các công đoạn để đánh giá, tìm ra nguyên nhân sự cố nghiêm trọng trên.
Trần Tân
Phát hiện 6 thi thể chỉ là tin đồn Liên quan đến tin đồn phát hiện 6 xác người trôi ở hạ lưu TĐSB 2, chiều 15-9, trao đổi với P.V Báo Công an TP Đà Nẵng, thượng tá Nguyễn Tiến Đạt - Phó Trưởng CAH Nam Giang cho biết thông tin trên hoàn toàn sai sự thật. “Sau khi nghe thông tin trên từ người dân và ngành chức năng, tôi đã đích thân xác minh, làm rõ. Tuy nhiên đến nay chưa phát hiện vụ việc như nguồn tin nói, do vậy tôi khẳng định đó chỉ là tin đồn” - Thượng tá Đạt nói. |