Sử dụng hung khí để giải quyết mâu thuẫn: S.O.S!

Thứ năm, 30/07/2020 18:13

Thời gian gần đây, trên địa bàn TP Đà Nẵng xảy ra một số vụ việc mà các đối tượng, nhất là thanh thiếu niên (TTN) tàng trữ, sử dụng các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ để thực hiện hành vi phạm pháp. Vấn đề này đặt ra cho công tác quản lý các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ của các cơ quan chức năng cần được chấn chỉnh, siết chặt hơn nữa.

Hàng chục hung khí, vũ khí bị Cơ quan CATP Đà Nẵng thu giữ trong lúc TTKS.

Ra đường thủ sẵn dao!

Mới đây nhất, ngày 23-7, Cơ quan CSĐT CATP Đà Nẵng đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Đặng Anh Tú (1996, trú Q. Liên Chiểu,   Đà Nẵng) để điều tra về hành vi “Giết người”. Như Báo Công an TP Đà Nẵng đã phản ánh, đêm 19 rạng sáng ngày 20-7, Đặng Anh Tú cùng 5 người khác (gồm 2 nam và 3 nữ) đang ngồi nhậu tại quán trên đường Dũng Sỹ Thanh Khê (Đà Nẵng).

Trong lúc ngồi nhậu, Tú cho rằng 2 thanh niên bàn đối diện đùa giỡn khiếm nhã với các cô gái ngồi cùng bàn với Tú nên nhóm của Tú đã tấn công nhóm ngồi bàn đối diện. Sau đó, nhóm của Tú về nhà lấy hung khí quay lại tìm 2 thanh niên bàn bên cạnh để tấn công. Khi đến đường Dũng Sỹ Thanh Khê, nhóm của Tú xông vào đuổi đánh, chém phía đối phương khiến 1 người gục tại chỗ, trong đó, Tú được xác định là người cầm dao chém nhát chí mạng khiến bị hại tử vong tại chỗ...

Cách đó không lâu, khoảng 20 giờ ngày 13-7, tổ công tác C1-911 CATP Đà Nẵng nhận thông tin từ người dân về việc có 2 nhóm với gần 20 đối tượng đang chuẩn bị hỗn chiến bằng dao kiếm tại khu vực đường 2/9 (Q. Hải Châu, Đà Nẵng). Tiến hành truy xét, tổ công tác phát hiện 3 đối tượng nghi vấn đang chở nhau trên 1 xe máy với tốc độ cao. Trong đó, đối tượng ngồi giữa cầm theo một con dao mác với thái độ hung hãn, có khả năng liên quan đến vụ hỗn chiến nêu trên.

Quyết không để cho các đối tượng tẩu thoát, Tổ công tác C1-911 bám sát, khi phát hiện đối tượng cầm dao mác có dấu hiệu chống đối gây nguy hiểm, nên buộc phải nổ súng chỉ thiên thì 3 đối tượng mới dừng lại. Tại cơ quan CA, nhóm thanh niên khai tên là: V.T.L (2005), L.T.A.Q (2003, cùng trú Q. Hải Châu) và V.T.Đ (2004, trú Q. Thanh Khê). Nguyên nhân là do mâu thuẫn trước đó với một nhóm thanh niên khác nên đã mua dao đi chém nhau.

Không chỉ thủ sẵn hung khí (dao, mác) khi ra đường, hiện nay có một số đối tượng còn tổ chức mua bán hung khí, “hàng nóng” cho các đối tượng có nhu cầu. Điển hình vào ngày 10-3-2020, tại đường Mẹ Nhu (P. Thanh Khê Tây, Q. Thanh Khê), lực lượng BĐBP TP Đà Nẵng đã tạm giữ Trịnh Quốc G.V (25 tuổi) vì hành vi tàng trữ trái phép 1 súng bắn bi, 100 viên bi sắt, 2 bình gas, 2 roi điện, 4 bình xịt hơi cay và 1 gậy batoong được cất giữ trong cốp xe.

Ban đầu, V. quanh co, cho rằng đặt mua số “hàng nóng” này trên mạng với mục đích phòng thân. Tuy nhiên qua đấu tranh, lực lượng BĐBP xác định V. có hành vi mua bán trái phép vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ với số lượng lớn. Khám xét nơi ở của V. tại P. An Khê (Q. Thanh Khê), lực lượng BĐBP phát hiện có 6 bình xịt hơi cay, 24 kiếm, 3 cây đao, 5 gậy sắt và một số mã tấu...

Phải kiên quyết ngăn chặn, xử lý

Hiện nay, tình trạng TTN, giới trẻ sử dụng súng, hung khí tự chế... để gây án, thanh toán lẫn nhau có chiều hướng gia tăng cả về tính chất, mức độ phạm pháp và đang trở thành vấn nạn đáng lo ngại. Hầu hết khi bị cơ quan công an kiểm tra, phát hiện đều lấy lý do mang hung khí để “phòng thân”. Tuy nhiên đây chỉ là một trong nhiều lý do được các đối tượng biện minh cho hành động sai trái của mình.

Nguyên nhân của sự “thiếu suy nghĩ” nêu trên, theo các cuộc khảo sát đã chỉ ra là chủ yếu do TTN bị tiêm nhiễm từ lối cư xử của các đối tượng bên ngoài nhà trường, thậm chí là những người lớn trong gia đình. Gia đình có vai trò quan trọng hàng đầu trong việc hình thành nhân cách và các đặc điểm tâm lý cá nhân, đặc biệt đối với trẻ em và nhóm đối tượng ở độ tuổi vị thành niên. Những người phải chứng kiến cảnh bạo hành trong gia đình từ khi còn nhỏ thì khi lớn lên người ấy dễ mang tính bạo lực và sẽ dẫn đến có những hành vi lệch chuẩn...

Theo Thượng tá Võ Quốc Dũng- Phó trưởng Phòng CSQLHC về TTXH CATP Đà Nẵng, để kịp thời ngăn chặn các đối tượng sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ vào các mục đích phạm tội, ngăn chặn hành vi mua bán vũ khí trái phép trên mạng thì cần tăng cường công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ trên địa bàn. Theo đó, qua 3 tháng triển khai kế hoạch tổng kiểm tra, mở đợt cao điểm vận động toàn dân giao nộp và đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ”, CATP đã vận động được 34 trường hợp tự giao nộp vũ khí, thu hồi 23 súng hơi, 25 đầu đạn pháo, 100 đầu đạn, 1 khẩu súng K54, 4 súng tự chế, 1 quả lựu đạn. Phát hiện 17 vụ tàng trữ trái phép công cụ hỗ trợ và vũ khí thô sơ; bắt giữ 26 đối tượng, thu giữ 1 súng K54, 2 hộp tiếp đạn, 4 dùi cui 3 khúc, 1 dùi cui điện, 3 bình xịt hơi cay, 1 súng bắn đạn su, 18 dao, đao, kiếm tự chế...

Cũng theo Thượng tá Dũng, bên cạnh việc tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý việc sử dụng, tàng trữ, thì cơ quan chức năng cũng cần tăng cường kiểm tra, quản lý, giám sát hoạt động trên mạng xã hội, gỡ bỏ các trang web có đăng tải nội dung giới thiệu, mua bán và hướng dẫn phương pháp chế tạo, sản xuất, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, pháo, đồ chơi nguy hiểm. Ðồng thời, đề xuất các nhà cung cấp mạng viễn thông di động rà soát, cắt liên lạc các đầu số sim điện thoại khuyến mãi không đăng ký dùng làm phương tiện rao bán các loại vật liệu cấm nêu trên... 

D.N.H