Sự lan tỏa của một mô hình
(Cadn.com.vn) - Những ngày đầu năm 2015 đến liên hệ làm việc với Phòng CS PCCC số 2, người viết khá bất ngờ khi nghe Đại tá Võ Văn Sỹ, Trưởng phòng thông báo kết quả triển khai xây dựng "Cụm dân cư an toàn về PC&CC" với con số khá ấn tượng: Đến nay, trên địa bàn 10 phường thuộc Q. Thanh Khê, từng hộ dân đã tự mua sắm trang bị được 35.875 bình chữa cháy, đạt 98,45%.
Ngoài kinh phí 400 triệu đồng do UBND Q. Thanh Khê hỗ trợ mua sắm phương tiện tại chỗ để trang bị tại 223 cụm dân cư, các phường còn tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân tự mua sắm trang bị bình chữa cháy xách tay ít nhất mỗi hộ 1 bình. Đó là chưa kể các cơ quan, đơn vị, cá nhân ủng hộ, trang bị cho các hộ nghèo hơn 5.000 bình chữa cháy các loại.
Để có được kết quả trên, Đảng ủy, UBND và CA của 10 phường cùng với lực lượng CSPCCC số 2 đã quyết tâm và nỗ lực hết sức ngay từ lúc phát động triển khai xây dựng "Cụm dân cư an toàn về PC&CC". Điều quan trọng là Quận ủy, UBND Q. Thanh Khê chọn đây là một trong 3 nhiệm vụ trọng tâm của quận trong năm 2014 nên tiến độ đã được đẩy nhanh và kết quả mang lại là điều dễ hiểu.
Diễn tập chữa cháy tại Ga Đà Nẵng. |
Q. Thanh Khê có mật độ dân cư rất đông, trung bình 24.515 người/km2, với nhiều loại hình cơ sở sản xuất, kinh doanh, đan xen với các khu dân cư có nguy cơ về cháy nổ cao. Đó là chưa kể nhiều nhà cao tầng được sử dụng làm khách sạn, trung tâm thương mại, siêu thị, trường học.
Nhiều phường trên địa bàn quận vẫn còn khu dân cư cũ tập trung đông người chưa được quy hoạch nằm sâu trong các kiệt hẻm, xe chữa cháy không thể tiếp cận được khi có cháy xảy ra. Chính vì vậy, vấn đề xây dựng "Cụm dân cư an toàn về PCCC" đối với Thanh Khê có ý nghĩa rất quan trọng; trong đó việc trang bị bình chữa cháy xách tay đến từng hộ dân là một cách làm sáng tạo nhằm đáp ứng yêu cầu chữa cháy tại chỗ trước khi có lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp chi viện.
Ban chỉ đạo PCCC&CNCH quận đã tiến hành củng cố 458 đội chữa cháy tại chỗ với 2.290 đội viên. Đây là lực lượng chữa cháy ban đầu khi có cháy, nổ xảy ra nên Phòng CSPCCC số 2 đã tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ PCCC cho các đội viên, gắn với việc tuyên truyền PCCC đến tận khu dân cư, tổ dân phố; tổ chức diễn tập phương án phối hợp về PCCC&CNCH.
Các "Cụm dân cư an toàn về PCCC" được xây dựng theo mô hình chi bộ ở từng phường với sự tham gia của 446 cụm trưởng, cụm phó; 669 đội trưởng, đội phó PCCC. Đặc biệt, trong năm 2014, Phòng CS PCCC số 2 đã phối hợp với các cơ sở xây dựng 63 phương án chữa cháy, cứu nạn cứu hộ. Trên cơ sở đó đã thực tập 23 phương án, trong đó có 3 phương án có sự phối hợp của nhiều lực lượng tham gia như: Siêu thị Vĩnh Trung Plaza, Chung cư cao cấp Hoàng Anh Gia Lai và Ga Đà Nẵng.
Lực lượng chữa cháy cơ sở ngày càng phát huy vai trò xung kích trên lĩnh vực chữa cháy ban đầu. Đó là lực lượng bảo vệ Chợ Quán Hộ, P. Thanh Khê Đông đã phát hiện và kịp thời cứu chữa không để xảy ra cháy lớn, hay lực lượng chữa cháy và quần chúng nhân dân khu vực tổ 62, P. Vĩnh Trung đã sử dụng bình chữa cháy được trang bị tổ chức cứu chữa kịp thời vụ cháy xảy ra ngày 14-11-2014, không để xảy ra cháy lớn trong khu dân cư.
Ghi nhận thành tích trên, Giám đốc CS PCCC TP Đà Nẵng đã khen thưởng đột xuất cho 2 cá nhân và UBND Q. Thanh Khê khen thưởng 2 cá nhân. Ông Nguyễn Thanh Xuân, Phó Chủ tịch UBND Q. Thanh Khê, Trưởng Ban chỉ đạo PCCC&CNCH quận cho biết, trong năm 2014, trên địa bàn quận xảy ra 48 vụ cháy nhỏ, trong đó, lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp trực tiếp cứu chữa 26 vụ, còn lại 22 vụ được lực lượng phòng cháy cơ sở cùng nhân dân tại chỗ dập tắt kịp thời khi mới phát sinh đám cháy nên thiệt hại do cháy gây ra được giảm thiểu đến mức thấp nhất.
Đại tá Võ Văn Sỹ đánh giá, qua nhân rộng mô hình "Cụm dân cư an toàn về PCCC" ở 10 phường đã có bước chuyển biến rất tích cực, trong đó phong trào toàn dân tham gia PCCC từng bước được xã hội hóa. Nhân dân đã nhận thức rõ hơn vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu đối với công tác PCCC. Điều ấy đã tạo được sự đồng thuận cao và tinh thần trách nhiệm của công dân khi có mô hình này.
Phương Kiếm