Sứ mệnh của nước Nga

Thứ năm, 02/07/2020 12:37

Người dân Nga ngày 1-7 đi bỏ phiếu về gói sửa đổi Hiến pháp, theo đó có thể mở đường cho phép Tổng thống Vladimir Putin tiếp tục nắm quyền ở Điện Kremlin sau năm 2024.

Tối 1-7, truyền thông nhà nước Nga dẫn kết quả kiểm phiếu sơ bộ cho biết ít nhất 74,18% cử tri nước này đã bỏ phiếu ủng hộ các sửa đổi Hiến pháp trong cuộc bỏ phiếu diễn ra cùng ngày. Theo hãng tin Interfax và đài Sputnik, kết quả kiểm phiếu một phần cho thấy 74,18% cử tri Nga ủng hộ các đề xuất sửa đổi Hiến pháp, 24,69% phản đối.

Người dân Nga đi bỏ phiếu về gói sửa đổi Hiến pháp. Ảnh: AFP

3 điểm bỏ phiếu về sửa đổi Hiến pháp Nga tại Việt Nam

Ngày 1-7, các công dân Nga, bao gồm những người đang sinh sống, học tập và làm việc ở Việt Nam cũng như khách du lịch đang bị mắc kẹt lại Việt Nam do dịch Covid-19, đã đi bỏ phiếu về sửa đổi Hiến pháp Nga.

Tại Việt Nam, cuộc bỏ phiếu diễn ra từ 8 giờ đến 20 giờ ngày 1-7 tại 3 điểm bỏ phiếu sau: Đại sứ quán Nga tại Hà Nội; Tổng Lãnh sự quán tại TP Hồ Chí Minh và Tổng Lãnh sự quán tại Đà Nẵng.

Củng cố các giá trị của nước Nga

Những thay đổi đã được Quốc hội Nga thông qua vài tuần trước và các bản sao của hiến pháp mới đã được bán trong các hiệu sách, nhưng Tổng thống Putin vẫn kêu gọi một cuộc bỏ phiếu trên toàn quốc để đạt được tính hợp pháp.

Điện Kremlin đã nỗ lực khuyến khích người dân đi bỏ phiếu, với các cuộc thăm dò kéo dài gần 1 tuần (từ 25-6 đến 1-7), và ngày bỏ phiếu cuối cùng (1-7) được tuyên bố một ngày lễ quốc gia và giải thưởng - bao gồm cả căn hộ và xe hơi - được tung ra để khuyến khích cử tri đi bỏ phiếu. Trong bài phát biểu trên truyền hình hôm 30-6, Tổng thống Putin kêu gọi người dân tích cực đi bỏ phiếu vì với việc bỏ phiếu ủng hộ các sửa đổi, người dân Nga đã bỏ phiếu cho quốc gia mà họ muốn sống. “Tôi muốn cảm ơn tất cả những người đã tự mình lựa chọn. Ngày 1-7 là ngày bỏ phiếu chính. Tôi đề nghị các bạn thân mến, hãy cất lên tiếng nói của bạn. Tiếng nói của mỗi người trong số các bạn là quan trọng nhất, chính yếu nhất”, ông chủ Điện Kremlin nói trong thông điệp gửi đến người dân Nga.

Tổng thống cũng lưu ý rằng, trong những năm gần đây, ông nhiều lần đề cập đến những vấn đề quan trọng nhất và lần trưng cầu dân ý này là một trong số đó. Theo nhà lãnh đạo này, những thay đổi là cần thiết để đảm bảo sự ổn định và củng cố các giá trị của Nga trước những ảnh hưởng nguy hiểm của phương Tây. “Chúng ta có thể đảm bảo sự ổn định, an ninh, thịnh vượng và một cuộc sống đàng hoàng chỉ thông qua sự phát triển, cùng nhau và bởi chính chúng ta”, ông Putin nhấn mạnh thêm.

Thay đổi cấu trúc thượng tầng ở nước Nga

Dự luật về sửa đổi hiến pháp mang tên “Về việc hoàn thiện một số vấn đề tổ chức chính quyền” đã được đệ trình lên Hạ viện hôm 20-1 và được phê chuẩn ngay trong lần đọc đầu tiên. Sau đó, các nội dung sửa đổi đã được hai viện Quốc hội Nga là Duma Quốc gia (Hạ viện) và Hội đồng Liên bang (Thượng viện), cũng như Hội đồng lập pháp của 85 chủ thể Nga thông qua và tiếp sau đó cũng được Tòa án Hiến pháp Nga thông qua.

Gói sửa đổi Hiến pháp lần này đề xuất sửa đổi 41 điều và bổ sung thêm 5 điều mới. Nghĩa là liên quan đến hơn 60% các điều khoản trong Hiến pháp 1993. Vì vậy, Tổng thống Putin đã yêu cầu phải tổ chức bỏ phiếu trên toàn quốc về gói sửa đổi này, điều mà theo thủ tục của Luật Cơ bản hoàn toàn không đòi hỏi. Sửa đổi Hiến pháp lần này sẽ làm thay đổi cấu trúc thượng tầng ở nước Nga. Tức là chuyển bớt quyền từ Tổng thống sang Quốc hội và chính phủ, đồng thời hướng tới một hệ thống nghị viện dân chủ và cân bằng hơn so với Hiến pháp năm 1993. Sửa đổi Hiến pháp cũng quy định không cho phép các quan chức chính phủ có quốc tịch kép, phải thường xuyên sống ở Nga và không được mở tài khoản ở các ngân hàng nước ngoài. Các sửa đổi cũng rất chú trọng đến việc đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, bảo vệ các giá trị gia đình, bảo tồn di sản văn hóa, hỗ trợ cho khoa học Nga…

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, vấn đề quan trọng nhất là sửa đổi về quy định nhiệm kỳ cầm quyền của các tổng thống. Theo hiến pháp hiện nay của Nga, một người không được làm tổng thống quá 2 nhiệm kỳ (6 năm) liên tiếp. Tổng thống Putin, sẽ kết thúc nhiệm kỳ thứ 2 liên tiếp vào năm 2024. Theo hiến pháp sửa đổi, một người không thể giữ chức Tổng thống Nga trong “hơn 2 nhiệm kỳ” (trước kia  là 2 nhiệm kỳ liên tiếp) và Tổng thống Vladimir Putin được xóa các nhiệm kỳ trước để có thể ra tranh cử năm 2024.

Các chuyên gia nhận định, đa số dân Nga sẽ ủng hộ đạo luật sửa đổi hiến pháp, cho phép ông Putin có thể tiếp tục tái tranh cử vào năm 2024. Theo AFP, đa số người Nga, đặc biệt là những người nhớ đến sự hỗn loạn kinh tế của những năm 1990 đều đồng ý. “Có rất nhiều vấn đề ở đất nước chúng tôi. Và những sửa đổi sẽ giúp giải quyết chúng, không hoàn toàn mà là một phần”, nhân viên tàu điện ngầm ở Moscow Vladimir Bodrov nói sau khi bỏ phiếu. “Đối với tôi, các con cháu, tôi nghĩ rằng đây là một điểm cộng lớn”, một cử tri khác nói.

Như vậy, nếu được thông qua, nhà lãnh đạo Nga có thể sẽ tại vị tới năm 2036, khi ông đã 83 tuổi. Trong cuộc phỏng vấn gần đây, ông Putin đã không nói rõ quyết định có tiếp tục tranh cử hay không mà chỉ nhấn mạnh: một phần lý do cho việc sửa đổi hiến pháp lần này là nhằm khuyến khích giới tinh hoa chính trị của Nga tập trung vào quản lý thay vì đi “săn lùng những người kế nhiệm tiềm năng”.

KHẢ ANH