Sự thật về "miền đất hứa" của những người vượt biên trái phép
Nuôi ảo vọng về một cuộc sống sung sướng không phải lao động vất vả ở "miền đất hứa" qua lời dụ dỗ của các kẻ xấu, nhiều người dân đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã vượt biên trái phép sang Campuchia, Thái Lan. Thế nhưng, khi nhận ra tất cả chỉ là lời lừa phỉnh, dối trá của bọn phản động, họ trở về với nỗi đau cả tinh thần lẫn thể xác.
Niềm vui của bà Rơh Lan Poong khi con trai Rah Lan Mlơih trở về với gia đình. |
Đã gần 4 tháng kể từ ngày được trở về với mảnh đất "chôn nhau, cắt rốn" tại làng Hăng Ring (thị trấn Chư Sê, H. Chư Sê, Gia Lai), Rơh Lan Mlơih (1987) vẫn chưa hết nỗi đau đớn, bàng hoàng suốt những ngày tháng dài tủi nhục nơi xứ người. Mlơih nhớ lại, khoảng tháng 6-2016, trong một lần "lang thang" trên mạng xã hội facebook, Mlơih được một người lạ kể về cuộc sống sung sướng tại Thái Lan: không lao động cũng sung túc, ốm đau chữa trị không mất tiền. Tin lời kẻ xấu, dù không biết đất nước Thái Lan như thế nào nhưng Mlơih vẫn bán xe máy lấy 8 triệu đồng rồi trốn gia đình, làm hộ chiếu nhập cảnh sang Campuchia, sau đó qua Thái Lan với mục đích chữa bệnh. Thế nhưng, khi đặt chân đến "miền đất hứa", Mlơih mới nhận ra mình bị lừa phỉnh. Tất cả về một "miền đất hứa" không như lời kẻ xấu đã dụ dỗ...
Giọng đượm buồn, Mlơih kể về những tháng ngày sống khổ cực: "Ở đó vất vả lắm, người ta nói đau ốm, chữa bệnh không mất tiền mà có đúng đâu. Lừa phỉnh, dối trá hết. Tôi đau bệnh mà không có tiền nên không dám tới bệnh viện. Tôi nhớ mẹ, nhớ gia đình mà không biết phải liên lạc như thế nào để quay về...". Không biết tiếng, không trình độ và không tìm thấy nẻo để quay về quê hương, Mlơih lang thang và ở trong 1 phòng trọ chật chội rồi đi làm thuê đủ nghề. Thiếu ăn, thiếu nước sinh hoạt và chịu sự chèn ép của người lạ là cảnh thường xuyên trong những tháng ngày ở đất khách, quê người. Không người thân thuộc, công việc nặng nhọc khiến bệnh của Mlơih ngày càng nặng thêm và Mlơih rơi vào tình trạng tuyệt vọng.
Nỗi nhớ quê, nhớ cha mẹ khiến Mlơih tìm mọi cách hỏi đường trở về. Đến tháng 12-2016, trong một lần lang thang tìm hỏi đường về lại quê nhà, Mlơih bị Cảnh sát Thái Lan bắt giữ vì nhập cư quá thời hạn, bị phạt 5 triệu đồng và bị giam 8 ngày. Ngày 6-5-2017, được sự giúp đỡ của chính quyền Việt Nam và Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) tại Thái Lan, Mlơih được hồi hương. Gặp lại con, người vui nhất là mẹ của Mlơih- bà Rơh Lan Poong. Bà Poong nhớ lại: "Sáng ra thì không thấy thằng Mlơih đâu nữa, mấy ngày sau thì có người nói là nó trốn đi Thái Lan. Tôi buồn lắm. Giờ nó về, tôi thường khuyên nó ở nhà giúp mẹ đi rẫy, làm vườn, chăn bò. Cảm ơn chính quyền đã giúp đỡ Mlơih được trở về".
Một trường hợp khác, chị Rmah H'Oan (1986, trú làng Tốt Biớch, thị trấn Chư Sê), cũng là người vượt biên mới trở về đoàn tụ bên người thân. Khoảng tháng 1-2015, H'Oan buồn chuyện gia đình, nghe lời xúi giục của người lạ, H'Oan trốn đi cùng 2 người làng, đi bộ theo lối mòn trong rừng rồi vượt biên trái phép sang Thái Lan với chi phí 17 triệu đồng. Thế nhưng, vừa đến Thái Lan, cả ba bị cảnh sát nước sở tại bắt giữ vì nhập cư trái phép. Thời gian trong trại tạm giam, H'Oan bị những kẻ xấu đánh đập. Tủi nhục, sợ hãi, di chấn tâm lý in hằn trên gương mặt chị. Sau 2 năm, đến tháng 6-2017, H'Oan được hồi hương. Sau những ngày tháng cơ cực, hiện tại, sức khỏe H'Oan vẫn còn yếu và có biểu hiện mất trí nhớ. Anh Siu Lan- chồng Rmah H'Oan chia sẻ: "Lúc vợ đi thì tôi không biết, giờ trở về vợ bị đau nên 2 vợ chồng cũng ít nói chuyện với nhau. Tôi buồn lắm!".
Chị Rmah H'Oan trở về gia đình sau 2 năm cực khổ nơi xứ người. |
Theo thống kê của Cục an ninh Tây Nguyên, hiện còn gần 400 người vượt biên trái phép đang ở Thái Lan và Campuchia, trong đó, Thái Lan là chủ yếu với gần 380 người. Tuy nhiên, số người may mắn được trở về lại rất ít. Trong 6 tháng đầu năm nay, đại diện cơ quan chức năng của Việt Nam phối hợp với UNHCR đã tổ chức tiếp nhận, trao trả an toàn 4 đợt với 60 trường hợp người đồng bào DTTS vượt biên trái phép. Riêng tại Gia Lai, từ năm 2015 đến nay, 90 người dân đồng bào DTTS vượt biên trái phép đã được giúp đỡ, trở về quê hương.
Từ bỏ người thân, buôn làng, những người vượt biên tìm đến miền đất hứa với ước mơ về một cuộc sống giàu có, không lao động, để rồi cái họ nhận lại là sự đau khổ, ly tán, bệnh tật nơi xứ người. Thiếu tá Phan Thanh Hải- Phó trưởng CAH Chư Sê cho biết: "Qua tiếp xúc với những người mới trở về, chúng tôi được biết nhiều người vượt biên sang Thái Lan, Campuchia có cuộc sống rất khổ cực và đang muốn quay về. Thời gian tới, chính quyền, lực lượng CA sẽ tạo điều kiện, giúp đỡ những người hồi hương ổn định cuộc sống. Còn những ai tiếp tục nghe theo bọn phản động Fulro, tiếp tay tuyên truyền, lôi kéo, chống phá chính quyền, chia rẽ khối đoàn kết dân tộc sẽ bị trừng trị theo quy định pháp luật".
Trong nhiều năm qua, dù đã được các cấp, các ngành, chính quyền địa phương tuyên truyền thế nhưng vì nghe, tin theo các đối tượng xấu lôi kéo về cái ảo vọng vượt biên để được hưởng cuộc sống sung sướng không phải lao động ở xứ người vẫn như đám mây đen, bủa vây tâm trí của nhiều người dân đồng bào DTTS. Chỉ đến khi đối diện với hiện thực, họ mới nhận ra không có nơi nào sung sướng như ở quê hương của mình.
M.T - L.A