Sự trở lại đầy kỳ vọng

Thứ sáu, 05/10/2018 08:32

Chuyến công du Châu Á sắp tới của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đến 4 quốc gia Châu Á rõ ràng nhằm mục đích tiếp tục xây dựng đòn bẩy cho các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Washington và Bình Nhưỡng vốn đang bị chậm lại.

Ông Pompeo sẽ đến Nhật Bản, Triều Tiên, Hàn Quốc và Trung Quốc từ ngày 6 đến 8-10. Điểm đến nào cũng nằm trong chiến lược đầy tham vọng của vị thủ lĩnh ngoại giao này, nhưng quan trọng nhất vẫn là chuyến đi trở lại Triều Tiên. Tại Bình Nhưỡng vào ngày 7-10, ông sẽ gặp gỡ nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Đó là cuộc gặp khởi đầu cho “chiến lược Triều Tiên” của ông Pompeo. Trong suốt chuyến đi, ông sẽ nhắc lại việc chính phủ của Tổng thống Donald Trump tiếp tục tập trung vào việc hoàn thành thỏa thuận đã ký với Bình Nhưỡng: phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên và có thể kiểm chứng. Và mục tiêu thứ hai là nhấn mạnh cam kết lâu dài với các liên minh và các nước đối tác trong khu vực.

Có thể thấy, trong bối cảnh như hiện nay, chuyến đi của ông Pompeo tập trung chủ yếu vào việc giải trừ vũ khí hạt nhân và xác định khoảng trống giữa Triều Tiên và Mỹ để cần biết phải làm như thế nào để lấp khoảng trống đó. Thật thú vị khi nhìn nghĩ rằng, đây có thể là động lực để hướng đến một hiệp ước chấm dứt chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên. Nhưng vẫn còn đó những thách thức cốt lõi. Đó là Triều Tiên phải chứng minh thực hiện đúng theo thỏa thuận đã ký với Mỹ trên bàn đàm phán ở Singapore. Mỹ muốn đi theo hướng phi hạt nhân hóa trước trong miền Bắc muốn chấm dứt trạng thái chiến tranh trước. Cả hai dường như chưa tìm được tiếng nói chung trong việc này.

Tất cả các vấn đề này đang đặt trên vai ông Pompeo, trong chuyến đi sắp tới. Có lẽ cuộc gặp của ông với người đồng cấp Triều Tiên Ri Yong-ho đã cho thấy một số dấu hiệu khả quan rằng, chuyến đi này sẽ không lãng phí thời gian. Hai bên đang trong quá trình tham vấn để sắp xếp cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai, nơi có thể sẽ để nói về một hiệp ước hòa bình. Tất nhiên, một hiệp ước hòa bình là một chặng đường dài, và cần sự tham gia của nhiều quốc gia khác liên quan, như Hàn Quốc và Trung Quốc.

THANH VĂN