Sức hấp dẫn Đà Nẵng - Thành phố động lực Miền Trung - Tây nguyên

Thứ bảy, 06/01/2024 22:15
"SỨC HẤP DẪNĐÀ NẴNG - Thành phố động lực Miền Trung- Tây nguyên"của nhà báo Nguyễn Cửu Loan là cuốn sách chuyên sâu với những vấn đề cốt lõi, tâm huyết dành riêng cho Đà Nẵng, bao gồm các phần: Chặng đường kiến thị; Đô thị và tầm nhìn; Quy hoạch và kiến trúc; Kinh tế đô thị; Văn hóa lối sống đô thị; Kiến trúc Du lịch… cùngcác bài báo, tham luận của tác giả tại các hội thảo khoa học về phát triển TP Đà Nẵng, doNXB Đà Nẵng ấn hành tháng 12-2023.
Bìa cuốn sách ""SỨC HẤP DẪN ĐÀ NẴNG - Thành phố động lực Miền Trung-Tây nguyên".
Bìa cuốn sách ""SỨC HẤP DẪN ĐÀ NẴNG - Thành phố động lực Miền Trung-Tây nguyên".

Trong lời tựa tập sách, TS. KTS Trương văn Quảng - Phó Tổng thư ký Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nhấn mạnh: " Là một nhà báo tận tâm, nhiệt huyết và cẩn trọng, tác giả Nguyễn Cửu Loan luôn trăn trở trên từng trang viết, từng vấn đề liên quan đến lĩnh vực quy hoạch xây dựng, nhất là các vấn đề trong quy hoạch phát triển TP. Đà Nẵng - thành phố ông yêu….Cuốn sách "SỨC HẤP DẪN ĐÀ NẴNG - Thành phố động lực Miền Trung- Tây nguyên " của nhà báo Nguyễn Cửu Loan như một minh chứng cho nhận thức về một thành phố có lịch sử thăng trầm trong quá trình hình thành và phát triển và trên hết là một Khát vọng vươn lên xứng đáng với vai trò, vị thế của mình trong bối cảnh mới để xứng đáng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á - thành phổ cảng biển, đô thị biển quốc tế, hiện đại, thông minh - một thành phố đáng sống của thế kỷ XXI"…

Ngay ở phần đầu tập sách, tác giả đã không bỏ quên những câu chuyện lịch sử của Đà Nẵng từ thế kỷ XVI đến nay. Từ việc ba chiến hạm lớn của Anh quốc từng bỏ neo tại Đà Nẵng (1793), với ba lần người Anh đặt vấn đề Đà Nẵng - Cù Lao Chàm trước Hongkong đều không thành, đến "Đà Nẵng, trận đầu đánh Pháp" (1-9-1858), dưới quyền chỉ huy của Nguyễn Tri Phương, người Pháp sau 5 tháng tiến công đã phải dẫm chân và sa lầy tại chỗ. Để rồi, bằng những chứng lý trình bày đầy thuyết phục, tác giả khẳng định: Từ thời điểm đó đến nay, Đà Nẵng luôn giữ riêng cho mình một vị thế về phát triển kinh tế và quốc phòng của khu vực miền Trung và cả nước. Cụ thể, ở tiêu đề Đà Nẵng - Một trong những thành phố lớn toàn xứ Đông Dương có đoạn: "Cả Ta lẫn Tây, từ năm 1888 đến 1975, trải qua bao thăng trầm với chính trị xã hội, Đà Nẵng vẫn được nhìn nhận là một đô thị quan trọng, là một đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương. Điều đó không ngẫu nhiên, không ngẫu hứng, mà là tất yếu khách quan của quy luật đô thị hóa, là khoa học. Chính vì vậy, ngày 3-8-1995 làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã đặt vấn đề nâng cấp cho thành phố Đà Nẵng. Và ngày 17-8-1995, trong thông báo kết luận, Thủ tướng xác định: "Nếu Đà Nẵng được chấp nhận là thành phố loại I, thì sẽ là hạt nhân cho vùng kinh tế trọng điểm Đà Nẵng - Quảng Nam - Quảng Ngãi, đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển của bản thân thành phố, của vùng và của cả nước. Chính phủ sẽ báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Quốc hội để có quyết định cuối cùng". Đây là một trong những nhìn nhận lớn nhất cho Đà Nẵng để bước vào thế kỷ XXI. Dẫu nhiều việc cần phải làm, phải phấn đấu để Đà Nẵng vươn lên thành phố loại I, thành phố hạt nhân khu vực miền Trung. Rồi phải có cơ sở hạ tầng loại I, thị dân loại I và tất nhiên phải có cán bộ quản lý đô thị loại I. Nhìn vào thật đầy gian khó. Nhưng điều quan trọng hơn lúc nào hết là Đà Nẵng được đặt vận mệnh của mình trong tháng 8 (1995) là: Đà Nẵng đã được nhìn nhận đúng tầm vóc, được giao sứ mệnh cao cả, được đặt trên con tàu hướng về tương lai, góp phần xứng đáng trong công cuộc xây dựng đổi mới của đất nước" (tr. 33-34).

Hiện nay, vào giai đoạn đất nước chuyển mình đô thị hóa nhanh chóng, Đà Nẵng là thành phố mạnh dạn đi đầu trong việc thể nghiệm một phong cách phát triển đô thị kiểu mới, vừa dung hòa được phát triển kiểu kinh tế thị trường, vừa tạo được sự đồng thuận xã hội, từng bước tiến lên từ một đất nước còn kém phát triển. Phản ánh một số ý kiến tại Hội thảo Quốc tế về đô thị Đông Nam Á ở TP.HCM năm 2008, khi các nhà chuyên môn tham gia phương án góp ý quy hoạch Đà Nẵng theo hướng mới, tác giả đã trích dẫn ý kiến của GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính : "Đà Nẵng đã đạt được sự mở mang đủ tầm và đủ sức đón tương lai. Đã đến lúc phải đặt trọng tâm vào phát triển theo chiều sâu, tức là bắt tay vào cải tạo và chỉnh trang khu trung tâm, các khu phố cũ; kiện toàn kiến trúc và cảnh quan những con đường và những khu phố mới, cải thiện và vun đắp hình ảnh chung đô thị. Sao cho chừng mực trong việc sử dụng tài nguyên đất, cảnh sắc thiên nhiên chớ quá vung tay, biết để phần và dành dụm cho con cháu. Đà Nẵng đang sở hữu một giang sơn đủ cho một quốc gia. Đà Nẵng đang là chủ một Việt Nam thu nhỏ, chớ nên vội vã và vắt kiệt vùng đất ven biển, hãy để cho Sơn Trà là một quỹ dự trữ, hãy đắn đo khi chiếm lĩnh những khoảng không gian giữa thành phố và vùng rừng núi…Nếu biết gìn giữ và nâng niu. Đà Nẵng sẽ là mảnh đất hứa, đô thị sinh thái, đô thị thông minh, đô thị toàn cầu kết nối với đô thị các nước thậm chí còn nhiều hơn với đô thị trong nước…".

Với tư cách là người trong cuộc, ở một số vấn đề thuộc Những trang rời (gồm các tham luận của tác giả tại các hội thảo) qua các nội dung như: Sơn Trà - Cần tính pháp lý, Sông Hàn và … nỗi lo! Sông Hàn thôi không còn sóng,.. tác giả Nguyễn Cửu Loan đã không ngần ngại làm sáng tỏ, minh bạch những vấn đề được xem là "nhạy cảm" của Đà Nẵng trong nhiều năm qua …Và trước khi khép lại trang sách cuối cùng của SỨC HẤP DẪN ĐÀ NẴNG - Thành phố động lực Miền Trung- Tây nguyên, tác giả đã không quên gởi gắm những lời khát khao tâm huyết khi ghi chép lại câu chuyện xây dựng "ngọn hải đăng" trên dòng sông Hàn : "Dạo bước bên dòng sông, nhìn dòng sông êm đềm đang xuôi chảy về nguồn khơi, không còn thét gào - sợ hãi - giận dữ. Và nghe âm vang đâu đó trong sâu thẳm từ lòng sông như nhắn nhủ với mỗi chúng ta hãy biết nghĩ đến sự tồn tại của cuộc sống, cho hôm nay và cho con cháu mai sau..!".

Trần Trung Sáng