Sức hút từ nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội

Thứ năm, 15/03/2018 11:56

Chuyện của những người mẹ

Theo lời giới thiệu của ông Huỳnh Thanh Hải-Chủ tịch UBND P.Thanh Khê Tây, Q.Thanh Khê, TP Đà Nẵng, tôi tìm gặp chị Nguyễn Thị Lai, tổ 22 để tìm hiểu về hiệu quả sử dụng vốn vay từ chương trình HSSV của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH). Chị Lai bộc bạch "Với 5 đứa con đang ở tuổi ăn, tuổi học và nuôi mẹ già đau ốm thường xuyên nên vợ chồng tôi quanh năm vất vả, khó khăn. Chồng tôi làm thợ nề còn tôi bám trụ nghề trồng trọt, chở nước cơm nuôi heo, thế nhưng lam lũ quanh năm, thức khuya dậy sớm cũng chỉ đủ lo miếng cơm hàng ngày, kinh tế gia đình rơi vào hộ cận nghèo của phường".

Các Tổ tiết kiệm và vay vốn ở cơ sở luôn làm hết trách nhiệm của mình đối với người vay.

Nỗi lo lớn nhất của vợ chồng chị Lai là cứ vào đầu năm học lại góp tiền, vay mượn thêm anh em, bà con để mua đồ dùng học tập, sách vở, quần áo và đóng tiền học cho con. Qua công tác tuyên truyền của chính quyền địa phương, hội, đoàn thể và cán bộ tín dụng NHCSXH quận, chị Lai mới biết được khoản vay tín dụng ưu đãi đối với HSSV có hoàn cảnh khó khăn. Từ đó, thông qua chính quyền địa phương và Hội LHPN P.Thanh Khê Tây cũng như Tổ tiết kiệm và vay vốn, chị Lai đã tiếp cận và được vay vốn chương trình HSSV có hoàn cảnh khó khăn tại Phòng Giao dịch NHCSXH Q.Thanh Khê. "Gia đình tôi như được trao chìa khóa mở ra hy vọng mới trong tương lai, nhất là lo cho việc học hành của các cháu"-chị Lai cho biết. Từ sự hướng dẫn của Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn, gia đình chị được vay vốn tại NHCSXH quận với số dư nợ ban đầu qua các năm là 50,9 triệu đồng để đóng học phí và trang trải chi phí học tập trong 5 năm đại học của con gái đầu. Cũng từ đó, 4 đứa con tiếp theo của chị Lai đều phấn đấu và vươn lên trong học tập. Các cháu đều học hết cấp 3 và quyết tâm thi đỗ vào các trường đại học. Hiện nay, các cháu đều đã ra trường, có công việc ổn định và bắt đầu phụ giúp gia đình trả nợ ngân hàng.

Người thứ hai tôi gặp là chị Nguyễn Thị Hương, trú tổ 9, P.Hòa Hiệp Nam, Q.Liên Chiểu. Chị Hương thuộc diện hộ vay vốn NHCSXH để ổn định đời sống sau di dời, giải tỏa Làng Vân. Chị Hương cho biết "Để giúp người dân Làng Vân hòa nhập và ổn định cuộc sống sau khi chuyển vào đất liền, thành phố có chủ trương hỗ trợ vốn vay với mức 30 triệu đồng, lãi suất 0% trong 36 tháng đầu để chuyển đổi ngành nghề, khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống". Gia đình chị Hương cũng như bao gia đình khác, chủ yếu sống bằng nghề biển. Bởi vậy, sau thời gian an cư tại khu nhà liền kề, chị được bà Hoàng Thị Giáo, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn P.Hòa Hiệp Nam hướng dẫn làm thủ tục đề nghị NHCSXH Q.Liên Chiểu cho vay 30 triệu đồng. Có vốn, hai vợ chồng đã mạnh dạn cùng vài người bạn trong khu tái định cư thành lập nhóm nhỏ chuyên tổ chức đánh bắt gần bờ, bỏ sĩ cho các tiểu thương ở chợ Hòa Khánh và một số chợ lân cận trên địa bàn Q.Thanh Khê. Công việc đánh bắt và chạy chợ khá thuận lợi đã mang lại cho gia đình chị nguồn thu nhập ổn định từ 300.000-500.000 đồng/ngày. Cũng nhờ đó mà cả 3 đứa con đều được đến trường và được chăm sóc tốt hơn. "Cuộc sống của gia đình tôi hiện ổn định. Nguồn vốn này không chỉ giúp người dân chúng tôi cải thiện môi trường sống, đầu tư làm kinh tế gia đình mà còn góp phần hạn chế các TNXH như vay nóng, cờ bạc"-chị Hương nói.

Đa dạng các nguồn vốn vay

Ông Đoàn Ngọc Chung, Giám đốc Chi nhánh NHCSXH TP Đà Nẵng cho biết, dư nợ của NHCSXH tập trung chủ yếu vào các chương trình tín dụng lớn, chiếm tỷ trọng 97,21%/tổng dư nợ. Đó là chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ thoát nghèo; cho vay giải quyết việc làm; cho vay HSSV có hoàn cảnh khó khăn; cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Đó là chưa kể còn có một số chương trình tín dụng đặc thù của thành phố như: cho vay hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được UBND TP hỗ trợ 100% tiền lãi; cho vay di dời giải tỏa; cho vay hoàn lương; cho vay CBCC có hoàn cảnh khó khăn. Khi tiếp cận với chương trình cho vay giải quyết việc làm mới thấy rằng, chương trình này đã góp phần quan trọng giúp cho hơn 9.000 lao động có việc làm, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp, tăng thu nhập, mở rộng sản xuất, phát triển ngành nghề truyền thống như sản xuất đá mỹ nghệ tại Q.Ngũ Hành Sơn, trồng hoa tại H.Hòa Vang; làm mắm tại Q.Liên Chiểu, Sơn Trà hay các phố chuyên doanh tại Q.Hải Châu... với dư nợ đạt 370 tỷ đồng. Riêng cho vay di dời giải tỏa doanh số cho vay hơn 26 tỷ đồng với hơn 700 lượt khách hàng vay vốn giải quyết các hộ di dời, giải tỏa thuộc khu vực P.Hòa Phát, Q.Cẩm Lệ; khu vực xã Hòa Liên, H.Hòa Vang, khu vực Làng Vân... Đặc biệt, với chính sách hỗ trợ ưu đãi về lãi suất của TP đối với hộ dân Làng Vân, nhiều hộ tiếp cận được nguồn vốn vay tín dụng chính sách để chuyển đổi ngành nghề. Nguồn vốn UBND TP ủy thác qua NHCSXH là 2,630 tỷ đồng. Nguồn vốn này đã kịp thời đến tay người dân, giúp họ có vốn làm ăn, chuyển đổi ngành nghề và ổn định cuộc sống. "Năm 2018, chúng tôi phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch với mục tiêu tăng trưởng nguồn vốn, dư nợ năm 2018 tối thiểu 10% so với năm 2017; giảm tỷ lệ nợ quá hạn, nợ xấu; đồng thời nâng cao chất lượng hoạt động Tổ tiết kiệm và vay vốn..."-ông Đoàn Ngọc Chung khẳng định.

Ông Nguyễn Thanh Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Q.Thanh Khê chia sẻ "Tính đến hết năm 2017, UBND quận đã chuyển bổ sung để nâng số tiền ngân sách quận ủy thác sang Phòng giao dịch NHCSXH quận lên 4,5 tỷ đồng để tăng nguồn cho vay đối với các hộ chính sách trên địa bàn. Công tác cho vay, quản lý vốn vay được làm rất chặt chẽ đã giúp hộ vay giải quyết được việc làm, thu nhập ổn định, cải thiện được đời sống và có khả năng thanh toán lãi, trả nợ vay tốt". Trong khi đó, theo ông Nguyễn Hữu Trung, Hội CCB Q.Ngũ Hành Sơn, việc định hướng sử dụng vốn vay đúng mục đích rất quan trọng bởi việc này gắn với chương trình phát triển kinh tế của địa phương, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, ngành nghề phù hợp, chuyển giao công nghệ, tìm đầu ra cho sản phẩm. Do đó, Hội CCB quận đã phối hợp với NHCSXH cùng cấp tập huấn cho đội ngũ cán bộ hội trực tiếp phụ trách ủy thác và Tổ tiết kiệm và vay vốn về kiến thức, kỹ năng tín dụng, kiểm tra, giám sát và hướng dẫn hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác sử dụng vốn vay đúng mục đích; áp dụng kiến thức KHKT vào sản xuất để đạt hiệu quả và bảo toàn nguồn vốn.

PHƯƠNG KIẾM