Sức mua chưa đột biến
(Cadn.com.vn) - Đến hôm qua (24-1), mặc dù lượng hàng đã thực sự bùng nổ nhưng không khí mua sắm ở các chợ, cửa hàng, siêu thị tại TP Đà Nẵng còn khá trầm lắng. Khu vực chợ Hàn, nơi được coi là trung tâm các hoạt động mua sắm thì hiện vẫn chưa thấy sôi động. Các ngành hàng thực phẩm, hoa quả... sức mua chưa tăng và giá vẫn cơ bản ổn định. Nhộn nhịp nhất có thể kể đến các cửa hàng bán rượu, bia bánh kẹo, thực phẩm đóng gói dọc tuyến đường Hùng Vương, Trần Phú, Lê Lợi và cũng chỉ tập trung ở một số mặt hàng như: bia, giỏ quà, rượu… mà các cơ quan, DN mua làm quà biếu, tặng. Tại các đại lý lớn thì loại hàng bán chạy nhất là mì tôm, gạo, dầu ăn, nước mắm, đường... do một số DN, cơ quan mua để đi thăm, tặng quà các hộ nghèo trong dịp Tết.
Chị Phan Thị Oanh, nhân viên ngân hàng cho biết, năm nay do kinh tế khó khăn, thu nhập của chị và các nhân viên hằng tháng cũng bị giảm khoảng 30% so với trước, còn Tết này cũng “chưa nghe nói gì” nên chị cũng phải dè sẻn trong mua sắm. Trước mắt, chị chọn mua vài thứ thiết yếu không thể thiếu trong dịp Tết như ít bánh mứt, hạt dưa, vài thứ củ, quả làm dưa món, vài cân thịt bỏ vào tủ lạnh… còn sau đó nếu có tiền sẽ tính tiếp. Chị Vân, công chức văn phòng cũng tính toán theo kiểu “liệu cơm, gắp mắm”.
Nhà chỉ có 2 vợ chồng, 2 đứa con, việc chuẩn bị Tết cũng không phải suy nghĩ nhiều, tuy nhiên, với tính cẩn thận, chị cũng bắt đầu cho việc mua sắm từ vài ngày trước. Đầu tiên là quần áo mới cho cả nhà. Theo chị thì năm nay quầo áo, giày, dép khá phong phú, giá cũng không tăng nhiều, đắt nhất thì chỉ các loại quần áo trẻ em, có bộ tới mấy trăm ngàn đồng, có khi còn đắt hơn cả đồ người lớn. Biết là vậy nhưng vẫn phải mua vì cha mẹ luôn dành con “những gì tốt đẹp nhất”.
Điều quan tâm tiếp theo của chị Vân là thực phẩm, từ ngày 20 tháng Chạp, ngoài thức ăn hằng ngày, chị bắt đầu mua dự trữ thịt, cái thì để dầm mắm, cái thì bỏ tủ lạnh, cái thì làm giò thủ. Chị mua mỗi ngày một ít và chỉ chọn những miếng vừa ý, tuy nhiên giá cả cũng bắt đầu đầu tăng, mấy hôm trước thịt mông chỉ có 90 ngàn đồng/kg thì đến hôm nay đã lên khoảng 100 ngàn đồng/kg. Chị Vân cho là giá tăng chút ít có thể chấp nhận được vì... Tết mà, tuy vậy chị cũng tranh thủ mua sớm vì sợ đến cận Tết giá còn tăng nhiều nữa. Nhìn chung các loại thịt heo, bò những ngày này giá đã tăng so với bình thường từ 10-20 ngàn đồng/kg.
Những người bán hàng mong có khách đi sắm Tết. |
Ngược với các loại hàng nhu yếu phẩm, thực phẩm, mặt hàng rau xanh, củ quả giá lại giảm do đang vào vụ. Giá 1 cái súp lơ nặng khoảng gần 1kg trước đây giá 15 ngàn đồng thì nay chỉ còn 10 ngàn đồng; rau xà lách khoảng 10 ngàn đồng/kg, các loại rau thơm, hành ngò, rau cải cũng giảm giá khoảng 30% so với tháng trước. Tuy vậy, sức mua các loại hàng này không tăng, thường thì người ta mua về dùng hàng ngày vì không để lâu được.
Do sức mua chưa tăng nên những ngày này đi chợ, các khách hàng đang ít nhiều cảm thấy mình đúng là “thượng đế”, được những người bán hàng mời chào, chiều chuộng, sẵn sàng giới thiệu, tư vấn những loại hàng mới, mẫu mới, chất lượng tốt, giá cả phải chăng... Tuy nhiên, không phải ai cũng có điều kiện để lội chợ, sắm Tết sớm bởi còn phụ thuộc vào công việc, nhất là tiền lương, tiền thưởng.
Công chức thì chờ nhận lương tháng 2, chờ tiền thành phố, tiền cơ quan cho Tết, còn người lao động, người buôn bán thì tranh thủ những ngày giáp Tết việc nhiều, thu nhập cao nên cũng chưa có thời gian đi chợ. Tết đã cận kề, mỗi người sẽ sắm Tết theo cách riêng của mình, theo hoàn cảnh của mình, dù sung túc hay đạm bạc nhưng ai cũng mong muốn đem lại những giây phút hạnh phúc cho những người thân của mình trong mùa xuân mới.
K.Thanh