Sức sống mới của người dân nông thôn
Với người dân vùng nông thôn Hòa Vang (TP Đà Nẵng), những gian khó ban đầu giờ chỉ còn trong ký ức. Nhiều vùng đất của một thời mưa bom, lửa đạn nay đã hồi sinh, cùng với bàn tay khối óc của mình, họ đã biến những vùng đất hoang vu, xác xơ ngày nào trở thành những làng quê ấm no, trù phú. Cùng với đó, một nhịp sống năng động, sáng tạo mới với nhiều công trình được đầu tư xây dựng như: Khu phố chợ Hòa Phong, Khu dân cư Nam cầu Cẩm Lệ, Khu nhà vườn Hòa Ninh. Các tuyến ĐT602, ĐT605, ADB5 trở thành những phố mới rộng thênh thang; cầu Sông Yên (xã Hòa Phong - Hòa Tiến), Tà Lang - Giàn Bí (xã Hòa Bắc), Diêu Phong (xã Hòa Nhơn - Hòa Phú), Trường Định (xã Hòa Liên) đã kết nối đôi bờ, tạo thuận lợi cho người dân vùng sâu, vùng xa sinh hoạt, sản xuất.
Đường làng thông thoáng, thuận lợi cho việc sinh hoạt, sản xuất của người dân nông thôn. |
Tiếp tục thành quả ấy, các dự án đường Vành đai phía Nam, đường cao tốc La Sơn - Túy Loan, đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi khi đưa vào sử dụng sẽ góp phần tạo thêm động lực cho Hòa Vang phát triển, xứng tầm với đô thị... "Diện mạo nông thôn thay đổi quá nhiều, người dân chúng tôi tưởng như một giấc mơ. Có chăng, đây là một giấc mơ có thật, một giấc mơ có hậu cho những người không cam chịu đói nghèo. Từ một vùng đất còn đầy dẫy khó khăn, chỉ sau 22 năm TP Đà Nẵng trực thuộc Trung ương, Hòa Vang đã đạt được nhiều thành tựu trên các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh và các chính sách an sinh xã hội khác", lão nông Trà Văn Sinh (thôn La Châu, xã Hòa Khương) khẳng định.
Nói đâu xa, cuối năm 2009, người dân thôn Bắc An, Thạch Bồ (xã Hòa Tiến) muốn đi thăm người thân ở xã giáp ranh Hòa Phong thì phải bơi ghe qua sông Yên rộng chừng 50m. Học sinh theo học ở Trường THPT Ông Ích Khiêm, hay việc lưu thông nông sản qua chợ Túy Loan... tất cả đều phải di chuyển bằng đò. Ông Nguyễn Hoanh (thôn Bắc An) kể lại, khi nghe tin khởi công xây dựng cầu qua sông Yên, các cụ già trong thôn "sướng" lắm, rỗi rảnh là chống gậy ra bến đò "đếm" từng ngày "chờ" cây cầu mới hoàn thành. Bởi bao đời nay, người dân trong thôn luôn phải đối mặt với khó khăn. Mỗi mùa mưa lũ, nước bao bọc xung quanh nên việc học của con em họ phải gián đoạn. Còn theo già làng Cơ Tu Trần Văn Phớt (thôn Tà Lang, xã Hòa Bắc), chừng 20 năm trước, người dân ở miền núi này, mọi sinh hoạt trong nhà đều diễn ra dưới bóng đèn dầu.
Vậy mà nay, nhà ai cũng có điện thắp sáng và còn sử dụng điện để phục vụ sản xuất nữa... "Từ khi địa phương triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), đời sống mọi mặt được nâng lên nhiều lắm. Cái ăn thì từ lâu, không phải nghĩ tới nữa, còn đời sống tinh thần cũng đang dần dần nâng lên. Đường sá thì khang trang, có điện thắp sáng, có trường học cho mấy đứa nhỏ khỏi phải đi xa, có trạm y tế áp dụng được các tiến bộ kỹ thuật... Từ trong cái nghèo, cái khó người dân đã cần mẫn tìm tòi, học hỏi và phát triển thành công các mô hình sản xuất. Kinh tế nhiều gia đình khá hẳn lên, các con ăn học thành đạt. Nông thôn mà được như vậy là hạnh phúc lắm rồi!", ông Hoanh cho biết thêm.
Nhiều năm trở lại đây, đến bất cứ nơi đâu, chúng tôi cũng đều nghe nông dân xôn xao chuyện làm ăn, trồng cây gì, nuôi con gì và cả những thuận lợi, khó khăn. Người thì nuôi cá nước ngọt theo mô hình trang trại, ao vườn, người thì phát triển chăn nuôi gia súc, mở rộng diện tích giống cây trồng, đặc biệt là đầu tư các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao... Nhiều người dân thôn An Châu (xã Hòa Phú) xác nhận, khi địa phương triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM cùng nhiều chính sách ưu đãi cho hộ nghèo như thêm một sức sống mới, 85 hộ dân với 350 nhân khẩu nơi đây mạnh dạn cải tạo vườn tạp, thay đổi tập quán canh tác. Đất đồi, đất vườn được tận dụng phát triển sản xuất. Bây giờ ở thung lũng miền núi này đã có nhiều hộ nuôi cá nước ngọt với diện tích mặt nước 6ha, thu lãi bình quân từ 50-70 triệu đồng/năm; 16 hộ trồng hơn 2ha thanh long ruột đỏ; 30 hộ làm nghề ươm giống cây trồng với thu nhập mỗi năm hơn 100 triệu đồng và giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương; đàn trâu, bò, dê trong thôn cũng lên gần 600 con. Từ 30 hộ nghèo phải thường xuyên cứu đói trước đây, hiện không còn hộ nghèo, không còn lo chuyện thiếu ăn, thiếu mặc nữa...
Bất chấp thời tiết khắc nghiệt, người nông dân vẫn trụ bám chăm sóc vườn hoa phục vụ Tết. |
Theo Bí thư Huyện ủy Hòa Vang Trần Văn Trường, không phải chỉ khi có Nghị quyết "Tam nông" và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, huyện mới ưu tiên cho công tác xây dựng kết cấu hạ tầng mà trước đó, huyện đã tập trung mọi nguồn lực đầu tư cho phát triển giao thông nông thôn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi, xây dựng các mô hình kinh tế trang trại, cơ giới hóa sản xuất để từng bước cải thiện cuộc sống người dân. Hòa Vang có được diện mạo như hôm nay là cả một câu chuyện dài, không chỉ giải quyết trong một sớm, một chiều. Song, cốt lõi vẫn là làm thế nào để nâng cao chất lượng cuộc sống của người nông dân, nông nghiệp phát triển bền vững, bộ mặt nông thôn đổi mới, đô thị văn minh mà vẫn giữ được những nét văn hóa truyền thống...
Ngày nay, trong công cuộc chỉnh trang, Hòa Vang là vành đai xanh để nới rộng không gian địa giới cho TP về phía Tây. Nói điều đó để thấy rằng, Đà Nẵng mở rộng không gian đô thị thì Hòa Vang nhanh hơn trong việc đô thị hóa nông thôn mà bằng chứng là bằng nhiều cách làm đầy sáng tạo, quyết liệt, nên chỉ sau 8 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, Hòa Vang đã trở thành một trong những huyện NTM đầu tiên của cả nước. Bộ mặt nông thôn vùng ven này đổi thay rõ rệt, đời sống người dân ngày càng được nâng lên. Nếu năm 2010 thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 15 triệu đồng/năm thì đến năm 2018 đạt hơn 47,7 triệu đồng/người/năm... Về Hòa Vang những ngày này, đi, tìm hiểu và nghe cư dân địa phương kể chuyện đã đọng lại trong chúng tôi biết bao niềm vui, người nông dân đã bước đầu làm chủ được xu hướng sản xuất, duy trì mô hình kinh tế bền vững. Song, cái chính là họ biết suy tính, chịu khó "dầm mưa, dãi nắng" gắn bó với ruộng vườn, mạnh dạn phá bỏ nếp nghĩ cũ và biết tích lũy, thể hiện tinh thần vì xóm làng, vì vùng đất mình đang sống.
VY HẬU