Sức sống mới ở một xã vùng trung du Hòa Vang

Thứ hai, 30/09/2019 15:35

Sau gần 10 năm triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), vùng trung du Hòa Khương (H. Hòa Vang, TP Đà Nẵng) đã có sự chuyển biến nhanh chóng và rõ rệt, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Chương trình đã bao phủ toàn diện về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, không những góp phần thay đổi bộ mặt làng quê mà còn thay đổi nhận thức của hệ thống chính quyền cơ sở và người nông dân trong nỗ lực chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, tăng thu nhập, vươn lên làm giàu...

Giao thông nông thôn là tiêu chí nổi bật trong xây dựng NTM ở xã Hòa Khương.

Trước đây, thôn Phú Sơn Nam còn nhiều hộ nghèo và chưa thay đổi như bây giờ. Vì đây là thôn phần lớn đất sản xuất pha cát nằm ven sông Yên, đường sá đi lại lầy lội, nên cuộc sống của người dân gặp không ít khó khăn. Cây trồng chủ lực vẫn là cây lúa, bắp, đậu nhưng năng suất rất thấp. Từ khi chương trình xây dựng NTM triển khai, nhiều cơ sở hạ tầng, giao thông nội đồng được đầu tư xây dựng đã tạo niềm tin và động lực để người dân đầu tư chuyển đổi giống cây trồng, con vật nuôi cùng thi đua sản xuất, cải thiện nguồn thu nhập.

"Đến nay, gần 6ha đất lúa bạc màu trong thôn được chuyển đổi thành mô hình sản xuất các loại rau ăn quả ứng dụng công nghệ "sạch". Chúng tôi vui vì địa phương còn có chính sách khuyến khích, hỗ trợ nông dân chuyển đổi giống mới, giống cây trồng cho thu nhập cao hơn, như: hỗ trợ về giống, một phần phân bón, hệ thống tưới tự động. Cuộc sống người dân trong thôn được cải thiện nhiều, thu nhập cũng tăng cao nên họ chủ động góp công, góp của làm những con đường khang trang, sạch đẹp nối liền từ thôn xóm ra tận các cánh đồng", Trưởng thôn Trần Văn Giáo phấn khởi bộc bạch.

Được biết, Hòa Khương có xuất phát điểm rất thấp. Nếu như đầu năm 2011 chỉ mới đạt 5 tiêu chí (điện, bưu điện, y tế, văn hóa, an ninh trật tự) thì đến cuối năm 2014 đã đạt 19/19 tiêu chí và được công nhận xã đạt chuẩn NTM giai đoạn 2011-2015. Để có được niềm tin, chung sức xây dựng NTM của người dân, một trong những yếu tố không thể thiếu của địa phương là thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở gắn với việc xây dựng mô hình dân vận khéo trong vận động nhân dân hiến đất, mở đường đầu tư cơ sở hạ tầng; từ đó tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong nhân dân. Theo ông Cao Phán - Bí thư chi bộ thôn Phú Sơn 1, một trong những nguyên nhân người dân quê ông trước đây còn nghèo khó chính là giao thông đi lại khó khăn. Điều đáng ghi nhận trong phong trào hiến đất mở đường là người dân đều vô tư hiến đất, phá dỡ trường rào, cổng ngõ mà không mảy may toan tính thiệt hơn. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đã thấy được ý thức tự nguyện của người dân trong việc thay đổi nhận thức về xây dựng NTM như thế nào… "Có được những thành quả như hôm nay là nhờ sự đồng thuận "ý Ðảng - lòng dân", thể hiện trong việc chính quyền các cấp đã vận dụng sáng tạo phương châm "lấy sức dân để lo cho dân"; dân làm có sự hỗ trợ của Nhà nước, thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở để dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và là người thụ hưởng", ông Phán cho biết thêm.

Mô hình nuôi cá nước ngọt mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân vùng trung du. 

Tuy nhiên, do yêu cầu của Bộ tiêu chí xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020 đòi hỏi cao hơn nên sau khi rà soát, Hòa Khương còn một số tiêu chí đạt chưa bền vững. Với tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng NTM giai đoạn nâng cao hơn 123 tỷ đồng, trong đó, ngân sách Nhà nước 78 tỷ đồng, nhân dân đóng góp gần 44 tỷ đồng… địa phương tiếp tục đầu tư, hoàn thiện 100% cơ sở hạ tầng giao thông, như thảm nhựa, bê-tông kiên cố 18,6km đường liên thôn, liên xã; mở rộng 38,6km đường bê-tông kiệt hẻm, nội đồng và lắp đặt hệ thống chiếu sáng. Đến nay, Hòa Khương có 100% Nhà văn hóa - khu thể thao thôn được xây dựng khang trang; tỷ lệ nhà ở đạt chuẩn 100%; 100% hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh và nước sạch; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,09%; số người có việc làm trên số dân trong độ tuổi lao động có khả năng tham gia lao động là hơn 93%; thu nhập bình quân đầu người gần 44 triệu đồng/năm (tăng 3,65 lần so với năm 2010)… Bên cạnh đó, địa phương còn tập trung phát triển sản xuất hiệu quả nhằm góp phần nâng cao đời sống nhân dân, đặc biệt ở lĩnh vực nông nghiệp; trong đó, thực hiện tốt công tác chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển giao khoa học - kỹ thuật; củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ hợp tác, hợp tác xã và nhân rộng, phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả như nuôi cá nước ngọt, xây dựng các vùng chuyên canh sản xuất, liên kết tiêu thụ rau an toàn và phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững.

Chủ tịch UBND xã Hòa Khương Nguyễn Chí Trí chia sẻ, người dân hài lòng, đồng thuận, đó vừa là động lực vừa là mục tiêu của NTM. Chính vì vậy trong suốt quá trình thực hiện, việc khảo sát sự hài lòng của người dân là việc làm rất quan trọng đối với các đội ngũ chỉ đạo từ xã cho đến cơ sở. Kết quả xây dựng NTM ở địa phương cho thấy đây là chủ trương được nhân dân đồng tình, hưởng ứng tích cực. Khi triển khai thực hiện, Ban chỉ đạo Xây dựng NTM xã đã nhận thức đúng đắn, sâu sắc mục tiêu cuối cùng của NTM là nâng cao đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của nông dân và dân cư nông thôn, tăng trưởng nông nghiệp bền vững, tạo diện mạo mới cho nông thôn… "Mặc dù địa phương đã đạt chuẩn NTM giai đoạn nâng cao vào năm 2019, nhưng chúng tôi sẽ không thỏa mãn dừng lại ở việc giữ vững 19 tiêu chí đó mà phải nỗ lực, phấn đấu khắc phục những hạn chế, khuyết điểm để chương trình xây dựng NTM thời gian đến tiếp tục phát triển, mang lại nhiều lợi ích thiết thực hơn nữa cho người dân và địa phương", ông Trí cho biết thêm.

VY HẬU