Sức sống văn chương Hoàng Phủ Ngọc Tường

Thứ năm, 30/10/2014 08:10

(Cadn.com.vn) - Thật may mắn và hạnh phúc là Hoàng Phủ Ngọc Tường đã vượt qua được cơn tai biến hiểm nghèo để  được tiếp tục đến với độc giả cả nước trong suốt 15 năm nay. Khi bên chiếu rượu ngồi nghe anh Tường nói, khi đọc bút ký, nhàn đàm, thơ của anh, hay những lần được nghe các "cua" ngoại khóa sâu sắc về nhân văn và nghề văn, tôi biết rằng, trên hành trình văn chương thăm thẳm của mình, có một phần "học lỏm" được từ Hoàng Phủ. Văn chương Hoàng Phủ Ngọc Tường là mạch vỉa than đá cung cấp nguồn năng lượng cho tâm hồn con người.

Chân dung Hoàng Phủ Ngọc Tường
(Đinh Cường vẽ)

Trong bút ký, Hoàng Phủ đã phát hiện ra nhiều giá trị nghệ thuật mới mẻ, đẹp đến nao lòng,  nhân ái tràn ngập từng trang viết, chia sẻ, cầm tay con người đứng vững trên mảnh đất nghèo đói đầy tang thương chiến tranh của xứ sở. Trong thơ, bằng cái tôi mạnh mẽ đó, Hoàng Phủ đã đào sâu đến mạch vỉa của nỗi buồn và hư vô, làm cho những hình tượng thơ có sức bám vào tâm khảm con người. Anh Tường là người có kiến thức uyên bác về nhiều lĩnh vực triết học, lịch sử, chính trị, địa lý, văn hóa, văn học... Anh lại là người ham đọc sách, hay suy tư nghĩ ngợi và ham đi, ham chơi, nên tôi và Nguyễn Trọng Tạo hay gọi anh Tường là "nhà hiền triết cũ còn sót lại".

Nhờ kiến thức uyên thâm đó mà Hoàng Phủ soi sáng được dưới nhiều góc nhìn khác nhau những vấn đề mà mình quan tâm, từ đó chiết ra được những ý nghĩa mới, giá trị hình tượng mới, cái mà anh Tường gọi là sự hư cấu trong bút ký. Trong tập 3, Tuyển tập Hoàng Phủ Ngọc Tường  có đăng bút ký Bùi Giáng trong tôi  rất hay. Anh Tường viết bút này ký tháng 12-1998 tức là chỉ 4 tháng sau khi qua khỏi cơn hôn mê 2 tháng ở Đà Nẵng, vừa mới ra viện. Lúc đó anh đang đau đớn dữ dội, mắt anh chưa đọc tạm được như bây giờ; khi viết thì nằm trên giường đọc cho cô bé giúp việc tên là Thơm, cháu Ni hoặc Mỹ Dạ chép. Thế mà trong bút ký đó anh đã dẫn từ trí nhớ của mình đến  50 câu thơ hay của Bùi Giáng, chưa kể đến những chi tiết kỷ niệm.

Kể một chi tiết nhỏ như thế để nói rằng Tường là một cuốn từ điển sống về tri thức quả không ngoa. Tường cũng là người chăm đi, chăm ghi. Đọc bút ký, nhàn đàm, thơ của Tường ta biết được những địa danh anh đã đến Từ Rừng Hồi Lạng Sơn đến Đất Mũi, từ Núi Bài thơ Hạ Long đến Tháp Mười, từ Phố Con Mèo Câu cá ở Paris đến Trời Điện Biên mây trắng... Tường rong chơi với Hoài Vũ ở Vàm Cỏ Đông; lang thang cùng Trịnh Công Sơn khắp xó xỉnh Sài Gòn; la cà dọc  Quảng Trị, Tây Nguyên với Giáo sư Trần Quốc Vượng, Phùng Quán, Nguyễn Trọng Huấn, Nguyễn Trọng Tạo... Hoàng Phủ Ngọc Tường  hay nói mình là người ham chơi. Anh có hẳn một cuốn sách nhàn đàm tên là Người ham chơi. Ở Huế, khi chưa bị bệnh dường như lúc nào anh cũng có mặt bên chiếu rượu với bạn bè từ rừng tới biển, từ bắc chí nam. Uống thì ít mà nói thì nhiều, đủ chuyện Đông, Tây, Kim, Cổ. Mà nói rất hay. Anh nói như thốt lên những suy ngẫm của mình về cuộc sống mà anh vừa phát hiện ra.                 

Thơ Tường là cái thốt lên chứ không phải là cái được viết ra. Là người làm thơ, đọc thơ anh Tường, tôi biết anh không hề có ý định cách tân hình thức hay ngôn ngữ thơ. Thơ anh là sự giải bày những bức xúc tâm trạng, viết để giải tỏa. Vì thế mà anh vẫn giữ những thể thơ cổ điển truyền thống của dân tộc như lục bát, năm chữ, sáu chữ, tám chữ. Thậm chí trong thơ anh dùng rất nhiều chữ sáo, cũ mà từ lâu đã vắng dần trong ngôn ngữ thơ. Có chuyện vui, hồi anh chưa bị bệnh, có lần nhậu ở một nhà hàng, tôi và  Nguyễn Trọng Tạo đã " chê" thơ Tường cũ, anh không phản ứng gì, chỉ buồn buồn, trầm ngâm suy nghĩ. Đến khi cô chủ quán xinh đẹp mời anh đọc thơ thì anh "lẫy": "Mình không đọc nữa, thơ  dở đọc ra ngượng chết!".

Nói là nói thế, nhưng tôi bao giờ cũng rất thích những vẻ đẹp huyền bí trong thơ Hoàng Phủ. Đó là vẻ đẹp thần thái, từ sự ngất ngưỡng thi sĩ và tri thức uyên bác. Anh Tường viết: "Than đá là quá khứ của Trái đất, nhưng than đá không bao giờ cũ, nó bị dồn nén cồn cào trong lòng đất và luôn đòi bốc cháy!".  Đó chính là văn chương Hoàng Phủ. Đó cũng là mạch vỉa, là hồn vía của thơ, chứ không phải là thứ ngôn từ "làm ra vẻ bí hiểm", lối nói đại ngôn hay cấu trúc rắc rối... mà không ít bạn làm thơ trẻ hiện nay đang ngộ nhận là hiện đại! Cái hiện đại nhất, sâu sắc nhất chính dễ đi vào lòng người nhất!      

    Bỏ quên đôi cánh trên trời

   Em về mặt đất làm loài phù du

  Tưởng cho ta cả thiên thu

 Hóa ra một chút sương mù trên tay.

Vâng, đó chính là linh cảm về phận người trong  cõi đi về. Đó là vẻ đẹp huyền bí của cõi hư vô. Mỗi lần đọc lại các tác phẩm của Tường, ta lại phát hiện ra lấp lánh những tầng nghĩa mới, những vẻ đẹp mới hiện ra từ tâm thức nhờ sự bốc cháy của những mạch vỉa than đá ấy. Hoàng Phủ Ngọc Tường đã được Nhà nước tặng Huân chương Độc Lập,  tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật, nhưng có lẽ giải thưởng lớn nhất là văn chương của anh đã khắc tạc trong lòng độc giả.

Ngô Minh