Suối ngàn và biển khơi

Thứ tư, 01/06/2016 10:06

(Cadn.com.vn) - 1. Trên quãng đường từ Cửa Tùng về lại thị trấn Cửa Việt trong buổi chiều êm ả, Đàm Truyền Uyên Ly-cán bộ Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và phát triển Việt Nam chi nhánh tỉnh Quảng Trị, truyền sang tôi mối nhiệt tâm và sự am hiểu đối với nghề đi biển của những ngư dân đang được đóng mới tàu vỏ thép có công suất, sức chứa lớn và hứa hẹn rất nhiều niềm vui. Khi ấy, câu chuyện về việc ngư dân đóng tàu vỏ thép bằng vốn vay từ Ngân hàng hệt như một bản hành khúc ra biển được Uyên Ly hát lên trước muôn trùng sóng vỗ. Ca từ của bản hành khúc ấy là những thông số kỹ thuật của mỗi con tàu vỏ thép trị giá trên 15 hay 22 tỷ đồng có “quả tim” là máy chính do Nhật Bản sản xuất, vàng lưới dài hơn 10 nghìn mét, máy dò cá 3600 cùng nhiều trang thiết bị thông tin liên lạc và cứu sinh hiện đại. Giai điệu của bản hành khúc ấy là giọng kể sôi nổi của Uyên Ly rót qua tôi biết mấy ngỡ ngàng, trong lần đầu đưa tay chạm vào thân tàu vỏ thép sừng sững trên bến cảng Cửa Việt trước tiếng cười phóng khoáng của những con người đang gợi nhắc câu thơ: “Biển cho ta cá như lòng mẹ/ Nuôi lớn đời ta tự buổi nào” (Đoàn thuyền đánh cá-Huy Cận)...

Đàm Truyền Uyên Ly (phải) và chủ tàu vỏ thép của anh Đoạn Văn Dũng.

2. Còn nhớ, lễ hạ thủy con tàu vỏ thép 829 CV của ngư dân Trần Việt Hùng ở thôn Bắc Sơn, xã Trung Giang, H. Gio Linh do Công ty Cổ phần Cơ khí đóng tàu thủy Việt Nam tại Hải Phòng tổ chức vào cuối năm 2015 diễn ra trong cái lạnh cắt da của đợt rét đậm 60C. Và, một trong những điều mà người vợ chất phác, hồn hậu của anh Hùng ghi nhớ từ lễ hạ thủy đặc biệt quan trọng đối với gia đình mình hôm ấy là hình ảnh và tinh thần của Uyên Ly trong lời kể ngập tràn niềm cảm kích: “Khi nớ, hai chị em như sắp sửa bị đóng băng nên phải nhảy va-xi-lông để chân tay không bị cứng lại vì lạnh trên bờ biển Hải Phòng. Mặc dù vóc người nhỏ rứa, xinh đẹp rứa và quen ở trong phòng làm việc có máy điều hòa nhiệt độ của Ngân hàng nhưng chị Ly vẫn chịu khó ở bên cạnh để động viên và chúc mừng vợ chồng em trong cái lạnh thấu xương ở cảng biển từ lúc trời chưa sáng cho tới hết lễ hạ thủy con tàu”. Tôi hiểu những tầng cảm xúc như sóng Biển Đông của người chồng đã hơn hai mươi năm ra khơi đánh bắt cá ở Hoàng Sa bằng tàu gỗ có công suất nhỏ nên người vợ của anh luôn thường trực tâm trạng hồn treo cột buồm cho đến những khấp khởi khi đón nhận Nghị định 67. Uyên Ly đã bước vào cuộc sống của những con người hàng mấy mươi năm nối nghiệp cha ông, gắn bó với đời ngư phủ như vợ chồng họ và các anh Dũng, Trọng, Chiến, Tứ, Lạng, Tuấn,... ở Cửa Tùng, Cửa Việt, Gio Việt, Gio Hải từ độ ấy để hướng dẫn, tư vấn hỗ trợ tiếp cận vốn vay theo quy định trong sự tường tận, sẻ chia với nguyện vọng thiết tha là họ sẽ có tàu to máy lớn thỏa chí vươn khơi, bám biển dài ngày giữa bao la giàu có, hào phóng và thử thách của đại dương. Cách làm việc của Uyên Ly với các ngư dân được vay vốn từ Ngân hàng để đóng mới tàu gỗ, tàu vỏ thép theo Nghị định 67 là chủ động về vùng biển, vào từng ngôi làng trực tiếp tiếp cận ngư dân để nói rõ nội dung và tinh thần của Nghị định, hướng dẫn các bước lập hồ sơ vay vốn và làm hợp đồng tín dụng, hỗ trợ thông tin về phê duyệt thiết kế tàu, tư vấn lựa chọn nhà máy đóng tàu phù hợp,... đã làm cho những ngư dân quen ăn sóng nói gió tin tưởng và cảm mến chân thành. Họ bảo “chị Ly làm việc nghiêm túc mà vẫn thân mật, nhẹ nhàng, tận tình mà không “đòi hỏi chi”.

Nghe Ly nói với bà con: “...Có tàu vỏ thép, ngư dân của mình được lợi nhiều lắm, đi biển khác trước nhiều lắm, đặc biệt là cuộc đời ngư phủ ở nước mình rồi sẽ bớt hẳn những khó nhọc nhờ tàu to máy lớn vượt sóng cả gió mạnh và cho thu nhập cao hơn”, cứ ngỡ cô không còn là một nữ nhân viên ngân hàng duyên dáng, xinh đẹp  mà là một ngư dân thực thụ. Và, trong khoảnh khắc ùa về của câu ca “bình minh cửa biển đã sáng đầy thuyền, lòng ta như say trời biển hôm nay rộng cánh chim bay, thuyền ta với biển gắn bó trọn đời”, gương mặt Ly ánh lên vẻ đẹp quang rạng, ân tình trước bao cuộc đời ngư phủ.

Đàm Truyền Uyên Ly (thứ 3 từ phải sang) và các chủ tàu vỏ thép
ở thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh, Quảng Trị.

3. Trước con tàu đánh cá vỏ thép nghề lưới rê mang ký hiệu thiết kế LR-01-BNN (V040M.QRT) và biển kiểm soát QT 90999 TS có công suất 822 CV của anh Đoạn Văn Dũng đang chuẩn bị hạ thủy ở cảng Cửa Việt, Uyên Ly giúp tôi hiểu về nguồn gốc và ngữ nghĩa của từ đặt ky tàu thủy, thế nào là mớn nước, là lễ hạ thủy, là chạy thử tải đường dài... Rồi thế nào là tàu cá làm nghề lưới rê bùng nhùng hay nghề lưới vây rút chì, nghề vây mạn, nghề lưới chụp...”Cũng như gia đình tui, các con tàu mơ ước của gia đình mấy anh em ở đây đang trở thành hiện thực, rồi đây tụi tui sẽ đi biển xa hơn ngoài Hoàng Sa và Trường Sa, những nơi biển có độ sâu lớn mà hồi còn đi nôốc gỗ, tàu gỗ 90 CV hay 370 CV không ra tới được để đánh bắt cá nhiều hơn, có thể thu về hàng trăm triệu đồng mỗi tàu trong mỗi chuyến đi biển chừng mười lăm ngày thì sẽ sớm hoàn trả được vốn vay Ngân hàng. Ngoài ra, đi tàu vỏ thép hiện đại như ri thì anh em ngư dân Cửa Việt sẽ có điều kiện cùng ngư dân các nơi khác bám biển dài ngày, cùng nhau bảo vệ biển đảo của đất nước, quê hương Việt Nam mình”-anh Dũng thổ lộ.

Bên tiếng sóng vỗ về thân tàu, nụ cười rất xinh của Uyên Ly ánh lên niềm vui giữa những hân hoan của nhiều ngư dân đang tề tựu với nhiều hy vọng, khát khao, ước hẹn với đại dương và với cuộc sống sẽ ngày càng giàu đẹp. Cùng với rất nhiều người nơi đây, tôi hiểu, con tàu và biển khơi là tình yêu vĩnh hằng của những cuộc đời ngư phủ nên ngay từ chuyến ra khơi đầu tiên trên con tàu vỏ thép của mình, những ngư dân Cửa Tùng, Cửa Việt sẽ cùng nhau viết tiếp bản hành khúc ra biển chan chứa ân tình, nặng lời nước non và tâm thức của những người con đất Việt đã và đang giữ cõi, xây nhà bên bờ sóng Biển Đông từ hơn bốn ngàn năm... Và, trong bản hành khúc ấy có những nốt nhạc được viết bằng tâm sức của những con người mà trong hôm qua và hôm nay mang sứ mệnh tiếp sức ngư dân làm giàu từ biển như Uyên Ly, như muôn vàn dòng suối nhỏ ở chốn đại ngàn muôn đời góp mình làm nên biển khơi rộng lớn.

Bút ký: Bội Nhiên