Syria - “cuộc xung đột” Nga – Mỹ

Thứ bảy, 29/06/2013 15:24

(Cadn.com.vn) - Hai ông lớn thế giới Nga – Mỹ vẫn chưa thể đi đến một thỏa thuận về ngày tổ chức Hội nghị Hòa bình về Syria (Genève 2) - vốn được mong chờ là chìa khóa mở cánh cửa hòa bình cho quốc gia Trung Đông này.

Mâu thuẫn Nga-Mỹ về Syria hiện sâu sắc như thế nào? Một bức ảnh từ Hội nghị Thượng đỉnh G8 gần đây ở Bắc Ireland đã nói lên tất cả - hai nhà lãnh đạo, mặt ủ rũ trên ghế; Tổng thống Barack Obama cắn môi trong khi người đồng cấp Vladimir Putin nhìn chằm chằm xuống sàn nhà.

Hình ảnh này nhấn mạnh mối quan hệ ngày càng căng thẳng giữa hai cựu thù thời Chiến tranh Lạnh vốn luôn khó có thể đạt được thỏa thuận về một loạt các vấn đề cao cấp từ Syria cho đến Iran và mới đây nhất là vụ trốn chạy của “kẻ bán đứng” Nhà Trắng Snowden đến Nga song ông chủ Điện Kremlin từ chối dẫn độ.

Hy vọng mờ dần

Washington và Moscow nỗ lực rất nhiều kể từ ngày cùng nhất trí tổ chức hội nghị Genève 2.

Trọng điểm của hội nghị là làm sống lại kế hoạch được thông qua năm ngoái cũng tại “Genève 1”. Tại thời điểm đó, Washington và Moscow đồng ý thiết lập một chính phủ chuyển tiếp, nhưng để ngỏ câu hỏi liệu ông Assad có thể tham gia vào quá trình này hay không. Mỹ cũng như quân nổi dậy Syria hiện nói rằng, ông Assad và gia đình không nên tham gia trong chính phủ chuyển tiếp, mặc dù Nga cho biết sẽ không có điều kiện như vậy trong các cuộc đàm phán.

 

 

 Xe tăng chính phủ vào Qusayr – nơi chiến sự diễn ra ác liệt. Ảnh: Reuters

Nhưng hy vọng về thành công của hội nghị này đang mờ dần. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov ban đầu tuyên bố sẽ cố gắng kéo cả phe chính phủ và quân nổi dậy ngồi vào bàn đàm phán vào cuối tháng 6 này. Nhưng... ngày hội nghị cứ trượt dài. Đầu tiên là tháng 6, sau đó đến tháng 7 và đầu tuần này, Đặc phái viên Lakhdar Brahimi bác bỏ khả năng tổ chức hội nghị này trước tháng 8.

Trong khi đó, vẫn còn quá nhiều khúc mắc để các bên có thể cùng ngồi lại bàn đàm phán Genève 2, trong đó quan trọng nhất là việc liệu đồng minh Iran của Tổng thống Assad có nên tham gia hay không. Moscow nhất trí việc này nhưng phương Tây kiên quyết phản đối.

Triển vọng ngoại giao rơi vào bế tắc

Giới quan sát chính trị dự đoán, sự sụp đổ của kế hoạch hội nghị hòa bình của ông Kerry sẽ làm tăng áp lực buộc Tổng thống Obama gửi vũ khí nhiều hơn cho phe nổi dậy Syria.

Theo báo WSJ hôm 27-6, Mỹ đang chuyển vũ khí cho phe nổi dậy Syria thông qua Jordan, mở rộng sự ủng hộ của Washington đối với các lực lượng chống lại Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Theo nguồn tin này, Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) bắt đầu chuyển vũ khí nhỏ, đạn dược và có thể cả súng chống tăng từ các kho bí mật tới Jordan và có kế hoạch bắt đầu vũ trang cho các nhóm nhỏ những chiến binh nổi dậy kỳ cựu của Syria trong vòng một tháng.

Việc lô vũ khí này đến kịp thời sẽ cho phép phe nổi dậy tiến hành cuộc tấn công phối hợp, bắt đầu vào đầu tháng 8 tới. Động thái này của Mỹ còn nhằm mục đích thúc đẩy các đồng minh Châu Âu và Arab chuyển vũ khí cho phe nổi dậy Syria. Saudi Arabia cũng đang có kế hoạch cung cấp vũ khí phòng không cho lực lượng đối lập Syria. Tuy nhiên, các thủ lĩnh nổi dậy Syria cho biết họ cần vũ khí vào lúc này vì thời điểm tháng 8 sẽ là quá muộn để sử dụng lô vũ khí mới cho cuộc chiến then chốt sắp diễn ra nhằm giành giật thành phố “tử địa” Aleppo.

Nhiều người cho rằng, bế tắc của hội nghị hòa bình lần này càng làm nổi bật sự bất lực của LHQ và đặc phái viên Brahimi, người liên tục tuyên bố muốn từ chức như người tiền nhiệm, cựu Tổng Thư ký LHQ Kofi Annan. Ông Annan rời vị trí này năm ngoái trong sự thất vọng trước cách thức tranh chấp giữa Nga, ủng hộ Tổng thống Assad, và Mỹ - hỗ trợ các phiến quân. Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon, người đang ở nhiệm kỳ thứ hai và nhiệm kỳ cuối cùng trên cương vị quyền lực này, ngày càng lo ngại, ông có thể chỉ được nhớ đến như là vị Tổng thư ký thất bại ở Syria.

Khả Anh