Syria: Lực lượng nổi dậy chiếm nhiều thành phố quan trọng

Thứ bảy, 07/12/2024 07:01

Với bước tiến mới nhất có thể thấy chỉ trong một tuần, lực lượng nổi dậy tại Syris đã chiếm được nhiều khu vực quan trọng, đặt ra nhiều câu hỏi về tương lai của Tổng thống Bashar al-Assad.

Lực lượng nổi dậy chống chính phủ Syria lái xe quân sự qua các đường phố ở Hama ngày 5-12. Ảnh: AFP
Lực lượng nổi dậy chống chính phủ Syria lái xe quân sự qua các đường phố ở Hama ngày 5-12. Ảnh: AFP

Nhiều thành trì thất thủ

Thành phố Hama, thành trì giúp lực lượng của Tổng thống Bashar al-Assad dễ dàng bảo vệ thủ đô Damascus của Syria, đã bị chiếm sau những trận "chiến đấu dữ dội" giữa quân đội của Tổng thống Bashar al-Assad và lực lượng nổi dậy. Trong một phát biểu qua video gửi tới người dân Hama hôm 5-12, theo giờ địa phương, lãnh đạo nhóm nổi dậy Hồi giáo Hayat Tahrir al-Sham (HTS), Abu Mohammad al-Jolani, thông báo rằng họ đã chiếm thành phố này trong một chiến thắng "không có sự trả thù và đầy lòng nhân từ". Theo các báo cáo, ngày 5-12, lực lượng nổi dậy do HTS lãnh đạo đã tiến vào Hama từ phía Đông sau khi đã bao vây thành phố này trong suốt 5 ngày giao tranh với quân chính quyền. Các video được đăng tải trên mạng xã hội cho thấy lực lượng nổi dậy đã chiếm được căn cứ không quân quân sự ở ngoại ô Hama.

Việc lực lượng nổi dậy chiếm được Hama là một sự kiện quan trọng, bởi đây là một thành trì của chính quyền al-Assad kể từ khi cuộc Nội chiến Syria bắt đầu vào năm 2011. Đây cũng là thành phố lớn thứ hai sau Aleppo, trung tâm dân cư lớn thứ hai của Syria, rơi vào tay lực lượng nổi dậy kể từ khi họ phát động chiến dịch tấn công mới nhất. Sự thất thủ của Aleppo cách đây bốn ngày là một sự kiện đặc biệt ấn tượng, vì thành phố này chưa bao giờ hoàn toàn nằm ngoài sự kiểm soát của chính quyền kể từ khi cuộc Nội chiến Syria bắt đầu. Khác với Aleppo, Hama có vị trí chiến lược rất quan trọng, nằm trên tuyến đường cao tốc chính chạy dọc theo phía Tây Syria hướng về thủ đô, là một thành trì giúp lực lượng của ông al-Assad dễ dàng bảo vệ thủ đô Damascus.

Trong khi đó, phiến quân cũng phát động chiến dịch quy mô lớn nhằm vào Homs, thành phố lớn thứ ba của Syria. Homs là một trung tâm chiến lược tại miền Trung đất nước, giữ vai trò quan trọng trong việc kết nối miền Bắc và miền Nam đất nước qua các tuyến đường cao tốc chiến lược. Thành phố này cũng nằm gần các cơ sở quân sự trọng yếu của Nga tại Tartus và Khmeimim trên bờ Địa Trung Hải, cách chưa đầy 80 km. Theo các nguồn tin giám sát, phiến quân đã tiến sâu vào khu vực Rastan, nằm trên trục giao thông chính giữa Homs và Hama. Với địa thế được bảo vệ bởi sông Asi và một hồ chứa lớn, Rastan là một tuyến phòng thủ quan trọng. Việc phiến quân chiếm giữ Homs và các khu vực xung quanh không chỉ làm suy yếu chính phủ Syria mà còn gây ra mối lo ngại lớn đối với Nga, quốc gia đang đóng vai trò đồng minh quan trọng của Damascus. Mất Homs đồng nghĩa với nguy cơ các căn cứ quân sự của Nga tại Địa Trung Hải rơi vào tầm tấn công.

HTS và các phe phái khác thuộc liên minh "Răn đe xâm lược" cũng đã chiếm giữ hàng loạt khu vực trọng yếu, bao gồm thành phố Salamiyah ở phía Đông Hama và ngọn núi chiến lược Zein Al-Abideen. Đáng chú ý, tại Salamiyah, HTS đạt được thỏa thuận với các bô lão địa phương và "Hội đồng Ismaili" để tiến vào mà không cần giao tranh. Chính phủ Syria đang đối mặt với sức ép lớn khi buộc phải rút lui khỏi nhiều địa điểm quan trọng.

Lực lượng nổi dậy cũng đang trong một cuộc chạy đua đến Damascus và đây có thể là mục tiêu hàng đầu của họ. Các báo cáo từ các phương tiện truyền thông nhà nước Syria cho biết lực lượng nổi dậy bắt đầu sử dụng thiết bị bay không người lái (UAV) để tấn công các mục tiêu ở Damascus, bao gồm Cung điện Cộng hòa, một nơi ở của ông al-Assad.

Đây là diễn biến quan trọng nhất trong cuộc xung đột Syria hiện nay, khi các lực lượng chống chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad đã chiếm được nhiều nơi quan trọng. Lực lượng chính phủ, trong khi đó, đang đối mặt với nhiều khó khăn khi thiếu sự phối hợp hiệu quả. Trước đây, quyền lực của ông al-Assad được củng cố nhờ sự hỗ trợ Nga, quốc gia hiện đang tập trung vào cuộc chiến ở Ukraine, ngoài sự hỗ trợ của Iran và nhóm vũ trang Hezbollah ở Lebanon, một lực lượng đã bị suy yếu đáng kể sau những tháng chiến đấu trực tiếp với Israel. Thực tế này tạo ra một hoàn cảnh rất khác đối với ông al-Assad nếu so với quá khứ. Cụ thể là nguồn lực quân sự bên ngoài dành cho ông al-Assad hiện nay hạn chế hơn nhiều so với những năm từ giữa đến cuối thập niên 2010.

Báo động tình trạng nhân đạo

Ngày 5-12, Liên hợp quốc (LHQ) bày tỏ vô cùng lo ngại về sự gia tăng căng thẳng ở Tây Bắc Syria. Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của LHQ (OCHA) cho biết chính quyền địa phương đã báo cáo hàng chục nghìn gia đình phải di dời ở Hama, khoảng 3.000 gia đình đã chạy đến Homs. Hama là thành phố đích đến của những người chạy trốn khỏi giao tranh ở trong và xung quanh Idleb và Aleppo. Hiện tại, có báo cáo về tình hình giao tranh dữ dội ở Homs. OCHA cho biết các đồng nghiệp và đối tác đang tiếp tục hỗ trợ những người phải di dời. OCHA cho biết kể từ khi bắt đầu leo thang xung đột vào tuần trước, hơn 30 cơ sở y tế ở Tây Bắc Syria đã đóng cửa, gây áp lực rất lớn cho các bệnh viện còn lại đang hoạt động.

Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) đã mở rộng quy mô hoạt động để hỗ trợ những người bị ảnh hưởng bởi giao tranh. Cơ quan này đã cung cấp khẩu phần ăn sẵn, các bữa ăn nóng và đã phục vụ hơn 10.700 người.

Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres ngày 5-12 cho rằng hiện có nhu cầu cấp thiết về việc tiếp cận nhân đạo ngay lập tức với toàn bộ dân thường đang cần hỗ trợ ở Syria và quay trở lại tiến trình chính trị do LHQ bảo trợ để chấm dứt tình trạng đổ máu ở quốc gia Trung Đông này. Phát biểu trước báo giới, ông Guterres cũng hối thúc "tất cả những người có ảnh hưởng thực hiện phần việc của mình vì những người dân Syria đang phải chịu đựng khổ đau dai dẳng", đồng thời tuyên bố tất cả các bên đều có nghĩa vụ bảo vệ dân thường.

AN BÌNH