Tác động của việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tăng lãi suất USD: Việt Nam có chịu sức ép tỷ giá USD?
(Cadn.com.vn) - Quyết định nâng lãi suất cơ bản thêm 0,25% lần đầu tiên trong gần một thập kỷ qua của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) khiến cho thị trường tiền tệ thế giới biến động mạnh. Giá bán USD các ngân hàng thương mại (NHTM) tiếp tục “neo” bán ra ở mức kịch trần 22.547đồng/USD. Điều đáng chú ý, sau động thái của Fed, sức ép tỷ giá USD dường như đã bắt đầu có dấu hiệu căng thẳng. Điều gì sẽ xảy ra trên thị trường tiền tệ?
Ảnh minh họa. |
Giá USD tiếp tục “neo” kịch trần!
Sáng 17-12, giá USD niêm yết tại các NHTM trong nước tiếp tục kịch trần ở mức 22.517-22.547 VND/USD (mua vào – bán ra) với biên độ khá hẹp. Vietcombank là 22.517 – 22.547 đồng/USD. Tỷ giá tại ACB và Eximbank là 22.497 – 22.547 đồng/USD. Tỷ giá tại Vietinbank là 22.510 – 22.547 đồng/USD. Giá bán USD tại BIDV là 22.517 – 22.547 đồng/USD, tại Agribank là 22.510 – 22.547 đồng/USD. Trong khi đó, giá tại Dong A Bank là 22.500 – 22.547 đồng/USD. Trong khi đó, tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) công bố là 21.890 đồng/USD, tiếp tục áp dụng tỷ giá giao dịch USD ở mức mua vào là 21.800 đồng/USD và bán ra ở mức 22.475 đồng/USD.
Trên thị trường tự do tại Hà Nội, đồng USD được giao dịch ở mức 22.720 đồng/USD (mua vào) và 22.750 đồng/USD (bán ra). Quanh một vòng các cửa hàng vàng tại Đà Nẵng, giá USD mua vào, bán ra lần lượt là 22.600-22.700 đồng/USD. Một số nơi, giá USD tăng vọt lên 22.800 đồng/USD, mua vào ở mức 22.730 đồng/USD.
Trên thị trường Châu Á, giá vàng ngày 17-12 tiếp tục đi xuống, xoay quanh mức 1.069 USD/ounce. Nếu quy đổi, giá vàng tương đương mức 29 triệu đồng/lượng, thấp hơn vàng trong nước 4 triệu đồng/lượng. Trong nước, giá vàng của Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI ở mức 32,96 triệu đồng/lượng (mua vào) – 33,02 triệu đồng/lượng (bán ra), vàng SJC TP HCM và Đà Nẵng niêm yết ở mức 32,79 triệu đồng/lượng (mua vào) và 33,060 triệu đồng/lượng (bán ra).
Lý giải về tỷ giá tăng kịch trần mấy ngày vừa qua, bà Nguyễn Thị Hồng (Phó Thống đốc NHNN) cho biết, giá tăng chủ yếu do yếu tố tâm lý trước kỳ họp của Fed và sự giảm giá của đồng NDT. Bà cho biết, cung cầu qua theo dõi trên thị trường vẫn diễn ra bình thường, mặc dù tăng kịch trần nhưng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp không có gì đột biến. Chỉ có sáng 17- 12, sau thông tin Fed tăng lãi suất, thị trường có vẻ cũng tăng lên nhưng đã giảm lại, giao dịch mua bán lại diễn ra bình thường.
Tỷ giá USD năm 2016 ?
TS Cao Sỹ Kiêm (chuyên gia tài chính ngân hàng) cho rằng, động thái nâng lãi suất lần đầu tiên trong gần 10 năm qua của Fed khiến việc đầu cơ USD hấp dẫn hơn, nguy cơ thoái vốn tại các nền kinh tế mới nổi gia tăng. Ông nhận định, nhiều quốc gia áp dụng chính sách “neo” tỷ giá USD có thể cảm nhận được sức ép về biến động tỷ giá, đặc biệt trong những ngày gần đây, tỷ giá tại các NHTM luôn đứng ở mức kịch trần. Khi Fed tăng lãi suất, các nước chậm phát triển (bao gồm cả Việt Nam) sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi giới đầu tư sẽ rút vốn, đổ ngược dòng tiền về Mỹ để kinh doanh. Điều này khiến cho NHNN phải điều chỉnh hàng loạt các mức lãi suất nếu không muốn nguồn vốn bị “hút” về Mỹ. Một vấn đề khác cần chú ý, đồng USD mạnh lên, lòng tin của người dân vào VND có thể bị lung lay, tác động tới lạm phát vì người nhập khẩu phải trả một lượng tiền đồng lớn hơn, đồng thời nợ công (tính bằng tiền VND) sẽ tăng lên.
Trước thực trạng đó, để khỏi bị động trong điều hành tỷ giá, NHNN sẽ có động thái nào? Trước hết, cơ quan này phải tiếp tục bán ngoại tệ ra ngoài để cân bằng cung cầu. Tuy nhiên, việc “xuất kho” ngoại tệ sẽ bị giới hạn, thậm chí nguy hiểm vì bất cứ một quốc gia nào cũng phải dự trữ ngoại hối tối thiểu bằng 3 tháng nhập khẩu. Thứ hai, NHNN sẽ sử dụng biện pháp hành chính như tiếp tục giảm lãi suất, đưa ra các quy định hạn chế găm giữ ngoại tệ. Tuy nhiên, biện pháp này sẽ khiến người dân lo lắng, doanh nghiệp gặp khó khó khăn. Thứ ba, NHNN buộc các NHTM phải tuân thủ các quy định, không được đẩy giá lên để hỗ trợ NHNN, đồng thời kêu gọi dân chúng không nên đầu cơ ngoại tệ. Cuối cùng, tăng tỷ giá theo giá trị và mức cầu của đồng USD trên thị trường. Chính vì vậy, TS Nguyễn Trí Hiếu (chuyên gia ngân hàng) khuyến cáo, việc điều chỉnh tỷ giá, sớm muộn gì cũng phải thực hiện. Nếu không vào thời điểm này, đến đầu năm 2016, NHNN cũng phải điều chỉnh vì không còn một lý do nào nữa để chứng minh, giá trị của đồng USD giảm xuống. Nếu xét thấy không cầm cự được nữa, NHNN nên điều chỉnh tỷ giá càng sớm càng tốt.
Và như thế, việc điều chỉnh tỷ giá trong thời gian tới là cần thiết bởi Việt Nam không thể cùng một lúc giải quyết 3 vấn đề lớn: Tăng trưởng kinh tế cao, giữ được dự trữ ngoại hối và đón dòng vốn đầu tư nước ngoài để thúc đẩy thương mại phát triển. Hy vọng, NHNN có thể xem xét việc điều chỉnh tỷ giá ở mức độ phù hợp trong điều kiện thị trường ngoại hối tiếp tục ổn định vào năm 2016.
Văn Khoa