Tác giả bức thư 22 năm với "Nụ cười Võ Thị Thắng"

Thứ bảy, 12/09/2015 10:04

(Cadn.com.vn) - Đại tá Trần Ngọc Giao được cả nước biết đến là người có lá thư gửi vợ lưu lạc qua tận nước Mỹ suốt 22 năm. Về Quảng Ngãi, chúng tôi còn được biết thêm câu chuyện thú vị về ông với bức tranh "Nụ cười chiến thắng". Bà Võ Thị Thắng, người mà ông vô cùng ngưỡng mộ vừa được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND và gia đình bà đã đón nhận  niềm vinh dự  này vào ngày 10-9-2015.

Bức tranh "Nụ cười chiến thắng"

Ngôi nhà của Đại tá Trần Ngọc Giao, nguyên Chính ủy Lữ đoàn Công binh 270, Quân khu 5 ở thôn Tập An Nam, Phổ Văn (Đức Phổ, Quảng Ngãi) khá cũ. Người con trai đã làm nhà kiên cố mời ba má sang ở cùng, nhưng ông vẫn thích ở bên này bởi gắn liền với kỷ niệm thời gian khó. Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi là bức tranh "Nụ cười chiến thắng" bằng chất liệu sơn dầu cỡ lớn 60 x 80 cm  treo trên tường với hình ảnh chị Võ Thị Thắng. Đây là khoảnh khắc một người Nhật ghi lại ngày 2-8-1968 khi Tòa án quân sự mặt trận 3 vùng chiến thuật của chính quyền Sài Gòn kết án Võ Thị Thắng 20 năm tù khổ sai vì hoạt động cách mạng. Với nụ cười kiêu hãnh, vẻ hiên ngang, Võ Thị Thắng đáp lại đanh thép: "Liệu chính quyền các ông có tồn tại đến 20 năm để bỏ tù tôi không?". Câu nói trở thành biểu tượng cho khí phách anh hùng của thế hệ thanh niên Việt Nam ngày ấy. Bức tranh sơn dầu quả thật có hồn, lột tả được nụ cười chị Thắng, làm căn nhà có vẻ như sáng hơn, sống động hơn.

Gia đình Đại tá Trần Ngọc Giao với kỷ niệm cùng nhà văn Nguyễn Quang Sáng.

Khi được hỏi vì sao có bức tranh này, ông Giao kể: "Gần cuối năm 1975, tôi làm cán bộ địch vận Quân khu 5 đi kiểm tra các trại cải tạo binh lính chế độ cũ. Đến tổng trại số 4 ở H. An Nhơn, Bình Định thì thấy một trại viên đang vẽ tranh sơn dầu. Tôi nghĩ: Anh này trước khi đi lính chắc là họa sĩ và bây giờ vẽ tranh để khỏi nhớ nghề. Tôi đưa cho anh ta xem bức ảnh "Nụ cười chiến thắng" cỡ 9x12 cm đăng trong quyển họa báo của Thông tấn xã Việt Nam và hỏi anh ta có vẽ to lên được không? Anh ta trả lời được. Vậy là tôi giao quyển họa báo lại cho anh ta và tiếp tục đi kiểm tra các tỉnh phía Nam. Sở dĩ tôi thích bức ảnh này nhất trong quyển họa báo vì hình ảnh cô Thắng còn rất trẻ mà hiên ngang trước quân thù làm tôi vô cùng mến phục. Một tháng sau quay lại, tôi ngạc nhiên quá đỗi khi bức tranh vẽ bằng sơn dầu trên giấy nén các-tông của Mỹ đã hoàn thành và được đóng khung gỗ cẩn thận. Tôi cảm ơn anh mà không kịp ghi tên và địa chỉ của người họa sĩ. Bức tranh được tôi treo ở nhà từ đó đến nay. Cách đây 7 năm, tôi có gửi cho bà Võ Thị Thắng, lúc này là Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch một bức thư, chỉ ghi địa chỉ như chức danh chứ  không có số nhà cụ thể, nội dung muốn trao tặng bà tấm tranh này. Nhưng hình như bà Thắng không nhận được. Chỉ có một thư viện ở Hà Nội viết thư vào muốn tôi chụp lại bức ảnh gửi ra để họ sưu tầm gì đó."

Ông Giao nói rằng, ông rất buồn khi biết bà Võ Thị Thắng đã mất ngày 22-8-2014. Vị đại tá tuổi 90 bâng khuâng khi đã không làm được hai việc đó là không tìm được người họa sĩ ở Tổng trại số 4 và bà Thắng đã không biết được có một bức tranh về bà vẫn hàng ngày sáng rực rỡ cùng gia đình ông gần 40 năm nay.

Đại tá Trần Ngọc Giao với bức tranh "Nụ cười chiến thắng".

Nhà văn, người bạn Nguyễn Quang Sáng

Hôm chúng tôi đến nhà, rất may mắn, gặp cả gia đình ông Trần Ngọc Giao. Cố nhà văn Nguyễn Quang Sáng luôn là tâm điểm của câu chuyện. Đại tá Trần Hoàng Triệu, nguyên Chánh Thanh tra Công an Quảng Ngãi, con trai ông Giao, cậu bé 15 tuổi trong bức thư nổi tiếng năm nào dành tình cảm đặc biệt cho nhà văn. Anh cho xem "thư viện" nhỏ của gia đình từ tờ báo đầu tiên "Xin đưa hồn anh về Tổ quốc" và kèm theo nội dung lá thư trên Báo Công an TPHCM số 167 ngày 11-10-1989 đến bức thư ông Giao gửi lại cho Báo CA TPHCM đăng một tháng sau đó thông tin ông còn sống; cùng hàng chục bài báo các nơi đã viết về ông Giao, đều được lưu trữ cẩn thận. Năm 1967, từ núi rừng Trà My, Quảng Nam, ông Giao viết bức thư cho vợ là bà Huỳnh Thị Cúc ở quê nhà Quảng Ngãi kể tình hình đứa con trai duy nhất ông dắt đi theo cách mạng. Người giao liên trên đường làm nhiệm vụ đã hy sinh và lá thư đã rơi vào tay một lính Mỹ nào đó, để rồi nó trở thành "tài sản của nước Mỹ", được nằm trang trọng ở thư viện Trường Đại học Massachusetts. Nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã chụp lại 6 trang thư và về nước đăng trên báo, hy vọng vợ ông Giao có thể tìm thấy bóng dáng người chồng đã hy sinh. Nhưng ông Giao vẫn còn sống và mối cơ duyên giữa vị đại tá và nhà văn kéo dài đến gần 25 năm.

Anh Triệu bồi hồi: "Hôm hai cha con bắt xe vào Sài Gòn, ba tôi và chú ấy có một đêm tâm sự thật là dài. Hai con người của chiến tranh lần đầu gặp nhau, nói chuyện hoài không hết. Nhà văn tặng ba tôi cuốn sách "Mùa gió chướng" lâu lâu ông lại đem ra đọc. Nhớ lắm, nhất là khi chú ấy không còn nữa". Anh Triệu chỉ góc vườn, nơi đây, nhà văn Nguyễn Quang Sáng và ông Giao đã mắc võng tâm tình khi ông vào Quảng Ngãi phối hợp với Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh thực hiện phim "22 năm, 6 tháng". Sau khi bộ phim được chiếu, rất nhiều đoàn đến Tập An Nam. Đại tá, Anh hùng LLVT Hà Minh Thám, Chính ủy Sư đoàn 307 (sau này là Trung tướng, nguyên Chính ủy Tổng cục Kỹ thuật) đã dẫn đoàn cán bộ vào thăm để tuyên truyền, giáo dục cho đơn vị về gia đình cách mạng Trần Ngọc Giao. Các em học sinh trường THCS Phổ Văn vẫn thường xuyên vào thăm, mời ông nói chuyện truyền thống trong các ngày lễ...

Những người cùng thời với ông đã ra đi dần, ông may mắn còn khỏe mạnh và chứng kiến sự đổi thay từng ngày của quê hương. Đại tá Trần Ngọc Giao ra sân chỉ về phía xa: "Cháu nhìn xem, bây giờ làng xóm đông đúc, chứ trước đây, Đức Phổ là vùng trắng, từ bờ Trà Câu này nhìn thấy cả bờ biển Mỹ Á. Nhưng dù khủng khiếp đến đâu, bác vẫn tin có ngày chiến thắng. Nhà văn Nguyễn Quang Sáng nói, ông ấy quý bức thư bởi nói lên được niềm lạc quan của anh bộ đội trong chiến tranh...". Câu chuyện về bức thư và người bạn tri kỷ vẫn miên man trong nỗi nhớ của người lính trường chinh đã đi qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia. Rồi ông Giao lại tần ngần bên bức tranh bà Võ Thị Thắng. Đã 40 năm, người con gái với nụ cười nổi tiếng vẫn hiển hiện trong nhà ông và trẻ mãi đến bây giờ.

Hồng Vân