Tái chế phế liệu "xả" rác thải vô tội vạ
Xả bừa rác phế thải
(Cadn.com.vn) - Hơn trăm mét khối rác thải tự ý chôn lấp, bỏ ngoài khuôn viên bị lực lượng Cảnh sát Môi trường CA tỉnh Quảng Nam kiểm tra, phát hiện và xử lý cho thấy vấn đề ô nhiễm môi trường từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh phế liệu trên địa bàn tỉnh đã đến lúc báo động!
Ngày 11-10, kiểm tra cơ sở kinh doanh phế liệu do bà Võ Thị Nhân (1961, ở thôn An Tây, xã Tam Quang, H. Núi Thành, Quảng Nam) làm chủ, đoàn kiểm tra Phòng Cảnh sát Môi trường CA tỉnh Quảng Nam phát hiện 35m3 rác thải ngay bên ngoài khuôn viên không đúng quy định về bảo vệ môi trường. Số rác thải này đang trong quá trình phân hủy, gồm các loại nệm mút, rẻo bao lát, bao bì không sử dụng và tái chế được... Cùng ngày, tại cơ sở mua bán phế liệu, xay xát, chế biến nhựa của Cty TNHH Thương mại và dịch vụ sắt thép Chu Lai (ở thôn Long Bình, xã Tam Nghĩa, Núi Thành), do ông Trần Văn Sơn trực tiếp quản lý, đoàn kiểm tra cũng phát hiện trước cổng ngoài khuôn viên 19m3 rác thải thông thường không đúng quy định về bảo vệ môi trường, gồm xốp, băng keo thải, các rẻo bao lát, bao bì không sử dụng và tái chế được...
Hàng chục mét khối rác thải của hai cơ sở trên vứt bừa ra đất, không có biện pháp che chắn, chống thấm và thu gom nước rỉ rác thải. Đổ hàng chục tấn rác thải ra ngoài đường, thậm chí là đốt và xả nước tràn lan ra môi trường nhưng đến khi lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý thì chủ 2 cơ sở này mới biết là vi phạm luật môi trường (!). Việc xả bừa rác phế thải diễn ra hơn 5 năm nhưng chính quyền địa phương và người dân vẫn không hay biết mức độ vi phạm như thế nào và đến đâu. Lực lượng chức năng lập biên bản xử lý và yêu cầu chủ 2 cơ sở cam kết từ nay đến ngày 21-10 phải tiến hành hợp đồng với đơn vị thu gom, xử lý toàn bộ số rác thải nói trên.
Trước đó, vào sáng 7-10, lực lượng Cảnh sát Môi trường CA tỉnh Quảng Nam đã phối hợp với Chi cục Bảo vệ môi trường Quảng Nam, CATX Điện Bàn kiểm tra cơ sở phế liệu do bà Lê Thị Xuân Thông (1965, trú khối 4, P.Vĩnh Điện, TX Điện Bàn) làm chủ. Qua kiểm tra, phát hiện cơ sở bà Thông đã thải 55m3 chất thải rắn thông thường không đúng quy định về bảo vệ môi trường ngay tại khối 4, P. Vĩnh Điện. Đại diện Đội 2 PC49 CA Quảng Nam cho biết, việc tập kết rác thải trên sẽ gây ô nhiễm môi trường, khi mưa xuống, nước mưa sẽ ngấm vào rác thải sau đó ngấm xuống lòng đất, một phần chảy tràn ra sông Thu Bồn, gây ô nhiễm nguồn nước sông. PC49 CA tỉnh Quảng Nam đang tiếp tục củng cố hồ sơ để xử lý theo quy định của pháp luật.
Hàng chục mét khối rác thải chôn trái phép tại cơ sở ông Hồ Hoàng (thôn Ngọc Sơn Đông, xã Bình Phục, Thăng Bình) buộc phải trục lên để xử lý. |
Rác thải vứt bừa bãi và đốt không đúng quy định trước khuôn viên của Cty TNHH Thương mại và dịch vụ sắt thép Chu Lai. |
Nguy hại đến môi trường
Việc chôn lấp, xả bừa hàng chục mét khối rác thải trước khuôn viên cơ sở sản xuất, kinh doanh phế liệu không phải là cá biệt, diễn ra thời gian dài nhưng vẫn chưa xử lý triệt để. Tại cơ sở xay xát, tái chế nhựa phế liệu do ông Hồ Hoàng làm chủ (ở thôn Ngọc Sơn Đông, xã Bình Phục, H. Thăng Bình), lực lượng Cảnh sát Môi trường CA tỉnh Quảng Nam cũng phát hiện, buộc chủ cơ sở trục lên 33m3 rác thải đã ép bánh, chôn lấp trái phép trước hàng rào.
Bà Phan Thị Nhựt Phượng, vợ của chủ cơ sở này thừa nhận việc chôn lấp chất thải này hoàn toàn sai. "Việc chôn rác thải như vậy là không đúng rồi. Nhưng do nghĩ đây chỉ là bao ni lông mục nát và các loại nhãn dán trên chai nhựa không không độc nên chúng tôi chôn lấp tạm. Khi chôn lấp thì người dân cũng phản đối vì sợ gây ô nhiễm", bà Nhựt nói. Theo Trung úy Lê Văn Tiến (CAH Thăng Bình), dù cơ sở này đã được CA và Phòng TN&MT H. Thăng Bình xử lý và nhắc nhở nhiều lần nhưng đến nay vẫn tiếp tục vi phạm.
Đáng lo là, trong khu vực tập kết rác thải của cơ sở của ông Hoàng bà Phượng có rất nhiều loại rác thải y tế như bơm kim tiêm, dây nhựa, bình truyền dịch... đã qua sử dụng chất ngổn ngang. Khi được hỏi, bà Phượng cho rằng khi mua chai bao thì không biết người ta đã bỏ rác thải y tế vào trong đó. Khi về cơ sở phân loại mới phát hiện nên bỏ ra chứ không dùng rác thải y tế để tái chế.
Thượng tá Nguyễn Văn Ngà, Phó phòng Cảnh sát Môi trường CA tỉnh Quảng Nam cho biết, qua kiểm tra, đã phát hiện nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh, tái chế phế liệu chưa thực hiện giám sát môi trường định kỳ theo quy định. Nhiều cơ sở trong quá trình thu gom, phân loại và tái chế, nhiều loại rác thải không thể tái chế, tái sử dụng chất đống trong khuôn viên hàng trăm mét khối và chưa có hướng xử lý. Điều này gây ô nhiễm trực tiếp đến nguồn nước và môi trường sống của dân cư khu vực xung quanh. "Ngoài việc xả bừa ra môi trường, hàng tấn rác thải được các chủ cơ sở xử lý bằng cách đốt tại chỗ nên phát sinh nguy cơ ô nhiễm. Cùng với đó, các loại bao bì có cảnh báo nguy hại với môi trường, rác thải y tế cũng được các cơ sở phế liệu thu gom, tái chế", Thượng tá Ngà cho biết.
Thạch Hà