Tái diễn nạn xe “dù”, bến “cóc”

Thứ ba, 09/06/2020 13:00

Dù các cấp, các ngành chức năng đã quyết liệt dẹp nạn xe “dù”, bến “cóc” nhưng thời gian gần đây, tình trạng này lại tái diễn và có chiều hướng gia tăng, thậm chí ngang nhiên hoạt động. Có thể thấy, ngoài sự buông lỏng còn có thể thấy có dấu hiệu tiếp tay cho các loại xe “dù”, không đủ điều kiện vận chuyển hành khách hoạt động.

Xe khách của hãng xe Tấn Tài ngang nhiên bắt khách khi chưa qua hết bảng cấm.

Xe “dù” tung hoành trên phố

Trên các tuyến đường chính của TP Pleiku, buổi sáng hay buổi chiều đều bắt gặp những chiếc xe khách loại 16 chỗ tung hoành, từ việc dừng, đỗ vô tội vạ đến cảnh chèo kéo khách ngay tại các điểm cấm... Đặc biệt, kể từ khi lệnh giãn cách xã hội được nới lỏng, nhu cầu đi lại của người dân tăng cao thì đây cũng là thời điểm nạn xe “dù”, bến “cóc” hoạt động mạnh trở lại. Thấy bóng dáng lực lượng chức năng, các xe đua nhau tẩu thoát, khi lực lượng chức năng đi khuất thì mọi chuyện đâu lại vào đấy.

Theo chân lực lượng Thanh tra giao thông (TTGT thuộc Sở GTVT Gia Lai), chúng tôi có mặt tại đường Trường Chinh (khu vực trước khách sạn Hoàng Anh Gia Lai, TP Pleiku). Vừa thấy lực lượng TTGT, chiếc xe khách BKS 81D-004.xx của nhà xe Phước Thiện đậu trên vỉa hè đang chờ đón khách lập tức phóng đi. Những chiếc xe dừng, đỗ “bắt” khách khác cũng nhanh chóng “tháo chạy” khi thấy xe của lực lượng chức năng.

Ngay cạnh tuyến đường này là tuyến đường Lê Duẩn, Tôn Thất Tùng cũng xảy ra cảnh xe “dù”, bến “cóc” ngang nhiên hoạt động bất chấp mọi quy định. Chỉ đến khi có sự phối hợp của một chiếc xe khác của lực lượng TTGT, mới dừng và xử lý được chiếc xe BKS 81B-016.xx của nhà xe Hùng Phương khi dừng đỗ trước cổng Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Gia Lai chờ đón khách.

Thế nhưng, khi lực lượng TTGT không có mặt, tình trạng xe “dù”, bến “cóc” trở lại hoạt động bình thường. Ngay trên tuyến đường Lê Duẩn, chưa qua hết biển cấm, chiếc xe khách BKS 81B-010.xx của nhà xe Tấn Tài ngang nhiên dừng xe để đón khách. Nhìn trước, ngó sau, phụ xe nhanh chóng đưa 2 hành khách vội lên xe rồi tiếp tục di chuyển.

Theo ghi nhận của phóng viên, không chỉ tình trạng xe khách mà những chiếc xe dù vẫn hoạt động đủ mọi cách tinh vi. Thậm chí, còn “cạnh tranh” với cả xe buýt ngay tại khu vực điểm chờ xe buýt trên đường Phạm Văn Đồng, gần ngã ba Hoa Lư (TP Pleiku). Đa phần nơi đây những chiếc xe 4 chỗ, 16 chỗ dừng ngay trên vỉa hè, thậm chí lòng đường chờ “bắt” khách đi Kon Tum. Thế nên, mỗi lượt đi đến TP Kon Tum (Kon Tum), hành khách chỉ trả vài chục nghìn đã được ngồi xe... “hạng sang” mà không phải ngồi chờ xe buýt.

Lái xe Nguyễn H. điều khiển xe khách BKS 81B- 000.3x sau khi “tẩu thoát”, lúc quay lại tiếp tục đón khách khi bị lực lượng TTGT dừng xe. Lái xe H. phân trần: “Lúc nãy em thấy dừng, đỗ sai nên bỏ chạy. Giờ đành phải bắt khách dọc đường thôi, chứ khách toàn đứng ngoài đường mà nhà xe như em phải chiều lòng khách. Như thế, tụi em mới có khách để chạy”.

Một chiếc xe khách dừng, đỗ sai quy định khi đón khách trước khu vực BVĐK tỉnh Gia Lai bị lực lượng Thanh tra giao thông phát hiện, xử lý.

Tiếp tay cho xe “dù”

Tình trạng xe “dù”, bến “cóc” không chỉ ngang nhiên hoạt động ở trên các tuyến đường mà ngay cả trong đơn vị Nhà nước cũng xảy ra tình trạng xe dù tương tự với sự “tiếp tay” của lãnh đạo.

Từ phản ánh của người dân, P.V có mặt tại BVĐK khu vực An Khê (TX An Khê, Gia Lai) ghi nhận thực tế. Cùng với những chiếc xe taxi, 2 chiếc xe khách Innova BKS 81A-156.xx và BKS 81A-125.xx đậu trong khuôn viên bệnh viện cũng hoạt động “taxi chui”. Vừa thấy P.V, lái xe cũng là chủ xe BKS 81A-156.xx tên T. nhanh chóng mời kéo chúng tôi lên xe. Thắc mắc về việc trên xe không đồng hồ tính tiền, chủ xe T. trấn an: “Anh yên tâm, xe em có số điện thoại đấy, anh đi cứ gọi”, đồng thời, lái xe này còn cho biết: “Phải đóng phí bến bãi hàng tháng cho bệnh viện mới được hoạt động”.

Không những thế, chủ xe T. còn đưa hẳn 1 chiếc xe “cứu thương” vào hoạt động tại đây. Chỉ với đèn ưu tiên, dán thêm chữ thập y tế, chiếc xe BKS 51B-043.xx trở thành xe “chuyên dụng” chở bệnh nhân, người nhà bệnh nhân chuyển viện. Dù chiếc xe dán kín mít nhưng nhìn vào bên trong chỉ duy nhất 1 chiếc giường và hàng ghế nệm. Còn lại các trang thiết bị, quy định về tiêu chuẩn và sử dụng xe ô-tô cứu thương hầu như không có trên chiếc xe này.

Qua tìm hiểu của P.V, 2 chiếc xe “taxi dù” và chiếc xe “cứu thương” của 2 cá nhân trú trên địa bàn TX An Khê không hề đăng ký kinh doanh nhưng đều phải đóng “tiền phí” hàng tháng cho BVĐK khu vực An Khê để được phép hoạt động. Dù không đủ đảm bảo điều kiện vận chuyển hành khách, đặc biệt là những người bệnh nhưng cả 3 chiếc xe trên vẫn ngang nhiên hoạt động khi có “lá bùa” của bệnh viện. Chúng tôi tìm cách liên lạc qua điện thoại với ông Phạm Ngọc Hường - Phó Giám đốc phụ trách BVĐK khu vực An Khê, tuy nhiên ông Hường báo bận: “Có việc”.

Theo ông Nguyễn Trung Sơn- Đội trưởng Đội TTGT số 1 (Sở GTVT Gia Lai), các nhà xe thường hay lách luật để đón khách dọc đường nên gây khó khăn trong công tác kiểm soát. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các bên liên quan để ngăn chặn nạn xe dù, bến cóc thường theo chuyên đề và định kỳ. Sau các đợt phối hợp tuần tra này thì nạn xe “dù”, bến “cóc” lại có dịp hoạt động. Riêng đối với những chiếc “xe dù” rất khó xử lý, bởi hành khách lên xe theo thỏa thuận với lái xe, khi chúng tôi phát hiện thì lái xe bảo người nhà, chở giùm... nên vẫn chưa thể “sạch bóng” xe dù.

Liên quan đến việc BVĐK khu vực TX An Khê “tiếp tay” cho 2 chiếc “xe dù” hoạt động cũng như chiếc xe “cứu thương” không đủ tiêu chuẩn hoạt động tại đây, ông Lê Bá Công - Chánh Văn phòng Sở Y tế Gia Lai, cho biết: “Trong ngày 8-6, Sở Y tế sẽ có yêu cầu lãnh đạo BVĐK khu vực An Khê báo cáo cũng như Sở sẽ kiểm tra làm rõ”.

M.T