Tái hiện tục "Đi sim" của đồng bào Cơ Tu

Thứ ba, 30/03/2021 15:43

Hình ảnh các chàng trai, cô gái người Cơ Tu tái hiện tục "Đi sim" trong Chương trình "Toom Sara Fest Mùa yêu" phục vụ du khách. 

Nằm trong khuôn khổ các hoạt động chào mừng kỷ niệm 46 năm ngày giải phóng TP Đà Nẵng, sáng 27-3, Phòng Văn hóa- Thông tin H. Hòa Vang phối hợp với các nghệ nhân Cơ Tu vùng cao Tây Giang, Đông Giang (tỉnh Quảng Nam) đã tái hiện tục "Đi sim" của đồng bào Cơ Tu trong Chương trình nghệ thuật và các hoạt động ẩm thực, giải trí "Toom Sara Fest Mùa yêu" tổ chức tại Làng văn hóa Cơ Tu Toom Sara - Khu du lịch sinh thái Suối Hoa (thôn Phú Túc, xã Hòa Phú, H. Hòa Vang). Đây có thể được xem là nét văn hóa làng bản độc đáo về hôn nhân của người Cơ Tu trước đây.

Luật tục của người Cơ Tu có quy định: "Khi đi sim, luật lệ đầu tiên mà chàng thanh niên phải học là không được ép buộc con gái ưng mình, không được tranh người yêu và phải nhường cho người đến trước". "Đi sim" là một tập tục có từ lâu đời của người Cơ Tu giữa vùng Trường Sơn đại ngàn và là nét đẹp văn hóa, thể hiện khát vọng tự do yêu đương của nam nữ thanh niên được sinh ra và lớn lên ở miền núi Quảng Nam. Theo đó, vào những đêm trăng sáng hoặc vào các dịp lễ hội, trai làng mang theo cây đàn Abel (còn gọi là cây đàn tình yêu) để cùng bạn gái vừa chơi đàn, vừa hát giao duyên trong không gian rất riêng, trữ tình và lãng mạn hoặc có thể thoải mái ngồi, nằm tâm sự suốt đêm trên nhà Moong hoặc bờ suối, chòi trên nương rẫy. Và cứ như vậy, từng mùa "sim" đi qua sẽ có những đôi trai gái nên duyên vợ chồng sau khi đã trò chuyện, tìm hiểu nhau. Song, không chàng trai nào vi phạm ngưỡng "bất khả xâm phạm" với người con gái mà mình "đi sim". Việc "đi sim" này được đôi bên gia đình, dòng tộc đồng tình, ủng hộ. Trong tục "đi sim", gia đình nhà gái rất quý chàng trai đến nhà, có khi được mời uống rượu, làm gà thết đãi tử tế và ngược lại, nhưng chàng trai phải canh giờ mà trở về nhà trước khi trời sáng... 

Ngày nay, do có nhiều tác động về môi trường sống của xã hội, nên tục "đi sim" không còn giữ nét riêng của nó trước lối yêu đương của trai gái thời hiện đại, nhưng những nét đẹp, thơ mộng, lãng mạn, kín đáo và đầy trong sáng ấy sẽ là một ký ức đọng mãi cho những ai đã từng đi qua, đã từng nghe các bậc lão làng kể về kỷ niệm, về cuộc hành trình đi tìm bạn tình, về tục đi sim đậm tính nhân văn của đồng bào Cơ Tu xa xưa ấy... "Hưởng ứng chủ trương của Đảng và Nhà nước xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư, các tập tục lạc hậu, rườm rà về ma chay, cưới xin được bãi bỏ. Và tục "Đi sim" cũng mất dần trong cộng đồng người Cơ Tu", già làng Cơ Tu vùng thấp thôn Phú Túc (xã Hòa Phú) Đinh Văn Trí chia sẻ.

VY HẬU