Tái phát tình trạng khai thác vàng trái phép tại huyện Đăkrông

Thứ bảy, 26/08/2017 11:03

Hơn 1 năm trước, khi lực lượng BĐBP tỉnh Quảng Trị phối hợp các lực lượng chức năng H. Đăkrông (Quảng Trị) truy quét gắt gao nên tình trạng khai thác vàng trái phép tại 2 xã A Vao và Pa Nang (H. Đăkrông) tạm lắng. Tuy nhiên thời gian gần đây, tình trạng này lại tái bùng phát, gây ô nhiễm môi trường, nguồn nước, làm sạt lở đất, đá từ các triền đồi và gây mất ANTT trên địa bàn.

Một lán trại khai thác vàng trái phép bên bờ suối A Ka. 

Nhức nhối tình trạng "vàng tặc"

Nạn khai thác vàng trái phép ở huyện biên giới Đakrông diễn ra từ rất nhiều năm nay, trong đó các khu vực thuộc địa bàn 2 xã A Vao và Pa Nang là những điểm nóng nhất. Hoạt động khai thác vàng trái phép đã làm một số cánh rừng phòng hộ, khu vực lòng suối, đồi núi bị tàn phá nghiêm trọng, dòng nước đầu nguồn các con sông bị ô nhiễm nặng... Bên cạnh đó, các tệ nạn xã hội như ma túy, mại dâm, đâm chém giữa các băng nhóm diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến TTATXH tại địa phương.

Qua một chuyến thực tế tại "đại công trường" khai thác vàng tự phát ở khu vực suối A Ka (thôn Tân Đi 3, xã A Vao), chúng tôi ghi nhận tại đây có hơn 10 điểm khai thác vàng trái phép, với tổng cộng hơn 100 "vàng tặc" cùng hàng chục máy móc, vật tư, thiết bị khác. Các điểm khai thác vàng trái phép hầu hết đều là núi đá, được "vàng tặc" khoan, nổ mìn, khoét sâu vào bên trong, tạo thành những đường hầm sâu hun hút. Việc khai thác vàng trái phép đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của hơn 100 hộ dân của thôn Tân Đi 3.

Trước tình hình các đối tượng khai thác vàng trái phép gây mất ANTT, hủy hoại môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân địa bàn khu vực biên giới, những năm qua, BĐBP Quảng Trị đã chỉ đạo các Đồn Biên phòng trên tuyến biên giới Việt-Lào tổ chức lực lượng, phương tiện mở nhiều đợt truy quét trên diện rộng ở địa bàn các xã vùng biên giới thuộc H. Đăkrông. Trong năm 2016, các lực lượng chức năng của BĐBP tỉnh Quảng Trị đã phối hợp với Đồn BP Ba Lin và Đồn BP Sa Trầm đã tổ chức nhiều đợt truy quét, đẩy đuổi các đối tượng vàng tặc ra khỏi khu vực biên phòng, phá bỏ 6 hầm khai thác vàng tự phát, thu giữ 5 máy nghiền đá, 5 máy phát điện, 3 máy khoan đá, 1 máy nén khí, tiêu hủy 8 lán trại, 360 lít dầu diesel và các vật dụng khác của các đối tượng khai thác vàng trái phép...

Nước đãi vàng có chứa hóa chất độc hại được xả thẳng xuống suối A Ka. 

Truy quét chỉ là giải pháp tình thế

Như đã nói ở trên, địa bàn 2 xã A Vao, Pa Nang (H. Đakrông, Quảng Trị) là những nơi mà các đối tượng thường lập trại để khai thác vàng trái phép. Tuy khu vực tái diễn nạn khai thác vàng trái phép chỉ cách khu dân cư và trung tâm xã A Vao không xa, nhưng để đấu tranh với các đối tượng khai thác trái phép, lực lượng chức năng cũng gặp không ít khó khăn. Một trong những khó khăn lớn nhất của công tác truy quét đối tượng khai thác vàng trái phép là trình độ nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, vẫn tiếp tay cho các đối tượng khai thác vàng trái phép. Chính vì vậy, trong các đợt truy quét khai thác vàng trái phép ở 2 xã A Vao và Pa Nang, khi lực lượng BĐBP đến hiện trường thì các đối tượng "vàng tặc" đã bỏ trốn. Hiện trường chỉ phát hiện các loại máy móc và lán trại phục vụ việc khai thác vàng trái phép nên việc xử lý dứt điểm rất khó khăn.

Trao đổi về vấn đề này, Thiếu tá Bùi Đình Lợi- Phó Đồn trưởng nghiệp vụ Đồn BP Ba Lin, cho biết: Đường hành quân từ đơn vị vào các bãi vàng đi qua nhiều khu vực dân cư sinh sống nên các đối tượng xấu đã dùng ĐTDĐ báo tin cho các chủ lán, chủ bưởng đưa máy móc và người khỏi các khu vực khai thác vàng trái phép. Mặt khác, đời sống của người dân địa phương gặp rất nhiều khó khăn, việc làm không ổn định nên đã bị các đối tượng xấu dụ dỗ, lôi kéo vi phạm pháp luật.

Nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số đi đãi vàng thuê.

Đứng trước tình trạng nạn khai thác vàng trái phép lại tái bùng phát, mới đây UBND tỉnh Quảng Trị đã yêu cầu UBND H.  Đăkrông phối hợp các lực lượng của tỉnh và các đồn biên phòng đóng quân trên địa bàn tập trung kiểm tra, đẩy đuổi và xử lý nghiêm các đối tượng khai thác vàng trái phép trên địa bàn xã A Vao và Pa Nang theo quy định của pháp luật. Đồng thời tăng cường tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân không tiếp tay cho các đối tượng đến khai thác vàng trái phép và không tham gia các hoạt động khai thác vàng trái phép; xây dựng phong trào bản làng tự quản và xã tự quản để giữ gìn an ninh trật tự ở địa phương...

Tuy nhiên, theo chúng tôi, nếu cứ để các bãi vàng trên địa bàn Đăkrông ở tình trạng "vô chủ" như hiện nay thì việc truy quét, ngăn chặn nạn đào đãi vàng trái phép cũng chỉ là biện pháp tình thế. Mấu chốt của vấn đề là làm sao tìm ra giải pháp quản lý, khai thác một cách có hiệu quả khoáng sản vàng ở Đăkrông. Đặc biệt phải có giải pháp giúp người dân địa phương ổn định cuộc sống, cải thiện điều kiện kinh tế thì họ sẽ không còn tiếp tay cho các đối tượng khai thác vàng trái phép.

HOÀNG ANH TRẦN