Tại sao lại là Tây An?
(Cadn.com.vn) - Chuyến đi Trung Quốc của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đang thật sự thu hút sự quan tâm khắp thế giới.
Điều này là hiển nhiên, bởi Trung-Ấn là hai gã khổng lồ của Châu Á, mang tính quyết định đến tầm phát triển của châu lục. Ngoài ra, đây cũng là chuyến công du đầu tiên đến Trung Quốc kể từ khi ông Modi nhậm chức Thủ tướng Ấn Độ, mặc dù ông là vị khách thường xuyên đến quốc gia láng giềng trong thời gian làm Thống đốc bang Gujarat.
Tuy nhiên, điều người ta quan tâm và đặt câu hỏi nhiều hơn cả là tại sao ông Modi lại đến thành phố Tây An (tỉnh Thiểm Tây) chứ không phải thủ đô Bắc Kinh, cho một cuộc hội đàm cấp cao với Chủ tịch Tập Cận Bình. Và điều khác thường hơn nữa là việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Tây An để đón Modi - lần đầu tiên ông làm như vậy đối với một nhà lãnh đạo nước ngoài. Phương tiện truyền thông Trung Quốc nhấn mạnh sự hiếm có của việc ông Tập hội đàm với một nhà lãnh đạo nước ngoài bên ngoài Bắc Kinh và nói rằng, nhà lãnh đạo của họ cũng chưa bao giờ chào đón một nhà lãnh đạo nước ngoài tại Tây An.
Tất cả mọi thứ trên hành trình của chuyến thăm này là nhằm mục đích chính trị. Nhưng Tân Hoa Xã nhận định, Tây An "là lựa chọn được lên kế hoạch cẩn thận" cho hội đàm thượng đỉnh Modi-Tập. Vì sao Tây An được chọn? Trước hết, Tây An là quê hương của ông Tập. Có thể thấy, lựa chọn Tây An của ông Modi giống với điểm đến là thành phố Ahmedabad (chứ không phải thủ đô New Delhi) của ông Tập Cận Bình trong chuyến thăm chính thức đến Ấn Độ hồi năm 2014.
Chọn những điểm dừng chân như thế này không chỉ chứng tỏ mối liên lạc cá nhân trong quan hệ giữa hai nhà lãnh đạo mà còn phản ánh mong muốn được chia sẻ để thúc đẩy quan hệ giữa hai nước láng giềng Châu Á. Trên thực tế, hai thành phố này, đều chứng kiến giao lưu hữu nghị giữa hai nền văn minh cổ đại, cũng là quê hương của hai nhà lãnh đạo. Tuy nhiên, trong một sự trùng hợp ngẫu nhiên, Tây An còn đóng vai trò quan trọng đặc biệt trong mối quan hệ Trung-Ấn cổ xưa. Ở Trung Quốc cổ đại, Tây An (lúc đó được gọi là Trường An) là thủ đô của triều đại Trung Quốc, và do đó có mối quan hệ thương mại và các tương tác văn hóa quan trọng với nền văn hóa Ấn Độ.
Lịch sử cổ đại của Trung Quốc hiện rõ khi ông Modi đến thăm Bảo tàng nổi tiếng "Những chiến binh đất nung" của hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc - Tần Thủy Hoàng. Thậm chí, ngay cả buổi lễ chào đón ông Modi cũng mang tính lịch sử, bởi được thực hiện theo phong cách của triều đại nhà Đường thời Trung Quốc.
Có lẽ ví dụ nổi tiếng nhất trong mối quan hệ cổ đại Trung -Ấn là việc nhà sư Huyền Trang (hay còn gọi là Đường Tam Tạng), người đã hành hương trong 17 năm đến Ấn Độ, chuyến đi trở thành nguồn cảm hứng cho cuốn tiểu thuyết nổi tiếng Trung Quốc "Tây Du Ký". Nhà sư Huyền Trang cũng bắt đầu cuộc hành trình lịch sử đến Ấn Độ từ Trường An. Trên tài khoản Twitter, ông Modi đăng bức ảnh về món quà nhỏ mà nhận được tại ngôi chùa đến thăm ở Tây An: bức tượng của nhà sư Huyền Trang và bức tranh đóng khung của Đức Phật với thông điệp: "Tình bạn Trung-Ấn với Trí tuệ phương Đông".
Động thái này rõ ràng đã nói lên tất cả, gieo hy vọng về một mối quan hệ nồng ấm hơn giữa hai quốc gia láng giềng vẫn còn đang tranh chấp biên giới này.
Thanh Văn