Tái tạo và bảo vệ nguồn lợi thủy sản sau sự cố môi trường biển ở Miền Trung

Thứ sáu, 23/09/2016 09:12

(Cadn.com.vn) - Tiến sĩ Lê Thanh Lựu - Giám đốc Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nuôi trồng và Khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS), cho rằng ô nhiễm môi trường tại 4 tỉnh miền Trung đã làm suy thoái nguồn lợi thủy sản. Để tái tạo, trước tiên các nguồn gây ô nhiễm phải được xử lý triệt để. Bên cạnh đó, giám sát thường xuyên môi trường nước biển đối với các chỉ số như xyanua, phenol, sắt...; nghiên cứu khu hệ động, thực vật ở vùng biển 4 tỉnh trên. Lựa chọn một số loài quan trọng (cá, giáp xác, nhuyễn thể, san hô), nghiên cứu kỹ thuật tái tạo nhân giống các loài đó và thả vào môi trường tự nhiên. 

Hiện nay, vùng biển miền Trung có 2 hệ sinh thái rất quan trọng là hệ đầm phá và hệ sinh cảnh san hô, tập trung các nguồn giống thủy sinh vật, nên cần xây dựng các vùng san hô nhân tạo để thu hút các loài cá, tôm và sinh vật khác. Tại các đầm phá, tăng cường trồng rừng ngập mặn ven biển để bảo vệ môi trường sống của các loài thủy sản, đặc biệt là các bãi sinh sản. Đồng thời duy trì, phát triển các hình thức nuôi hữu cơ (nuôi sinh thái), nuôi quảng canh cải tiến ở các vùng bãi bồi, đầm phá, rừng ngập mặn nhằm tạo sản phẩm xuất khẩu chất lượng cao, đồng thời bảo vệ môi trường sinh thái và nguồn lợi thủy sản. 

Mặt khác, cần xây dựng, phát triển các Khu bảo tồn biển, mô hình đồng quản lý nghề cá, quản lý dựa vào cộng đồng để bảo vệ, tái tạo, phát triển nguồn lợi thủy sản. Có cơ chế, chính sách khuyến khích sự tham gia của cộng đồng trong hoạt động bảo tồn biển, hỗ trợ chuyển đổi sinh kế cho cộng đồng ngư dân, đặc biệt là ngư dân sống chủ yếu dựa vào khai thác nguồn lợi tự nhiên của khu vực biển 4 tỉnh miền Trung. Đẩy mạnh hoạt động khuyến ngư để phục vụ có hiệu quả hoạt động thủy sản, tiếp tục thực hiện các đề án, dự án bảo vệ, phục hồi và phát triển nguồn lợi thủy sản phục vụ phát triển nghề cá bền vững. Tăng cường hợp tác quốc tế nhằm thu hút nguồn tài trợ về tài chính và kỹ thuật để điều tra, nghiên cứu khoa học, đào tạo cán bộ, để học hỏi kinh nghiệm quản lý, bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản của các nước.

Trên thế giới có một số mô hình về bảo vệ cũng như tái tạo nguồn lợi tự nhiên có thể nghiên cứu và áp dụng vào Việt Nam. Đó là mô hình đồng quản lý nghề cá ở Nhật Bản là một trong những mô hình thành công nhất trên thế giới, được thực hiện vào năm 1901. Theo đó, toàn bộ vùng biển ven bờ được phân khu và giao quyền sử dụng cho các tổ chức cộng đồng ngư dân hoặc các Hợp tác xã (HTX). Các ngư dân họp bàn xây dựng nội quy đánh bắt trong vùng, trong đó quy định về kích cỡ loài khai thác, sản lượng, ngư cụ khai thác nhằm duy trì sản lượng và có khả năng tái tạo nguồn lợi. Hàng năm, các ngư dân có kế hoạch cụ thể để thả các con giống về tự nhiên...

Về tài chính, Nhà nước có chính sách tín dụng ưu đãi cho các tổ chức cộng đồng ngư dân hoặc các HTX như chợ đấu giá, cầu lên cá, kho lạnh... Các tổ chức ngư dân hay HTX chủ động thực hiện thuê các Viện nghiên cứu để sản xuất giống tái tạo vào tự nhiên và nuôi trồng các loài thủy sản có giá trị kinh tế cao, khoanh vùng bảo vệ; xác định sản lượng đánh bắt từng thời kỳ đối với một số loài nhất định. 

Ở Việt Nam, các mô hình đồng quản lý đã được các dự án ODA hỗ trợ đưa vào thử nghiệm trong ngành thủy sản bước đầu đã đạt những kết quả nhất định. Tiêu biểu là một số mô hình đồng quản lý nghề cá ở Quảng Điền (Thừa Thiên Huế), Bình Đại (Bến Tre), Buôn Triết (Đắc Lắc)... Trong thời gian tới, nên triển khai các mô hình này tại các tỉnh miền Trung để công tác bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản được thực hiện hiệu quả.

Nhật Minh