“Tắm” cồn để “săn F”

Thứ tư, 09/02/2022 16:45

Dù tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc bảo hộ trong phòng chống dịch COVID-19 nhưng để loại trừ các nguy cơ lây nhiễm, những cán bộ truy vết CAH Nghi Lộc (Nghệ An) đã phải “tắm” cồn sau những lần “săn F”. 

Thượng úy Phan Văn Hậu (giữa) cùng đồng đội trong Tổ truy vết Công an H. Nghi Lộc miệt mài với công việc.

“Tắm” cồn chống dịch

Những ngày cuối năm, cán bộ truy vết CAH Nghi Lộc lại tất bật hơn thường ngày. Bởi thời điểm này, tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn diễn biến phức tạp hơn trước, F0 tăng cao và xuất hiện nhiều ca trong cộng đồng. Vừa hoàn thành nhiệm vụ công tác cuối năm, vừa tham gia công tác truy vết, mỗi ngày các cán bộ truy vết chỉ được ngủ vài giờ còn lại thời gian đều dành cho công việc.

Không giấu được vẻ mệt mỏi sau khi về cơ sở làm nhiệm vụ truy vết, Thượng úy Phan Văn Hậu, cán bộ tổ truy vết CAH Nghi Lộc cho biết: “Thường thì mỗi trường hợp anh em sẽ làm việc trong khoảng thời gian từ 1-2 tiếng nhưng có những trường hợp phải mất 3-4 tiếng. Những ngày nắng mặc thêm bộ bảo hộ kín mít nữa thì không khác gì đang ở trong lò nung. Bộ quần áo ngành ướt sũng tưởng như vắt ra được trong khi miệng đắng nghét vì khát”.

Những ngày đầu thực hiện công tác chống dịch các thành viên chưa có kinh nghiệm trong truy vết, hơn nữa, cũng chưa từng có giáo trình điều tra nào liên quan. Bởi vậy, họ bước vào nhiệm vụ đặc biệt này trong tâm thế vừa làm, vừa học, vừa rút kinh nghiệm. “Trước đây, khi các ca nhiễm mới bắt đầu xuất hiện trên địa bàn, anh em còn nhiều bỡ ngỡ. Sau khi tập huấn về công tác truy vết, anh em vừa làm nhưng vừa học hỏi và truyền đạt kinh nghiệm cho nhau. “Tắm” cồn cũng là cách để anh em bảo vệ chính bản thân mình, gia đình, đồng nghiệp bởi nguy cơ bị nhiễm có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Vất vả, hiểm nguy chúng tôi không sợ, nỗi nhớ thương gia đình có thể tạm gác sang một bên. Chỉ mong dịch bệnh sớm được đẩy lùi, để cuộc sống của người dân sớm bình yên trở lại”, Thượng úy Hậu chia sẻ.

Suốt thời gian bám dịch cũng đồng nghĩa với việc những cán bộ tổ truy vết tạm xa gia đình, vợ con. Nhiều người dù nhà ở gần đơn vị cũng không thể về vì lo sợ lỡ mang mầm bệnh liên lụy đến gia đình. “Làm công việc này mình không thể chủ động được thời gian vì F0 có thể xuất hiện bất kỳ lúc nào. Nhiệm vụ nhiều, trong khi quân số ít nên anh em phải kiêm nhiệm. Nhiều anh em vừa làm công tác truy vết nhưng khi có án lại tham gia phá án nên cũng rất vất vả. Những anh em trực tiếp làm công tác truy vết 3 ngày sẽ được test nhanh một lần, được bố trí phòng nghỉ riêng, suất ăn riêng. Còn các anh em khác trong đội sẽ được test nhanh 1 lần/tuần theo định kỳ”, Trung úy Nguyễn Đinh Ly Na, thành viên tổ truy vết chia sẻ.

Cán bộ Tổ truy vết Công an huyện Nghi Lộc đang làm nhiệm vụ truy vết F0.

“Đấu trí” với F0

Huyện Nghi Lộc có đặc thù hơn so với các địa phương khác, đồng bào ở đây đa phần là công giáo, hàng tháng đều có tham gia các ngày lễ tại nhà thờ. Đây là những địa điểm đông người tham gia, có lịch trình tiếp xúc phức tạp.

Trung tá Lê Tiến Dũng - Phó Trưởng CAH Nghi Lộc cho biết, khi dịch COVID-19 trên địa bàn có diễn biến phức tạp và liên tục bùng phát các đợt dịch mới, số ca cộng đồng tăng cao, vai trò nhiệm vụ của tổ truy vết hết sức nặng nề, phải đi cơ sở liên tục. Tính từ ngày 3-11 trở về trước, Nghi Lộc chỉ có 113 ca nhiễm COVID-19, riêng từ ngày 4-11 đến nay, số ca tăng nhanh lên 408 ca, tăng gấp 3 lần. Ngoài nhiệm vụ phòng chống dịch, CBCS vẫn phải thực hiện công tác chuyên môn, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn trong bối cảnh dịch hoành hành. Đảm trách khối lượng công việc khổng lồ, ăn ngủ thất thường nên nhiều CBCS suy kiệt. Tuy nhiên từ thông tin truy vết Công an thu thập, các cơ quan chức năng đã kịp thời đưa ra các quyết định phòng chống dịch một cách hiệu quả trên địa bàn, được các cấp chính quyền và nhân dân ghi nhận.

Từ khi thành lập đến nay, tổ truy vết CAH Nghi Lộc có 21 thành viên tham gia và được chia thành 2 nhóm, trong đó quân số chủ yếu thuộc về CAH Nghi Lộc và đội ngũ y tế huyện. Nhiệm vụ chính của đội là nhanh chóng truy vết về lịch trình tiếp xúc 14 ngày của các ca nghi nhiễm một cách chính xác, qua đó, xác định các trường hợp F1, F2 để triển khai thực hiện các bước cách ly theo quy định nếu trường hợp đó nhiễm COVID-19.

“Tùy theo mỗi trường hợp, không phải chỉ gặp và hỏi một lần là xong. Chúng tôi ghi lại số điện thoại và thỉnh thoảng lại gọi điện hỏi thăm xem họ nhớ thêm điều gì để bổ sung vào lịch trình. Trong câu hỏi, chúng tôi sẽ có những gợi ý như ngày lễ nhà thờ, ngày rằm, mồng 1... Hay những câu hỏi về lịch trình sinh hoạt ngày bình thường, buổi sáng, trưa, buổi chiều họ đi đâu, làm gì? Từ những câu gợi ý này sẽ giúp cho các bệnh nhân dễ dàng nhớ hơn về những việc mình làm trong 14 ngày qua”, Thượng úy Hậu cho biết.

Dùng chiếc ghế tựa làm bàn, Thượng úy Phan Văn Hậu đang ghi chép về lịch trình tiếp xúc của ca bệnh.

Riêng đối với các trường hợp bất hợp tác, khoảng thời gian tiếp xúc với F0 thực sự là những cuộc “đấu trí” mất khá nhiều thời gian và công sức đòi hỏi sự kiên trì và kết hợp, vận dụng sáng tạo nghiệp vụ khai thác thông tin của ngành y tế và nghiệp vụ điều tra của Công an. “Thực ra, khi biết mình là F0 hay có nguy cơ lây nhiễm tâm lý chung là hoang mang, lo lắng, mặt khác áp lực từ dư luận, họ không nhớ hoặc không khai báo một cách đầy đủ, gây khó khăn cho việc truy vết. Khi đó, ngoài việc trấn an, động viên, các thành viên tổ truy vết phải có kỹ năng gợi mở để người dân hợp tác. Có nhiều trường hợp khai báo quanh co, thiếu trung thực, anh em phải truy vết lại nhiều lần”, Thượng úy Phan Văn Hậu chia sẻ thêm.

Riêng đối với các trường hợp bất hợp tác, khoảng thời gian tiếp xúc với F0 thực sự là những cuộc “đấu trí” mất khá nhiều thời gian và công sức đòi hỏi sự kiên trì và kết hợp, vận dụng sáng tạo nghiệp vụ khai thác thông tin của ngành y tế và nghiệp vụ điều tra của Công an. “Thực ra, khi biết mình là F0 hay có nguy cơ lây nhiễm tâm lý chung là hoang mang, lo lắng, mặt khác áp lực từ dư luận, họ không nhớ hoặc không khai báo một cách đầy đủ, gây khó khăn cho việc truy vết. Khi đó, ngoài việc trấn an, động viên, các thành viên tổ truy vết phải có kỹ năng gợi mở để người dân hợp tác. Có nhiều trường hợp khai báo quanh co, thiếu trung thực, anh em phải truy vết lại nhiều lần”, Thượng úy Phan Văn Hậu chia sẻ thêm.

DOÃN NGUYÊN