Tấm lòng của cô giáo cắm bản vùng cao

Thứ ba, 15/03/2022 19:56

Một ngày đầu tháng 3-2022, chúng tôi có dịp đặt chân lên các bản làng vùng cao xã Sơn Liên, huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi. Chúng tôi đã gặp cô giáo cắm bản người Ca Dong Đinh Thị Thiết (sinh năm 1983), hiện đang dạy tại Trường tiểu học Sơn Liên (xã Sơn Liên, huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi). Cô Thiết đang tái hiện hình ảnh “người giáo viên tận tụy, gương mẫu” hết lòng thương yêu học sinh trên các bản làng vùng cao.

Cô Thiết đang luyện chữ cho học sinh của mình.

17 năm vượt khó “trồng người”

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình người Ca Dong có đông anh chị em tại xã nghèo Sơn Dung, huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi. Hàng ngày, phải đối mặt với cái đói cái nghèo và bệnh tật, để được đến trường, cô Thiết phải làm đủ mọi công việc vất vả, có lần cô suýt phải bỏ học. Cô Thiết nhớ lại:“Hồi đó, buôn làng nằm heo hút giữa núi rừng hoang vu dưới chân núi Tu Mít, để có cái ăn, cái mặc, gia đình tôi phải lên rừng hái rau, nhặt quả rừng, trồng ngô, trồng sắn để có cái ăn sống qua ngày. Nhiều lúc gia đình không có thức ăn, tôi phải nhịn đói để đến trường, thậm chí phải bỏ học để lên rừng hái rau, gùi than,… đem ra chợ bán”. Thế nhưng, với lòng đam mê, hiếu học từ nhỏ, cô Thiết đã cố gắng theo đuổi việc học. Cô đã tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm Huế.

Suốt 17 năm qua, cô Thiết gắn bó với các học sinh dân tộc vùng cao xã Sơn Liên. Cô Thiết đang là giáo viên chủ nhiệm lớp 3, 4 điểm trường Tu Mít, nằm vắt vẻo trên độ cao 1.500m so với mực nước biển, nhìn lên là ngọn núi Ngọc Dết hùng vĩ, nhìn xuống là lòng hồ thủy điện Đắk Đrink xanh thăm thẳm. Lớp học của cô Thiết hiện có 9 học sinh, các em được học trong một phòng học cấp 4, bàn ghế tươm tất dù còn thiếu rất nhiều dụng cụ học tập và các thiết bị giảng dạy. Với cô Thiết, cơ sở vật chất của điểm trường hiện nay đã giống “như mơ” so với nơi cô dạy học 17 năm về trước. Cô kể lại: “Ngày đó chưa có đường vào trường, chỉ có lối mòn nhỏ leo qua đỉnh núi. Ngày ngày tôi đi dạy phải men theo những khe núi đá trập trùng. Điểm trường còn hoang sơ, lớp học tạm bợ rộng khoảng 20m2, xung quanh được cắm bằng cành trúc, tứ phía hở hoang hoác, mái lá dột nát, gió thổi thông thốc. Những ngày mùa đông gió bấc, sách vở học sinh ướt nhèm vì sương. Mỗi lần trời mưa thì sách vở ướt hết”. Học sinh của trường chủ yếu là con em đồng bào dân tộc thiểu số, gia đình khó khăn, nhiều nhà cái ăn còn không đủ no nên đối với các em và gia đình, con chữ, tri thức là vô nghĩa. Để vận động các em đến trường là một vấn đề khiến cô ăn không ngon, ngủ không yên. Mỗi buổi chiều sau giờ dạy, cô Thiết đến nhà từng người dân để tìm hiểu hoàn cảnh và động viên gia đình cho con đi học. Bằng tấm lòng của mình, cô Thiết đã chinh phục được tình cảm của người dân địa phương. Cũng may, bản thân cô là người Ca Dong nên việc vận động, thuyết phục gia đình đưa con đến trường dễ nhận được sự đồng cảm hơn. Người dân nơi đây ai cũng quý cô giáo.

Sau giờ học, cô Thiết cùng các em học sinh đi hái rau rừng về cải thiện bữa ăn.

Cô giáo như mẹ hiền

Trong căn nhà tạm bợ rộng chừng 30m2 nằm ngay giữa lưng chừng núi, thì 2/3 căn phòng được dành cho lớp học, phần còn lại làm nơi ở của cô Thiết và 9 học trò của mình. Từ số tiền lương ít ỏi, cô Thiết trích ra mỗi tháng trên 1,5 triệu đồng để mua thức ăn, đó là chưa tính tiền mua sách vở, giấy bút và quần áo cho các em. Gạo thì cứ một đến hai tuần về thăm nhà, cô Thiết lại xin của mấy đứa em đang bán tạp hóa dưới quê, khi thì 10kg, lúc 20kg mang lên rồi cô trò cùng nấu ăn. Nhiều ngày nghỉ về thăm nhà, sợ tụi trẻ bơ vơ nên cô Thiết đã dẫn cả 9 em về luôn. Ngoài những giờ dạy trên lớp, cô Thiết còn kèm thêm cho các em vào các buổi chiều để giúp học sinh tăng cường kỹ năng rèn chữ viết, làm toán, dạy học trò chơi, học hát. Mặc dù còn gặp rất nhiều khó khăn nhưng cô Thiết luôn cố gắng bám trường, bám lớp, cưu mang học sinh.

Thầy Đỗ Khánh Hội, Hiệu phó Trường tiểu học Sơn Liên cho chúng tôi biết: "Một giáo viên chỉ quản lý 9 học sinh là điều kiện thuận lợi cho công tác chủ nhiệm, thế nhưng khó khăn lớn nhất của cô Thiết là các em đều có hoàn cảnh khó khăn, cha mẹ bỏ đi… Cô Thiết đã chủ động đưa các em về ở với mình để nuôi dạy mà không cần bất cứ một khoản trợ cấp nào". Trong 2 năm học 2020-2021 và 2021-2022, Ban Giám hiệu nhà trường đã phối hợp Ban Chấp hành Công đoàn trường trích một phần quỹ để hỗ trợ tiền xăng dầu cho cô Thiết đi lại. Đây là một phần trợ cấp rất nhỏ nhưng đã kịp thời động viên, an ủi cô Thiết tiếp tục hy sinh và cống hiến tuổi thanh xuân của mình vì các em học sinh dân tộc vùng cao.

Chúng tôi tạm biệt cô giáo người Ca Dong Đinh Thị Thiết và các em nhỏ trong nắng chiều tháng 3 rực rỡ, cùng lời chúc mọi điều tốt đẹp nhất. Chúng tôi thầm mong sao có nhiều tấm lòng nhân ái như cô Thiết để giúp cho những trẻ em nghèo, bất hạnh vùng cao đủ sức vươn lên trong cuộc sống hằng ngày.

Trần Cao Anh