Kỷ niệm 131 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 - 19-5-2021)

Tấm lòng hai cựu binh xứ Quảng đối với Bác Hồ

Thứ tư, 19/05/2021 08:17

Hai người là cựu binh, từng tham gia bộ đội thời kháng chiến, là đồng hương, đồng đội lại cùng có duyên gắn bó với Bác Hồ: Võ Như Thông quê ở xã vùng cát Điện Nam, còn Phạm Minh Thông là quê xã Điện Minh, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.

Hai cựu chiến binh Phạm Minh Thông (quân phục) và Võ Như Thông trao tặng sách quý viết về Bác Hồ cho nhau. Ảnh: Lê Anh Dũng

Hai nhân vật đặc biệt này cùng tên Thông, cùng quê, cùng Đại đội 64 H. Điện Bàn, cùng đánh Pháp nhiều trận… Ấy thế mà hơn nửa thế kỷ qua, gần hết đời người mới gặp nhau tại huyện miền núi Bắc Trà My. Do tôi xem trên truyền hình, xem báo mới biết cụ Thông Võ xây khu nhà thờ Bác Hồ và cụ Thông Phạm tham gia xây lăng Bác Hồ và tự nhận bổn phận kết nối.

Trưa nắng đầu tháng Năm, tôi cùng phóng viên Lê Ngọc Khoa đưa nhà văn, kỹ sư Phạm Minh Thông về thăm Nhà thờ Bác Hồ của cụ Võ Như Thông tại thị trấn huyện lỵ Bắc Trà My, số nhà 14 đường mang tên Đại tướng Chu Huy Mân. Không gian nơi đây thật thiêng liêng, ấm áp. Trước nhà là tượng Bác Hồ đứng, bằng đá Non Nước, cao 1m70, tay trái cầm cuốn sách, tay phải giơ cao thân ái chào mọi người, gương mặt nhân từ phúc hậu; sân vườn trồng các loại cây ăn quả và ao cá chép bơi lội tung tăng. Trước cổng nhà có bốn cây trụ bằng đá trắng tạc hai câu đối: Lo vì Dân, nghĩ vì Dân, vui khổ cũng vì Dân, dốc chí thờ Dân, công Bác với Dân thiên thu bất tận/ Bố gọi Bác, con gọi Bác, cháu chắt lại gọi Bác, nối dòng theo Bác, lòng Dân mong Bác vạn thọ vô cương.

Bên trong là phòng lưu niệm Bác Hồ với Quảng Nam, Quảng Nam với Bác Hồ, có bức tượng Bác Hồ dưới đế chiếc hòm gỗ phủ vải đỏ bọc hai nắm đất ở quê nội, quê ngoại Bác Hồ. Gian trưng bày hàng trăm đầu sách, tranh ảnh, tư liệu về cuộc đời hoạt động của Bác Hồ. Ngoài gian thờ Bác Hồ, còn có đền thờ Đức Thánh Hưng Đạo Đại vương, chí sĩ yêu nước, thủ lĩnh phong trào Nghĩa hội, Cần Vương Quảng Nam Nguyễn Duy Hiệu, gian thờ chí sĩ yêu nước Phan Châu Trinh, quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng, chí sĩ cách mạng như Nguyễn Thị Minh Khai, Anh hùng lực lượng vũ trang Trần Thị Lý...

Cụ Thông Phạm xúc động tặng cụ Thông Võ cuốn sách của mình “Tấm lòng người thợ xây lăng Bác Hồ” và tấm bằng giải C của Ban chỉ đạo giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật về chủ đề Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trao cho cụ, Và, cụ Thông Võ tặng lại cụ Thông Phạm cuốn sách (photo): “Những bài báo viết về tấm lòng đồng bào Trà My với Bác Hồ”, do Hoàng Tùng sưu tầm, ca ngợi  thành quả, công đức của cụ Thông Võ xây dựng Nhà tưởng niệm Bác Hồ. Hai cụ ôm nhau vỗ vai, vỗ lưng đồm độp với chất giọng Quảng Nam oang oang cả nhà: Đồng đội, đồng hương ơi, răng (sao) anh với tui không gặp nhau sớm hơn hỉ. Thôi, chừ mới được Bác Hồ linh thiêng cho bọn mình gặp nhau cú chót cuối đời cũng vui lắm rồi. Rứa hỉ!”.

Rồi hai cụ quấn quýt, nổ chuyện như bắp rang, không dứt ra được. Cụ Thông Võ kể: Tôi vào bộ đội từ năm 1946, còn có tên Võ Như Tống, sau này khi cùng nhóm cán bộ tập kết ở miền Bắc trở về miền Nam hoạt động năm 1964, để giữ bí mật, tôi lấy tên Tử Vì Dân, với tâm nguyện bộ đội Cụ Hồ theo gương Bác Hồ, hết lòng vì Dân, sẵn sàng hy sinh cho Dân”.

Cụ Thông Phạm hỏi “Anh ở thôn 4 Điện Nam, có Cồn Lai không? Anh có biết tôi đánh nhau bao nhiêu trận ở đó không? Tôi tham gia Đại đội 64 từ năm 1950, đã cùng đơn vị đánh hàng chục trận; đánh trận Cống ông Đá năm 1950-1951. Hồi đó, trinh sát đại đội theo dõi phát hiện cứ sáng thứ bảy, lính ngụy rủ gái từ Vĩnh Điện đi xuống Hội An chơi, nên đơn vị lập phương án đưa các chị nữ du kích trẻ đẹp làm mỹ nhân kế dụ địch. Anh Phan Hoan, Huyện đội trưởng Điện Bàn đã duyệt, chỉ đạo từ xa. Trận này, ta thắng, bắt sống một quan ba và một lính bị thương, tôi là chiến sĩ quân y trực tiếp đưa về đơn vị Quân y ở Tam Kỳ chữa trị và khai thác; quân ta chỉ một Tiểu đội trưởng bị thương”. 

Tác giả (áo ký giả) và bà con Đà Nẵng trước Nhà thờ Bác Hồ do cựu chiến binh Võ Như Thông xây dựng tại Bắc Trà My. Ảnh: Lê Anh Dũng

Cụ Thông Võ: “Răng (sao) không, Cồn Lai thuộc làng Quảng Lăng quê tui ở đó mà, anh biết tui đánh bao nhiêu trận không?”. Anh có biết Cống ông Đá không? Tui đánh giặc Pháp trận đầu ở đó”. “Rứa anh có biết ông Soái, người Hà Tĩnh, Đại đội trưởng một đơn vị chủ lực Liên khu 5 đánh giặc nổi tiếng mà cũng “nổi như cồn” chuyện mê gái, chọc gái không?”. “Tui biết. Nhiều anh em biết. Hơn 50 năm rồi còn nhớ. Chà chà, vậy là biết nhau rồi, chừ mới gặp mặt đây”. 

Quên có tôi và bạn bè ngồi xơi nước hóng chuyện, quên mất vợ mình, bà Huỳnh Thị Thuyền, cựu chiến sĩ quân y thời chống Mỹ, đang chiêu nước chè xanh mời, cụ Thông Võ và Thông Phạm giành nhau kể chuyện quê hương, đồng đội và chuyện mình đánh nhau. Thỉnh thoảng, tôi phải khéo léo cắt ngang để câu chuyện của hai cụ đúng vào trọng tâm: gắn với xây Lăng Bác Hồ và xây khu nhà thờ Bác Hồ.

Cụ Thông Võ tâm sự: Để tỏ lòng kính yêu và nhớ thương Bác Hồ, tôi đã dành hết tâm trí khi về hưu đến nay để xây dựng, nâng cấp và hoàn thiện Nhà thờ Bác Hồ. Hằng năm vào ngày 2-9, tôi và vợ con đều thành kính làm giỗ Bác, được nhiều bà con đồng bào các dân tộc Trà My đến dâng hương tưởng nhớ và nghe tôi kể chuyện ba lần được gặp Bác Hồ và tấm gương trong sáng về đạo đức Bác Hồ, về Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Việt Nam. Về cụ Thông Phạm đây, tôi và nhiều cựu chiến binh, kỹ sư xây dựng, nhều văn nghệ sĩ cả nước biết tiếng kỹ sư Phạm Minh Thông có công lớn đem sức lực, tài năng xây chiếc cầu quay sông Hàn nối đôi bờ ngăn cách nhiều đời của nhân dân hai bên sông, nổi tiếng đẹp và thơ mộng từ nguồn đóng góp xã hội hóa kể cả các xích lô, xe thồ, người bán vé số, người ở xóm nhà chồ bấp bênh trên sông... ở Quảng Nam - Đà Nẵng. Nếu cụ Thông Phạm không tặng cuốn sách “Tấm lòng người thợ xây Lăng Bác Hồ” thì tôi cũng không biết cụ tham gia tích cực trong xây dựng Lăng Bác Hồ, một nhiệm vụ, một trách nhiệm và một bổn phận thiêng liêng, cao cả của người cựu chiến binh, kỹ sư, đảng viên.

Cụ Thông Phạm tiếp lời: “Trong đời mình, tôi vinh dự được hai lần gặp Bác Hồ. Lần đầu vào tháng 12-1961, Bác về thăm Sư đoàn 324 tại rú Đụn, Nam Đàn, Nghệ An, khi tôi là chuẩn úy, y tá, đứng trong hàng ngũ đón Bác. Lần hai, tháng  3-1962, Bác Hồ về thăm Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, tôi là một trong 250/4.000 người được lựa chọn đón Bác.

Một vinh đự lớn lao nhất trong đời, trung tuần tháng 8-1974, là Giám đốc Xí nghiệp bê-tông Vĩnh Tuy, tôi được Tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm- Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội giao nhiệm vụ thi công toàn bộ khu vực vườn hoa phía trước Quảng trường Lăng Bác Hồ. Gấp rút. Chất lượng. Thẩm mỹ. Thời gian là mệnh lệnh của trái tim: Bàn giao trước ngày 2-9-1975 để khánh thành Lăng Bác Hồ đón đồng bào miền Nam ra thăm. Cả xí nghiệp, trong đó có hai vợ chồng tôi (vợ là Nguyễn Thị Thu Vân, kỹ sư hóa vô cơ của xí nghiệp) vừa mừng to vừa lo lớn nhất trong đời. Phấn đấu kịp và vượt tiến độ và yêu cầu kỹ thuật, Xí nghiệp chúng tôi phải huy động mọi năng lực, quan hệ để mua vật tư, nguyên liệu tốt các nơi. Trong thời gian thi công công trình, miền Nam giải phóng 30-4-1975, tôi và vợ cũng gợn tâm trạng ngày Bắc đêm Nam, muốn về thăm quê, chăm sóc mẹ già hơn 30 năm chờ con mòn mỏi, thắp hương mồ cha liệt sĩ. Nhưng xác định nhiệm vụ như lời tuyên thệ và động viên toàn Xí nghiệp bám công trường, nâng cao năng suất chất lượng và bàn giao trước ngày 2-9-1975. Mừng vui khôn xiết. Đây là chiến công mới kỷ niệm 6 năm ngày mất của Bác Hồ...”.  

Sau khi thắp hương lạy tạ Bác Hồ và trước lúc chia tay, tôi gợi ý về nguyện vọng cuối đời, thì được hai cụ bắt tay tôi phát cùng chung một ý: Qua bao vinh quang và cay đắng, qua bao thăng trầm, từng bị thiệt thòi, hoạn nạn, nhưng tâm niệm học theo tấm gương Bác Hồ về đạo đức cách mạng “cần, kiệm liêm, chính, chí công vô tư”, việc cống hiến, phụng sự cho đất nước, cho dân tộc, nên không nản lòng, nản chí mà luôn vươn lên đấu tranh chống lại tham nhũng, quan liêu, chống lại cái xấu, cái ác, dẫu có bị oan trái, thiệt thòi cũng cam lòng vì lợi ích chung của đồng bào, của nhân dân, của tập thể, đám đông. Hai cụ ôm nhau thấm thía và cùng đọc bài thơ “Giã gạo” của Bác Hồ viết trong tù ngục kẻ thù: “Gạo đem vào giã bao đau đớn/ Gạo giã xong rồi trắng tựa bông/ Sống ở trên đời người cũng vậy/Gian nan rèn luyện ắt thành công”.

Thật vậy, tôi nghĩ hai cụ, hai chiến sĩ Cụ Hồ đều góp công để lại di sản văn hóa, lịch sử, truyền thống thiêng liêng không chỉ cho bây giờ mà cho cả mai sau: Vườn hoa cỏ trước Lăng Bác Hồ và Nhà thờ Bác Hồ.

LÊ ANH DŨNG