Tấm lòng tình người Đà Nẵng

Thứ sáu, 21/01/2022 22:20

Hai năm qua, cùng với cả nước, Đà Nẵng sống những ngày rất khác. Và cũng từ trong những ngày sống rất khác ấy, tấm lòng - tình người Đà Nẵng càng tỏa sáng.

Hội Phụ nữ cơ sở Phòng Cảnh sát giao thông nấu súp, chia thành khẩu phần hỗ trợ bà con trên đường từ Nam về quê lánh dịch ngang qua địa phận Đà Nẵng.

1. Chuyện kể rằng, trên hành trình thiên lý từ Nam về quê tránh dịch tự phát bằng phương tiện cá nhân lần thứ ba (tháng 10-2021), nhiều bà con hỏi nhau: “Đã đến Đà Nẵng chưa?”. Sao lại có câu hỏi này? Bởi trong 2 lần về quê tự phát tránh dịch trước đó (tháng 7, 8-2021), nhiều người đã được các địa phương, đặc biệt Đà Nẵng kịp thời hỗ trợ, chia sẻ, giúp cuộc hành trình đầy gian nan của những người xa quê mưu sinh vơi bớt nhọc nhằn. Sự tương thân, tương ái ở đâu trên dải đất hình chữ S này cũng đều sẵn có. Tuy nhiên, cách người Đà Nẵng giúp đỡ, sẻ chia lại rất riêng, rất khác. Nói như anh Lê Đình Lượng - Đội trưởng SOS Sinh viên Trường Đại học Đông Á Đà Nẵng, một trong nhiều đội tình nguyện tham gia trong cả 3 đợt hỗ trợ đồng bào hồi hương, rằng đó là cách “giúp đến nơi, đến chốn”. Bởi, không đơn thuần chỉ là vật chất, người Đà Nẵng còn tìm giải pháp hỗ trợ sao cho thật thiết thực nhất… Sẽ ấm lòng hơn nếu được một hộp súp nóng giàu chất dinh dưỡng lót dạ lúc dừng chân sau chặng đường trường vượt gần ngàn cây số bằng xe máy với biết bao bất trắc. “Chúng tôi tính hết rồi. Bà con chạy đường trường, khuya mệt lắm. Họ cần ăn cái gì nóng và dễ tiêu hóa, nhất là người già, trẻ em và phụ nữ. Vì thế, trong khẩu phần ăn, chúng tôi quyết định nấu súp”, Chủ tịch Hội Phụ nữ cơ sở Phòng CSGT Công an TP Đà Nẵng chia sẻ.

Không chỉ hỗ trợ vá xe, thay lốp, thay phụ tùng mới, thông qua chính quyền TP, qua các tổ chức, đội thiện nguyện, các mạnh thường quân Đà Nẵng đã tặng xe máy mới cho những trường hợp về quê xe bị hư hỏng nặng, để hành trình về quê an toàn. Cũng với suy nghĩ thấu đáo đó, có đội thiện nguyện còn mang theo máy nổ phục vụ mọi người sạc pin điện thoại để lỡ may trên đường hết pin không có phương tiện để liên lạc với người nhà…

2. Vào thời điểm Đà Nẵng đang thực hiện song song nhiệm vụ kép vừa dập dịch, vừa khôi phục, phát triển kinh tế, giữa bộn bề công việc cần phải được giải quyết, lãnh đạo TP Đà Nẵng vẫn đích thân đến tận hầm đèo Hải Vân để kiểm tra từng suất ăn, trao tận tay chìa khóa xe mới do của các doanh nghiệp hỗ trợ, tiễn bà con qua hầm Hải Vân an toàn mới quay về. “Của cho không bằng cách cho”, “giúp ngặt không giúp nghèo”... tấm lòng đồng cảm, sẻ chia giữa lúc đồng bào gặp khó khăn vô cùng ý nhị và thấu đáo của người dân Đà Nẵng đã lan tỏa, tạo hiệu ứng mạnh trong cộng đồng mạng xã hội nói riêng, người dân cả nước nói chung. “Đà Nẵng- trên cả tuyệt vời”, “Cảm ơn, cảm ơn rất nhiều!”. “ Xin cảm ơn Đà Nẵng”... là những cụm từ nghẹn ngào tận đáy lòng của bà con khi được Đà Nẵng giúp đỡ. Những câu xuất hiện nhiều trong những ngày không thể nào quên ấy trên mạng xã hội: “Xăng 0 đồng, nước 0 đồng, xe 0 đồng và tình người cũng không đong đếm được luôn!”, kèm theo những comment đầy trân trọng... 

Mang hàng cung ứng cho người dân khu vực phong tỏa cứng.

3. Vào giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội “ai ở đâu ở yên chỗ đấy”, Đà Nẵng đã triển khai nhiều mô hình, cách làm sáng tạo để lại nhiều dấu ấn như: Hội Phụ nữ, Tổ dân phố đi chợ giúp dân; siêu thị 0 đồng… Đặc biệt, mô hình bán hàng trợ giá cho bà con mùa dịch với 30 container do Công an TP Đà Nẵng tổ chức để cung ứng kịp thời các nhu yếu phẩm, đảm bảo cho bà con đã ghi được nhiều điểm cộng, để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng người dân TP. Rất nhiều câu chuyện xúc động trong những ngày các chiến sĩ CAND “đi chợ giúp dân”: nữ Thượng úy Đặng Lân Nhi có chồng đang ở tuyến đầu chống dịch, con còn nhỏ nhưng vẫn xung phong đến vùng dịch hỗ trợ dân; những nam chiến sĩ Cảnh sát khu vực ngồi bệt trên vỉa hè cùng tổ dân phố nhặt từng cọng rau, bẹ lá không còn xanh trước khi giao cho người dân…

 Một câu chuyện mà đồng đội của Trung tá Ngô Thị Thanh Tâm - Phòng An ninh đối ngoại Công an TP kể lại: trong lúc cùng mọi người cung ứng hàng trợ giá cho dân ở sân vận động Hòa Xuân, Trung tá Tâm nhận tin con trai út mới 6 tuổi của mình trong lúc chơi đã vô tình nuốt viên bi nam châm. Lòng như lửa đốt, nhưng vì bận công việc, Tâm đành gọi điện nhờ bác sĩ tư vấn để hướng dẫn người nhà cách chăm sóc con. Vừa giao ca, Trung tá Tâm tức tốc đưa con nhập viện, làm phẫu thuật…

4. “Đừng hỏi người Đà Nẵng sao hiền hòa thế/ Sông Hàn xanh trong tưới mát những tâm hồn”, “Đà Nẵng ơi! Đà Nẵng trong lòng tôi, sao mà sâu mà nặng/Như tình cha muối mặn, như tình mẹ gừng cay/… Tôi rất thích những ca từ ấy trong ca khúc của nhạc sĩ Duy Khoái và Đình Thậm, nhất là được ngâm nga trong những ngày Đà Nẵng “sống rất khác” ấy...

KHÁNH YÊN