Tâm nguyện rơi nước mắt của một "cử nhân dioxin"

Thứ bảy, 14/09/2013 11:17

(Cadn.com.vn) - Mỗi ngày đến phòng khám, Hiền được phát hiện thêm một bệnh mới. Cơ thể cô ngày một héo hon, khô quắt vì kháng sinh và những thứ bệnh tác quái bắt nguồn từ chất độc hủy diệt dioxin. Dù những cơn đau luôn hành hạ cơ thể nhưng Hiền vẫn không nguôi ước ao sớm có ngày trở lại với công việc mà cô đã theo đuổi suốt thời gian qua, kể từ ngày được xem là "cử nhân dioxin" đầu tiên của Đà Nẵng: giúp đỡ những người khuyết tật, những người kém may như chính bản thân mình. Nhưng...

Ước mơ dang dở

Tôi gặp lại Phan Thị Thu Hiền sau hơn 4 năm, kể từ khi cô gái quê Văn Thành (H. Yên Thành, Nghệ An) này trở thành nạn nhân chất độc da cam đầu tiên bước chân vào Đại học Sư phạm Đà Nẵng với biệt danh là "Hiền - Xanh ximong".

Từ phòng khám về buồng điều trị trên chiếc băng ca, Hiền lại khóc vì bác sĩ thông báo vừa phát hiện ổ bụng của em bị tràn dịch sau các bệnh hở van tim, nội tạng bị phá hủy, suy tim độ 1, tràn dịch màng phổi lần lượt được phát hiện kể từ ngày nhập viện. Tôi bồng Hiền từ chiếc xe đẩy để đặt lên giường thay cho bà mẹ đã rụng rời khi hay tin về tình hình bệnh tật của con mình. Cô gái 29 tuổi giờ chỉ nặng chưa tới 30kg.

"Cử nhân dioxin" Phan Thị Thu Hiền (bìa trái) ngày tốt nghiệp Đại học.

Hiền úp mặt vào gối rưng rức khóc, không chỉ vì những cơn đau hay thương người mẹ đã tảo tần nay càng thêm túng quẫn, mà còn vì những ước mơ dang dở. Trong tiếng nấc và những giọt nước mắt lăn trên đôi má gầy quắt, cô cử nhân Khoa Giáo dục Chính trị trút hết nỗi lòng. Sau 3 năm học vượt cấp, cô tốt nghiệp Đại học và tham gia ngay vào một dự án đào tạo kỹ năng phòng tránh thiên tai cho người khuyết tật Quảng Nam, Đà Nẵng. Hiền nói, không chỉ đơn giản là những buổi hội thảo ở hội trường, em ngày ngày còn lặn lội về các huyện miền quê như Hòa Vang, Đại Lộc, Duy Xuyên rồi đi bộ đến từng ngôi nhà của những người có cùng cảnh ngộ. "Miền Trung thiên tai quanh năm, đối với người thường ứng phó đã khó khăn, người khuyết tật lại gần như có cơ hội rất nhỏ trong các tình huống khẩn cấp. Hơn ai hết, em là người biết họ cần những gì. Vì động lực này, có ngày em đi bộ gần chục cây số để đến tận từng ngôi nhà ở miền quê", Hiền kể. Cũng vì dốc hết sức lực và tâm huyết cho dự án nên cơ thể vốn đã yếu của cô ngày càng xuất hiện những cơn đau thường xuyên hơn. Mãi đến khi không thể ngồi lên xe ba bánh để đi làm nữa, Hiền phải nhờ đến bạn bè đưa đi khám ở bệnh viện, mới hay toàn bộ nội tạng đã bị phá hủy, tràn dịch màng phổi, suy thận độ 1... Bà Nguyễn Thị Sâm, mẹ Hiền, ôm chặt đứa con mà bà luôn khẳng định là nó không thể gục ngã, rồi nghẹn ngào: "Xót con quá, tui nói nó về nhà đi, mẹ sẽ nuôi con. Nhưng nó xin tôi, nói con sống không phải vì con nữa mô mẹ ơi. Mẹ đừng bắt con sống phí. Biết nói răng nữa anh?".

Xin mở rộng vòng tay

Hiền nói với mẹ là không trách được cuộc sống. Vì, cuộc sống sau khi lấy đi rất nhiều, từ chiến tranh, từ dioxin đã nhiễm vào người cha từ mảnh đất Quảng Trị, từ cuộc sống khốn khó của hai mẹ con kể từ khi cha ra đi...; song cuộc sống đã bù lại cho cô những bàn tay nồng ấm, những bạn bè biết sẻ chia, cho cô cả một công việc mà chính những khi vất vả nhất cô lại quên đi được đau đớn. Nhưng rồi cô cũng tủi phận và có phần cay đắng khi nhắc đến những ngày tháng bôn ba cùng chiếc xe ba bánh do người mẹ vay mượn để mua cho. Dù vẫn biết cuộc sống đang ngày càng công bằng hơn với người khuyết tật, những người kém may, nhưng chỉ có những người trong cuộc mới biết rằng sẽ thật khó khăn để lấp đầy một khoảng cách. Hiền đã từng tất tả đi thuê phòng trọ với những cái lắc đầu của chủ nhà, đã từng đi về thui thủi trong những xóm trọ vốn vẫn râm ran tiếng cười của bạn bè cùng trang lứa. Nhưng đó chưa phải là nỗi buồn đáng để phải giữ trong lòng. Buồn nhất là sau những cơn ho trong đêm, sáng mai dậy chủ phòng trọ đã nói rằng dù rất thương nhưng em phải chuyển chỗ ở, vì không may có chuyện gì xảy ra lại sẽ liên lụy! Rồi em lại tìm một chỗ ở khác, đi rút tiền lương 2 tháng về để đặt cọc tiền phòng lại bị trộm mất...

Đại diện Chi đoàn Báo Công an TP Đà Nẵng giúp đỡ Phan Thị Thu Hiền
điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng.

Nghe con kể đến đây, bà Sâm lại nấc lên, không hiểu vì sao người ta có thể đối xử với con bà như vậy. "May mắn là em lại có rất nhiều bạn thân, thầy cô giáo cả từ hồi còn đi học cho đến khi đi làm. Không có họ, em không biết mình phải sống làm sao", Hiền nói rồi đưa tấm ảnh cùng bạn bè đội mũ cử nhân ngày tốt nghiệp đại học và cả ảnh những chuyến đi về với người khuyết tật miền quê ra khoe. Và mong sớm trở lại được cuộc sống của những ngày sôi nổi.

Mỗi ngày chuyền vào người cơ man nào là nước, muối và kháng sinh, với cái bệnh án chằng chịt, cô "cử nhân dioxin" đầu tiên của Đà Nẵng nói với tôi là rất sợ ước mơ dang dở. Không phải vì hết nhiệt huyết mà sợ cuộc đời chỉ cho phép đến đó thôi. Nhưng dù còn một ngày hy vọng thì Hiền vẫn không buông xuôi. Tôi sợ chế độ cơm chay từ thiện của bệnh viện dành cho người mẹ, và thuốc kháng sinh liên tục được đẩy vào người của Hiền sẽ cản bước niềm hy vọng mãnh liệt kia...

Báo Công an TP Đà Nẵng mong muốn được làm cầu nối, kêu gọi sự giúp đỡ của các tấm lòng hảo tâm để mong tiếp sức cho cô gái đầy nghị lực tiếp tục được sống và thực hiện tâm nguyện của mình. Mọi sự giúp đỡ xin liên lạc với Phan Thị Thu Hiền, hiện đang điều trị tại phòng 511, Khoa Nội hô hấp, Bệnh viện Đà Nẵng hoặc Báo Công an TP Đà Nẵng (62-Phan Châu Trinh, Đà Nẵng).

Công Khanh