Tâm tình một nẻo quê chung (*)
(Cadn.com.vn) - Đọc tập thơ "Lục bát tình" có đến những hơn 60 bài lục bát của hai anh Hoàng Yên Xuân và Hoàng Hương Việt, người đọc dễ có cảm giác như lạc bước vào cả một vườn thơ.
Bìa tập thơ "Lục bát tình". |
Thôi thì Tâm tình một nẻo quê chung (Huy Cận), một quê chung mười mươi thịt xương, cảm nhận "Lục bát tình". Đó là một quê chung mà: Chợ Chùa bún có còn ngon/ Mã Châu xứ lụa kén còn ươm tơ ( Hoàng Yên Xuân), chứ chả phải một quê quán siêu hình dẫn dắt con người ta bước vào một cõi thăm thẳm nào cả. Ấy vậy mà, cái quê chung mười mươi thịt xương kia, những con đường đầm đìa dấu chân hoa niên kia, có ai ngờ, giờ đây là những lối vô tận, vén lớp màng sương ký ức này lại gặp lớp màng sương ký ức khác. Dường như những nơi ấy chất chứa một thứ tro than của thời gian luôn ủ kín một thứ lửa âm ỉ, mà hễ bước bàn chân vừa chạm tới là bùng lên thành ngọn soi rọi hiện ra mơ hồ từng dấu yêu thương, để từ đó mà thành "Lục bát tình", rồi kẻ nọ đặt tên là "Phía tương tư", người kia lại gọi là "Vấp một tiếng yêu"! Lời nào cũng gợi, câu nào cũng tình, cũng chất chứa dự phóng trẻ trai bát ngát của một thời thanh xuân đâu đó: Xôn xao cánh én thêu thùa/ Một trời xuân, một hội mùa hoan ca (Hoàng Hương Việt).
Hiếm có một đôi bạn nào như hai anh Hoàng Yên Xuân và Hoàng Hương Việt. Tôi không rõ lắm cái nhóm "Mây thu" của các anh tập hợp nhau lại từ những năm 1960, cho đến bây giờ còn mấy ai nữa. Chỉ có điều, đọc mấy trang của các anh viết "tái bút" kiểu như một lời trần tình ở cuối tập thơ "Lục bát tình", tự dưng tôi hình dung đến những tình nhân từng gieo mộng mị hoang đường cho mình từ cái thuở: Nắng vung vãi buồn qua cửa lớp/ Tôi ngồi nghe tóc gọi ngoài hiên (DC). Hình như cả một thế giới dạt dào gió thơm ấy đã nuôi dưỡng tốt tươi những tâm hồn đa cảm, kiểu như các anh, để mỗi khi không cầm lòng, là người nọ réo tên người kia bời bời nỗi nhớ: Tình chưa cạn chén đầy vơi/ Ta chưa chạm được chân trời ước mơ/ Việt ơi! Hẹn đến bao giờ/ Ta cùng với bạn vượt bờ nhân sinh. Với Hoàng Yên Xuân là như vậy, còn Hoàng Hương Việt: Chúng mình là thế Xuân ơi/ Cứ lang thang cứ đau đời lạ không/ Chúng mình xuân hạ thu đông/ Như riêng thế giới mặn nồng xưa sau.
Thơ như thế đích thực là tiếng kêu, tiếng vỡ, tiếng gọi cho vơi bớt nỗi niềm thoát ra từ lồng ngực căng đầy nỗi nhớ. Xin đừng dông dài lý luận, triết luận về nó, đơn giản đấy như là lời hát ru của người mẹ khi bàn tay vừa chạm đến sợi tao nôi là lập tức tiếng ầu ơ ứ đầy từ vô thức vụt bay ra, khôn dại lý giải về nó tức là đồng thời giết đi một tâm hồn thơ ấu yêu thương. Mượn một ý đẹp của một thiền sư thi sĩ, tôi ví von: người ta ai nỡ giết đi một tiếng suối trong, một ánh sáng lung linh, một giọt sương trong ngần. Nó sinh ra đời không phải từ những định nghĩa của mớ bòng bong lý luận già cỗi mà là niềm xao xuyến ấu thơ vang ngân xanh ngời sự sống. Lục bát trong trường hợp này là nguyên ủy một thế giới chứa chan tiếng hát ru, hoặc giả là câu hò vơi đầy trên dòng sông thương nhớ. Nó hoa hoang, nó cỏ dại, nó chín đợi mười chờ, nó là giấc mơ không bao giờ chịu chết, bất tử như ngọn gió nồm thổi qua đồng bãi ký ức, đánh thức nỗi một mình ưu du qua từng cung bậc: Một vòng tay, trăm vòng tay/ Còn thơ mê loạn còn vay nợ tình/ Còn thân thể nọ phiêu linh/ Còn đêm cô độc, còn mình mình tôi ( Hoàng Hương Việt).
Mỗi một đánh thức như thế kia là một thời thể, một ốc đảo chon von chót vót giữa trùng trùng khói sương thời gian. Thì còn gì nữa, các anh giờ đây ai cũng đã đi qua ngưỡng cửa " thất thập", hơn nửa thế kỷ tình bạn và tình thơ ấy, suy cho cùng, cái còn lại là góp nhặt mọi thời thể kia để may ra còn một hội thể lưu tồn, hoặc giả là cho gió ngàn bay: Ngàn xưa cho đến ngàn sau/ Tơ rơi một mối gió bay ơ hờ (Hoàng Yên Xuân).
Tự thân ngôn từ đều ẩn chứa trong lòng nó những tự nghĩa. "Lục bát tình" còn hơn thế nữa là lời giải bày của Hoàng Yên Xuân và Hoàng Hương Việt: Đã hơn năm mươi năm lặng lẽ. Mỗi lần gặp nhau, lại cái tật lang thang, lại nói về thơ. Hai đứa lại "bốc đồng" nổi hứng như còn chút gì còn lại cháy lên, rạo rực... Quý hóa thay những chút lửa cháy lên vào lúc hoàng hôn tuổi tác. Đó là những tinh thể tiềm ẩn bên trong mỗi một cuộc đời dằng dặc, sau những cuộc lên đường vì nhiều lý do của mỗi số phận, đến một lúc bất ngờ, nó ánh lên như quầng ráng phía non đoài lưu lại dấu hoàng hôn !
Nguyễn Nhã Tiên
(*) Đọc tập thơ Lục bát tình của Hoàng Yên Xuân
và Hoàng Hương Việt NXB Văn học, 2013.