Tận dụng tốt sự kiện APEC 2017 để thu hút đầu tư

Thứ hai, 01/08/2016 10:24

(Cadn.com.vn) - Đó là chỉ đạo của Ủy viên Bộ chính trị, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh trong buổi làm việc với TP Đà Nẵng và lãnh đạo các Bộ ngành Trung ương diễn ra ngày 30-7. Tiếp và làm việc với đoàn công tác có Chủ tịch, Phó chủ tịch  UBND TP Huỳnh Đức Thơ, Nguyễn Ngọc Tuấn.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh phát biểu tại buổi làm việc.

Chuyến làm việc này, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh muốn nghe kết quả đánh giá kinh nghiệm sử dụng nguồn vốn ODA, công tác đối ngoại và chuẩn bị APEC 2017 của Đà Nẵng trong thời gian qua. Báo cáo với Phó Thủ tướng, lãnh đạo TP Đà Nẵng cho hay, từ 2011 đến 2015, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của TP luôn đứng đầu cả nước; tình hình thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Đà Nẵng ước tính hơn 3 tỷ USD. Cùng thời gian, TP đã triển khai có hiệu quả tổng cộng 13 dự án ODA (7 dự án đầu tư, 6 dự án hỗ trợ kỹ thuật) với tổng nguồn vốn 700 triệu USD, trong đó vốn ODA là 540 triệu USD, vốn đối ứng 160 triệu USD. Tuy nhiên, hiện nay nguồn vốn đối ứng là 50%, trong khi đó nguồn thu ngân sách của địa phương eo hẹp nên khó đáp ứng được yêu cầu của các dự án.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Tuấn, các dự án ODA đã góp phần quan trọng việc đầu tư, nâng cấp, thay đổi bộ mặt đô thị và hạ tầng Đà Nẵng, đồng thời góp phần lớn cải thiện điều kiện y tế, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin giúp cho Đà Nẵng từ 2008 đến 2013 dẫn đầu cả nước về chỉ số ứng dụng CNTT. Từ những thành công trên, Đà Nẵng hiện đang rất cần sử dụng vốn ODA cho nhiều dự án trọng điểm khác, điển hình như: Dự án xây dựng cảng Liên Chiểu (tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 8.330 tỷ đồng) nhằm giảm tải cảng Tiên Sa tiến tới dần chuyển công năng cảng Tiên Sa thành cảng du lịch; dự án cải thiện môi trường nước (vốn ODA gần 140 triệu USD), vốn đối ứng 24,7 triệu USD (tương đương hơn 540 tỉ đồng); dự án xây dựng Nhà máy nước Hòa Liên sử dụng khoản viện trợ không hoàn lại của Chính Phủ Nhật Bản để xây công trình phụ trợ, dự kiến vốn đầu tư 24,74 tỉ Yên…

Đại diện các Bộ ngành phát biểu tại buổi làm việc.

Liên quan đến công tác chuẩn bị những đầu việc phục vụ hội nghị cấp cao APEC 2017, Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Tuấn thông tin, hiện đã sử dụng 400 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương cấp để triển khai 3 dự án lớn là Trung tâm báo chí, Cung thể thao Tiên Sơn, địa điểm tiệc chiêu đãi CEO Summit. Đặc biệt, qua khảo sát của đoàn khảo sát liên ngành gồm các Bộ và TP thì Đà Nẵng có đủ khả năng đáp ứng tốt khâu lưu trú phục vụ quan khách các đoàn, nhất là hệ thống khách sạn từ 3-5 sao (tổng cộng, Đà Nẵng có 10.000 khách sạn với 13.000 phòng). Trong khi đó, tất cả các địa điểm Trung ương và TP chọn làm nơi tổ chức hội nghị, ăn ở cho quan khách trong và ngoài nước cũng đã và đang được triển khai đạt hiệu quả so với tiến độ đề ra. 5 tiểu ban phục vụ sự kiện này cũng đã được thành lập gồm: Thư ký –nội dung, Lễ tân – hậu cần, cơ sở vật chất, tuyên truyền – văn hóa, an ninh – y tế.

Nhân buổi làm việc với Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, lãnh đạo TP cho hay, hiện đang phối hợp Bộ Ngoại giao tiến hành khảo sát địa điểm đặt trụ sở Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại Đà Nẵng. Vấn đề này, phía Trung Quốc cho biết việc đặt Tổng lãnh sự dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2016 hoặc đầu năm 2017. Với đề xuất của Đà Nẵng, cũng sẽ được xem xét sau khi có nghị định của Chính phủ.

Kết luận tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đánh giá cao các mặt công tác Đà Nẵng đã chỉ đạo thực hiện từ công tác đối ngoại, thu hút sử dụng nguồn vốn ODA và chuẩn bị APEC. Về thực hiện các dự án ODA, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng là các địa phương triển khai rất tốt từ tiến độ đến các tiêu chí thực hiện, kinh nghiệm, năng lực quản lý dự án… “Qua đánh giá, về cơ bản, các dự án ODA thực hiện tại Đà Nẵng đảm bảo tiến độ và đạt kết quả tốt, đóng góp hiệu quả cho phát triển thành phố. Nói về mặt bằng chung giải ngân vốn ODA, cả nước đạt khoảng 20-30%, trong khi đó Đà Nẵng đạt 30% mà không gặp nhiều khó khăn với vốn đối ứng với các dự án ODA là rất tốt. Nỗ lực của Đà Nẵng là điểm sáng rất đáng để các địa phương khác học tập và là mô hình cần nhân rộng”- Phó Thủ tướng nói. Cũng theo Phó Thủ tướng, hiện nay Chính phủ đang họp bàn và xây dựng cơ chế để thời gian tới sử dụng vốn ODA làm sao cho hiệu quả, nhất là việc tính toán khả năng trả nợ. Nước ta đã bước qua giai đoạn tiếp cận với nguồn vốn vay ODA rẻ, nguồn viện trợ cho không, trong khi đó Việt Nam là quốc gia phát triển trung bình, nên chỉ có thể tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi có lãi suất cao hơn. Tính đến năm 2020, nợ ODA của Việt Nam  đã chiếm hơn 26% tổng số nợ quốc gia, nên việc sử dụng vốn ODA phải hết sức cẩn thận, cần tìm hiểu kỹ lưỡng vay thực hiện những dự án đang đề nghị được sử dụng vốn ODA và khả năng trả nợ.

Liên quan đến công tác chuẩn bị Tuần lễ cấp cao APEC 2017, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho rằng, Chính phủ chọn Đà Nẵng đăng cai sự kiện này với mong muốn tạo cơ hội cho thành phố phát triển cơ sở hạ tầng, quảng bá hình ảnh thành phố, thu hút đầu tư, du lịch... Dự kiến, sẽ có hàng trăm doanh nghiệp lớn trên toàn thế giới đến với sự kiện, đặc biệt là nhiều nguyên thủ quốc gia trên thế giới đến tham dự. Vì vậy, bên cạnh tổ chức  triển khai công tác chuẩn bị chu đáo để Tuần lễ cấp cao APEC 2017 diễn ra thành công, an toàn, Phó Thủ tướng lưu ý Đà Nẵng phải tận dụng tốt cơ hội có một không hai này để thúc đẩy thu hút đầu tư, thúc đẩy về thương mại, du lịch, quảng bá, thúc đẩy phát triển nền kinh tế, xây dựng Đà Nẵng thành TP năng động, phát triển thịnh vượng hơn, nhất là việc thu hút các dự án đầu tư công nghệ cao, công nghệ sạch. Để làm được vậy, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ ngành Trung ương hỗ trợ tích cực cho Đà Nẵng từ khâu quảng bá hình ảnh đến xúc tiến, thu hút đầu tư.

Công Hạnh