Tan hoang Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh (Kỳ 2: Tàn sát động vật trong khu bảo tồn)

Thứ ba, 10/04/2018 13:05

Theo khảo sát của Tổ chức WWF - Đông Dương và Viện Điều tra Quy hoạch Rừng Việt Nam, Khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Sông Thanh, ngoài sự đa dạng của các loài thực vật bậc cao, hệ động vật rừng của khu bảo tồn này rất đa dạng với danh mục gồm 53 loài thú, 183 loài chim, 44 loài bò sát, 21 loài lưỡng cư, 25 loài cá... Kết quả khảo sát cũng cho thấy sự hiện diện của nhiều loài thú lớn và quý hiếm như hổ, báo, voi, voọc chà vá chân nâu, voọc chà vá chân xám... Tuy nhiên, đó là những đợt khảo sát trước năm 2000, hiện tại, với những gì đang diễn ra trong khu bảo tồn này thì số lượng động vật chẳng còn là bao.

Một con voọc chà vá chân xám quý hiếm bị sát hại trong khu bảo tồn.

Là khu bảo tồn đa dạng sinh học, nhưng trong chuyến thực tế, chúng tôi bắt gặp hàng ngàn chiếc bẫy thú các loại được ngụy trang hết sức công phu. Đặc biệt, tại vùng lõi rừng, các đối tượng dựng hàng rào chiều cao khoảng 0,5m với những đoạn cây được đóng xuống đất kiên cố. Bẫy được giăng dài như "thiên la địa võng" khắp rừng. Để tạo nên một dàn bẫy, đám thợ săn sẽ phát rừng theo lối đường đi, bề rộng khoảng nửa mét để đặt bẫy dọc hai bên. Đầu dây của bẫy sẽ được cột vào một ngọn cây uốn cong xuống để có sức bật, đầu dây còn lại là thòng lọng và có bộ phận nhỏ gọi là cần gạt. Khi con thú đi ngang qua bẫy, chân đụng phải cần gạt là ngọn cây sẽ bật mạnh lên, ruột dây phanh thiết chặt lấy chân hoặc thân con mồi... Hướng giăng bẫy được đặt dọc theo triền khe suối để đón đợi những con thú xuống uống nước sẽ mắc bẫy. Với mức độ bẫy dày đặc như này,  những thú rừng nào đi qua khu vực này khó lòng mà thoát được. Ông L. tiết lộ, tùy loại thú mà có những loại bẫy khác nhau, nếu bẫy những thú nhỏ như nhím, hoẵng, tê tê, chồn... thì đơn giản, chỉ cần dùng ruột phanh xe đạp. Còn đối với những động vật lớn hơn như heo rừng, nai, hươu, gấu... thì phải dùng ruột phanh xe máy và những chiếc bẫy kẹp lớn.

Dừng chân bên con thác nhỏ, ông L. cho biết, nhiều năm trước, lúc đi rừng thường thấy hươu, nai, vượn, voọc... trèo nhảy trên cây rất nhiều. Nhưng 3 năm trở lại đây các loài động vật đã vắng bóng. Thực tế chuyến đi chúng tôi không bắt gặp con thú nào. Đêm ngủ lại trong rừng nhưng vẫn không nghe tiếng thú hoang nào cất tiếng ngoài những tiếng côn trùng nỉ non. Qua chuyến đi thực tế, ngoài việc rừng bị xâm hại một cách nghiêm trọng, trong KBTTN Sông Thanh này có một nhóm đối tượng trang bị vũ khí chuyên săn bắt động vật quý hiếm. Chúng dựng lán trại ở giữa rừng sống bằng nghề săn bắn trong nhiều năm qua. Qua tìm hiểu được biết, lúc trước nhóm này có 3 người, trong đó có đối tượng tên Bình (40 tuổi) được gọi là "đại ca". 2 năm gần đây, số lượng các tay săn tăng lên 8 người, được trang bị vũ khí các loại như súng AK, súng săn, súng hơi... để săn bắt động vật trong rừng. Chúng dựng 2 lán trại cách nhau khoảng 500m để hoạt động. "Nhiều lần vào rừng tôi thấy bọn chúng bắt rất nhiều thú như: heo rừng, tê tê, nai, khỉ, voọc... Nắm được lai lịch của tôi, chúng đe dọa nên tôi cũng rất lo sợ. Thế nhưng tận mắt nhìn cảnh khu bảo tồn thiên nhiêu bị tàn phá như vậy khiến lòng tôi rất áy náy. Vì vậy tôi quyết định tố giác để các ngành chức năng vào cuộc truy bắt bọn chúng để trả lại sự bình yên cho khu rừng"- ông L. tâm sự.

Các đối tượng đang xẻ thịt một con voọc khác trong lán trại.

Để tiếp cận, chúng tôi nhờ ông L. dẫn đường đến lán trại của các đối tượng trên gần khu vực Khe Cá. Khi thấy người lạ đến, một đối tượng (sau này được biết tên Nhỏ) đang ngồi bên con suối mặt mày hung tợn chạy ra ngăn cản: "Các anh đi đâu?". Chúng tôi nói: "Dạ, em đi hái nấm lim xanh và lan rừng". Để xác minh điều chúng tôi nói, đối tượng này yêu cầu mở bao ra để kiểm tra. Khi thấy trong bao có nhiều nấm lim xanh và lan rừng thì tên này mới dịu giọng hơn. Ông L. cũng nhanh chóng nói: "Đây là 2 đứa cháu tôi, nó theo tôi đi tìm nấm lim". Thấy ông L. là người quen nên chúng có phần tin tưởng, đối tượng quay lại con suối nhỏ tiếp tục nhổ lông 1 con bồ nông và 1 con gà rừng vừa mới bắn được. Tuy nhiên, cặp mắt đối tượng này vẫn luôn hướng về chúng tôi quan sát. Vờ vào xin ly nước để tiếp cận lều trại, chúng tôi phát hiện tại đây có 2 cá thể voọc đã bị bắn chết. Cạnh đó một đối tượng khác đang thui lông một con voọc trên bếp, con voọc chân xám còn lại đang nằm để đến lượt bị xẻ thịt. Qua quan sát trong trại, chúng tôi phát hiện có 3 khẩu súng, trong đó có 2 khẩu súng săn và một khẩu súng AK. Uống chưa xong ly nước, một tên nằm trên võng lớn tiếng bảo chúng tôi: "Trong này không có nấm lim xanh, uống nhanh rồi đi ra"... Khi chúng tôi di chuyển sang hướng lán trại thứ 2 thì bị đối tượng cu Nhỏ ngăn cản: "Đường này các anh không đi được". Thấy chúng có vẻ làm dữ nên chúng tôi đành men theo lối đường mòn đi xuống khu vực Khe Voi. Qua tiếp xúc, những đối tượng trên đều là người phía Bắc. Chúng coi khu vực này như rừng của chúng và bất cứ người lạ nào vào đều bị truy hỏi gắt gao.

Hệ thống bẫy thú trong khu bảo tồn Sông Thanh.

Nằm nghỉ trên chiếc võng mang theo, ông L. thông tin thêm, cách đây hơn 1 năm nơi đây được xem như một đại công trường khai thác vàng có xe múc và gần 100 nhân công hoạt động rất quy mô. Khai thác một thời gian hết vàng thì bọn chúng chuyển đi, nghe nói sang Phước Sơn. Tại đây, chúng tôi bắt gặp rất nhiều lán trại bỏ hoang, những gò đất cao thấp nằm cạnh dòng sông Thanh. Dòng nước đục ngầu từ thượng nguồn Phước Sơn đổ về khiến chúng tôi không dám sử dụng dù lúc này rất khát...

Phóng sự: LÊ VƯƠNG-BÃO BÌNH