Tan hoang Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh (Kỳ cuối: Ai tiếp tay cho "lâm tặc")

Thứ tư, 11/04/2018 12:52

Nhiều người dân địa phương cho biết, tình trạng phá rừng sông Thanh đã diễn ra gần 10 năm nay. "Điều khiến chúng tôi bức xúc nhất là lâm tặc tung hoành là vậy. Thế nhưng khi người dân địa phương tận dụng những đoạn gỗ trôi trên Sông Thanh cưa xẻ đem về làm nhà thì bị lực lượng chức năng ập vào thu giữ. Bởi vậy người dân nơi đây không mấy mặn mà cộng tác với lực lượng kiểm lâm địa phương"- ông ALăng T. nói. Trong chuyến công tác tại Nam Giang nhằm tìm hiểu về tình trạng phá rừng cũng như đường đi của gỗ lậu, chúng tôi nghe người dân nơi đây nhắc nhiều đến đối tượng có tên "Trung cò". "Ở đâu không biết chứ đất Nam Giang chỗ nào có gỗ là có mặt Trung cò. Bất cứ ai cũng không được đụng đến một miếng gỗ khi Trung chưa cho phép. Trung cò mua bán gỗ giữa ban ngày như bán cá cũng chẳng ai dám làm gì. Gỗ Trung cò chở đi nghênh ngang ngoài đường ngay trung tâm thị trấn Thạnh Mỹ cũng chẳng ai dám làm gì. Ai cũng thấy, ai cũng biết nhưng không dám nói, không dám làm gì vì sợ thù nên dần dần dân sợ không báo nữa"-ông H. một người dân TT Thạnh Mỹ bày tỏ.

Gỗ được "lâm tặc" đưa ra khỏi rừng nằm rải rác dọc sông Thanh. 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, cuối tháng 12-2017, từ tin báo của người dân Nam Giang, lực lượng chức năng bắt xe gỗ của "Trung cò" khi trên xe có mặt Trung cùng hơn 3 khối gỗ lim xanh. Trong vụ này, "Trung cò" bị xử phạt vi phạm hành chính 75 triệu đồng, đồng thời bị tịch thu toàn bộ số gỗ cùng phương tiện, tổng giá trị sung công quỹ 320 triệu đồng... Ngoài đối tượng "Trung cò", người dân còn nói đến "lâm tặc" khác quê xã Đại Hồng (H. Đại Lộc). "Đối tượng này đã đưa nhiều người vào rừng Sông Thanh chuyên khai thác gỗ gõ và lim xanh vận chuyển theo đường sông về bán cho dân Đà Nẵng, Hà Nội với giá rất cao. Đến nay toàn bộ gỗ gõ và lim trong rừng Sông Thanh đã cạn kiệt. Ngoài khu vực Sông Thanh, đối tượng này còn cho quân triệt phá rừng lim ở Nam Sông Bung mà vừa qua báo chí đã nói đến"- ông H. thông tin thêm.

Ngoài số gỗ được vận chuyển về đồng bằng, tại TT Thạnh Mỹ và các xã lân cận của H. Nam Giang có hàng chục xưởng gỗ hoạt động. Chỉ riêng tại thôn Pà Xua (xã Tà Bhing) có 5 xưởng gỗ, mỗi ngày thu mua hàng chục khối gỗ các loại, trong đó đặc biệt thu mua gỗ lim, sến, kiền kiền vì các loại này giá trị rất cao. "1 phách gỗ lim kích thước 6-25cmx2,5m sẽ được thu mua với giá 1,2 triệu đồng. Còn gõ kích thước 25-50cmx3m sẽ thu mua với giá 2,5 triệu đồng. Giá trị cao nên nhiều đối tượng đua nhau vào rừng khai thác"- ông T. tiết lộ thêm. Trong khi đó, theo báo cáo của Hạt kiểm lâm RĐD Sông Thanh, thực hiện Kế hoạch số 147/KH-UBND của UBND tỉnh Quảng Nam về việc kiểm tra, truy quét, xử lý vi phạm lâm luật trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, đơn vị đã tổ chức 50 đợt kiểm tra, truy quét. Qua đó phát hiện và lập biên bản 42 vụ; tạm giữ đến 1,880 m3 gỗ tròn; 16,391 m3 gỗ xẻ; 1.025 kg gốc rễ có hình thù phức tạp; 20 cá thể động vật rừng thuộc loài nguy cấp, quý hiếm; 30 kg sản phẩm động vật rừng thuộc loài nguy cấp, quý hiếm; 66 cá thể động vật rừng thông thường (trọng lượng 111,5 kg), 288,5kg sản phẩm động vật rừng thông thường...Trước "thành tích" trên của Hạt kiểm lâm RĐD  Sông Thanh, nhiều người cho rằng để giữ rừng tận gốc mới đáng nói, còn việc để "lâm tặc" vào rừng tàn phá rồi đưa gỗ ra khỏi rừng mới bắt thì còn gì là bảo vệ rừng (!?). Đặc biệt, cách khu vực Bến Giằng (xã Cà Dy, H. Nam Giang) không xa có một chốt kiểm lâm được dựng lên có người túc trực 24/24 nhằm kiểm soát gỗ từ sông Thanh ra. Thế nhưng điều "khó hiểu" là gỗ từ sông Thanh vẫn được "lâm tặc" cho theo dòng sông này về xuôi đều đều...

Gỗ từ khu bảo tồn theo sông Thanh ra đến Bến Giằng, sau đó được kết vào mạn thuyền đưa về xuôi giữa ban ngày.

Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh có diện tích 75.000ha nằm trên hai huyện Nam Giang và Phước Sơn. Trong đó H. Nam Giang chiếm hơn 80% diện tích. Nhằm chuẩn bị tiền đề, nền tảng thiết yếu để nâng cấp KBTTN Sông Thanh - nơi vừa được Bộ NN&PTNT thống nhất chủ trương lập hồ sơ nâng hạng thành Vườn quốc gia Sông Thanh, UBND tỉnh Quảng Nam đã có đề án thực hiện việc nâng hạng này. Mục tiêu nhằm xây dựng vườn quốc gia này trở thành khu dự trữ carbon lớn, bảo vệ hệ sinh thái. Xa hơn nữa là tạo điểm du lịch sinh thái cộng đồng lý tưởng của vùng, là điểm dừng chân trên con đường lữ hành từ Thái Lan về Việt Nam. Thế nhưng những gì đang diễn ra tại đây khiến người dân lo lắng về tính khả thi của đề án cũng như hệ thống động thực vật rừng ngày càng suy kiệt.

Bão Bình - Lê Vương