Tan hoang Phước Thành

Thứ sáu, 20/11/2020 20:30

Sau khi tuyến đường vào các xã vùng cao H. Phước Sơn (Quảng Nam) được thông đến xã Phước Thành, ông Nguyễn Mạnh Hà - Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Quảng Nam kiêm Chỉ huy trưởng Sở chỉ huy tìm kiếm cứu nạn tại H. Phước Sơn cùng đoàn công tác đã có chuyến kiểm tra thực tế thiệt hại tại đây; đồng thời đôn đốc các lực lượng chức năng tiếp tục nỗ lực để thông tuyến vào xã Phước Lộc. Bên cạnh đó, nhiều đoàn từ thiện khi hay tin tuyến đường đến xã Phước Thành đã thông nên đưa lương thực, thực phẩm đến cứu trợ.

Ông Nguyễn Mạnh Hà cùng đoàn công tác kiểm tra thiệt hại do mưa lũ tại xã Phước Thành sáng 19-11.

Bỗng chốc thành bình địa

Sáng 19-11, nhiều người có mặt tại xã Phước Thành không khỏi bàng hoàng khi những dãy nhà, hàng quán sầm uất ven đường trước trung tâm xã giờ chỉ còn là những bãi đất trống, cây cối, đất đá ngổn ngang. Con suối chỉ rộng chừng 2 mét mấy chục năm chẳng có thay đổi gì. Vậy mà giờ nó biến thành sông, cầu, đường bị xé toạc, càn quét tất cả những vật cản khi dòng lũ quét qua. Theo người dân địa phương, dòng lũ ống nhanh đến mức nhiều người chỉ kịp ôm con chạy ra ngoài, khi ngoái đầu lại thì đã không thấy nhà mình đâu nữa.

Chị Nguyễn Thị Mai Ly (1990, y sĩ Trạm Y tế Phước Thành) cho biết, thời điểm cơn lũ tràn về là lúc chị đang cấp cứu một người bị lũ cuốn trôi trước đó. "Thời điểm đó chồng mình cũng đang giúp người dân di dời nhà cửa. Mọi người chỉ nghĩ là sạt đồi xuống chứ không nghĩ là lũ ống. Lũ quét xuống bọn em không chuẩn bị gì hết, cứ nghĩ là nhà mình rứa là chắc nên cũng không di dời. Khi cấp cứu xong cho người bị thương thì mình nghe mấy anh công an, dân phòng hô hoán cho mọi người chạy. Nghe hô hoán mọi người bỏ chạy chứ không ai cầm được chi rời nhà hết. Trận lũ quét ấy nhà cửa trôi hoàn toàn, không còn một cái gì nữa hết. Chỉ có một bộ đồ trên người là chạy thôi, mọi thứ trôi hết. Nền nhà giờ là dòng nước", chị Ly tâm sự.

Nhà cửa không còn, trong những ngày qua vợ chồng chị Ly cũng như hàng chục hộ dân rơi vào hoàn cảnh tương tự phải sống tạm ở Trạm Y tế xã Phước Thành. "Chừ em thật sự cũng không biết tính toán như thế nào. Đất của mình hồi xưa giờ thành con suối hết rồi. Không biết bây giờ làm lại từ đâu cho hợp lý nữa. Đất sạt lở hết, chừ em không dám làm nhà ở đâu nữa hết. Lên đây 10 năm trời, chúng em vay mượn làm được ngôi nhà. Chừ trôi sạch sẽ rồi, em không có ngôi nhà cho con nó ở chi hết. Áo quần cũng trôi hết, đồ em mặc do người ta cho chứ không có bộ đồ nào. Tại Trạm Y tế có khi 12 người một phòng, ai cho gì ăn nấy, chính quyền địa phương có hỗ trợ thêm. Qua đây chúng em mong mạnh thường quân giúp đỡ làm lại nhà cửa, chứ chúng em không biết làm sao xây lại", chị Ly nghẹn ngào.

Nhà cửa, quán xá hai bên đường ở trung tâm xã Phước Thành trước đây và hiện tại chỉ là bãi đất hoang tàn.

Dồn sức ứng cứu

Sáng 19-11, có mặt tại xã Phước Thành, ông Nguyễn Mạnh Hà không khỏi xót xa, đau đớn khi chứng kiến hàng chục căn nhà nằm ở thung lũng xã Phước Thành bị lũ cuốn trôi. Chia sẻ những mất mát to lớn với chính quyền và người dân nơi đây, ông Hà cho biết, để kịp thời giải quyết khắc phục sau thiên tai, tỉnh đã chỉ đạo H. Phước Sơn và các xã bị ảnh hưởng do bão số 9 trước mắt tập trung việc tìm kiếm người mất tích; tiếp tục chỉ đạo đưa lương thực thực phẩm lên 2 xã Phước Thành và Phước Lộc. "Tuyến đường từ xã Phước Kim lên Phước Thành, Phước Lộc cơ bản thông tạm, kịp thời đưa hàng hóa, lương thực thực phẩm lên cho bà con. Địa phương tiến hành dự trữ lương thực, trong trường hợp mưa lũ tiếp tục xảy ra thì vẫn bảo đảm được lương thực cho hai xã này trong thời gian dài. Đối với số hộ dân bị mất nhà cửa, địa phương cần tổ chức lực lượng tại chỗ, quân sự, công an trên địa bàn huyện phối hợp làm lại nhà tạm cho người dân trong thời gian chính quyền, các hộ gia đình tìm được vị trí mới. Giao cấp ủy, chính quyền địa phương phối hợp với gia đình tiến hành đi khảo sát những địa điểm xây dựng sắp tới để hộ dân có nhà ở ổn định, đảm bảo an toàn, phù hợp với phong tục tập quán của địa phương cũng như có sự thống nhất của bà con, tránh trường hợp khi làm nhà ra bà con không đến ở", ông Hà lưu ý.

Liên quan đến thiệt hại về nông nghiệp, hầu hết diện tích lúa nước, lúa rẫy của bà con đã bị vùi lấp hoàn toàn. Theo ông Hà đây cũng là vấn đề khó khăn của địa phương trong thời gian đến. "Đối với diện tích có thể khôi phục lại, chúng tôi đã chỉ đạo bà con tiếp tục khôi phục diện tích bị vùi lấp, diện tích không có khả năng khôi phục lại sẽ tiếp tục đề nghị trung ương, tỉnh hỗ trợ gạo khi bà con chưa có đất sản xuất. Trong thời gian tới tập trung phát triển lâm nghiệp, quan tâm đến việc trồng rừng gỗ lớn kết hợp trồng dược liệu, cây ngắn ngày phục vụ đời sống bà con. Từng bước hạn chế việc cấp cây keo cho bà con trồng như hiện nay, vì nguy cơ sạt lở trong thời gian qua có một phần của việc trồng keo",  ông Hà nhận định.

Nhằm chia sẻ những khó khăn của người dân hai xã vùng cao Phước Thành, Phước Lộc, trong ngày 19-11, ngay sau tuyến đường đến xã Phước Thành được thông, Cty Phước Minh đã huy động nhiều phương tiện chở 1.000 suất quà vào hỗ trợ cho người dân tại đây. Ông Ngô Văn Quang - Giám đốc Cty Phước Minh cho biết, dù Cty cũng bị thiệt hại nặng nề do mưa lũ gây ra, tuy nhiên với tinh thần tương thân tương ái, Cty đã quyết định hỗ trợ cho xã Phước Thành 550 suất quà; Phước Lộc 450 suất, mỗi suất gồm gạo, nhu yếu phẩm và 200 ngàn đồng, tổng trị giá hơn 500 ngàn đồng/suất. Dịp này, Cty Cổ phần Đầu tư Hoàng Nhất Nam cũng trao 100 suất quà cho bà con có hoàn cảnh khó khăn, mỗi suất 500 ngàn đồng...

TRẦN TÂN